Kinh tế Bangladesh

0
58
(Bangladesh)
(Bangladesh)

1. Dhaka mong muốn sửa đổi các thỏa thuận trong khuôn khổ LoC của Ấn Độ

Ngày 11/01/2021, các quan chức cho biết Bangladesh sẽ tìm cách sửa đổi các thỏa thuận trong Hạn mức tín dụng Ấn Độ (LoC) 2 và 3 vì một số điều khoản được chứng minh là rào cản trong thực hiện các dự án. Yêu cầu này có thể sẽ được đưa ra trong cuộc họp đánh giá tiếp theo.

Dhaka và Delhi sẽ tổ chức một cuộc họp trực tuyến ba bên vào ngày 20-21/01/2021 nhằm giải quyết những trở ngại trong việc triển khai các dự án do Ấn Độ tài trợ. Một Vụ trưởng của Cục Quan hệ Kinh tế (ERD) sẽ dẫn đầu phía Bangladesh trong khi người đồng cấp của Bộ Ngoại giao Ấn Độ sẽ là trưởng đoàn Ấn Độ. Các Giám đốc dự án (PD) và đại diện từ các cơ quan liên quan, bao gồm cả ngân hàng EXIM Ấn Độ cũng sẽ tham gia cuộc họp.

Hầu hết trong số 15 dự án thuộc LoC-1 trị giá 862 triệu USD đã được hoàn thành, ngoại trừ một số dự án kéo dài 10 năm.

Bangladesh đã tiếp nhận 14 dự án theo LoC-2 trị giá 2,0 tỷ USD và 17 dự án khác trong khuôn khổ LoC-3 trị giá 4,5 tỷ USD. Chính phủ Bangladesh đã ký một thỏa thuận với ngân hàng EXIM Ấn Độ cho LoC-2 vào tháng 3/2016 và LoC-3 vào tháng 10/2017. Các dự án thuộc cả LoC-2 và LoC-3 đều đang gặp khó khăn.

Một số chuyên gia cho rằng một trong những vấn đề lớn nhất ảnh hưởng các dự án là sự phức tạp trong đấu thầu và sự thiếu trách nhiệm của các nhà thầu Ấn Độ trong giai đoạn thực thi. Một trở ngại khác là các điều kiện về mua sắm, theo đó 75% giá trị mua sắm phải là dịch vụ hoặc hàng hóa từ Ấn Độ, làm tăng chi phí. Đôi khi các nhà cung cấp Ấn Độ nộp hồ sơ dự thầu với chi phí cao hơn nhiều so với ước tính của các đơn vị đấu thầu là cơ quan chính phủ Bangladesh. Bangladesh không có cách nào khác ngoài việc hủy bỏ đấu thầu và tiến hành đầu thầu lại, làm mất nhiều thời gian cho giai đoạn mua sắm sơ bộ.

Một quan chức cho biết Bangladesh đã yêu cầu phía Ấn Độ nới lỏng các điều khoản và điều kiện đối với các thỏa thuận cho vay trong vài năm qua, nhưng vẫn đang chờ giải quyết, tốn thời gian và chi phí cho Bangladesh. Khoản vay của Ấn Độ có lãi suất 1,0% với 0,5% phí cam kết. Khoản vay sẽ phải được hoàn trả trong 20 năm với thời gian ân hạn là 5 năm.

2. Giá bông tăng ảnh hưởng đến sản xuất may mặc

Giá bông thị trường quốc tế tăng đã ảnh hưởng đến sợi, ảnh hưởng đến các lô hàng may mặc, đặc biệt là hàng dệt kim, trong khi đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Theo các nhà sản xuất và nhà cung cấp hàng dệt kim, sợi 30 chải thô được tiêu thụ rộng rãi hiện đang được bán với giá từ 3,60 đô la đến 3,75 đô la/kg trong khi hai tháng trước chỉ là 2,60 đến 2,80 đô la. Mặt khác, từ tháng 7 năm ngoái đến tháng 1 năm nay, giá bông quốc tế đã tăng gần 28,60%. Vào tháng 7, thị trường giao dịch New York mỗi pound có giá trong khoảng từ 63 cent đến 63,30 cent. Tuy nhiên, ngày hôm qua (11/01), giá dao động trong khoảng 79 cent đến 80,25 cent/pound. Các cơ sở kéo sợi, thương nhân và nhà nhập khẩu bông Bangladesh đặt hàng trước vì bông trong nước chỉ có thể cung cấp 2,50% của nhu cầu hàng năm là 7,5 triệu kiện (một kiện tương đương 480 pound). Phí vận chuyển cũng làm tăng thêm chi phí nhập khẩu cũng có tác động đến giá sợi.

Giá bông trên thị trường quốc tế tăng chủ yếu do nhập khẩu tăng của Trung Quốc, nước tiêu thụ lớn nhất trên thế giới, do xu hướng phục hồi sản xuất. Hơn nữa, Trung Quốc và Pakistan, mặc dù là những nhà sản xuất bông lớn, đã tăng nhập khẩu do giá ở Trung Quốc cao và sản lượng thấp ở Pakistan.

Báo cáo của USDA cho biết, giá, vốn đã có xu hướng tăng trước đại dịch, đã giảm mạnh từ tháng 1 đến tháng 4, với giá giao dịch ở New York giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm. Tuy nhiên, giá đã tăng và hiện vượt quá mức trước đại dịch do nhiều yếu tố bao gồm cả việc các nhà máy phục hồi sản xuất.

Covid-19 đã có tác động mạnh mẽ đến hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế toàn cầu và bông không phải là ngoại lệ. Dự báo tháng 2 năm 2020 của USDA về nhu cầu sử dụng bông trên thế giới trong giai đoạn 2020-21 là 121 triệu kiện, tăng 1,7% so với dự báo 2019-20.

Md Fazlul Hoque, giám đốc điều hành của Plummy Fashions, cho biết giá sợi đã tăng hơn 40% chỉ trong vòng hai tháng. Monsoor Ahmed, thư ký của Hiệp hội các nhà máy dệt Bangladesh, cũng cho biết giá bông quốc tế cao là nguyên nhân khiến giá sợi trong nước tăng. Gần 60% chi phí sản xuất sợi liên quan đến bông./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here