“Châu Á sẽ quay trở lại việc sử dụng nhiên liệu bằng than đá?”

0
74
(Internet)
(Internet)

Vừa qua, trang oil.price đã có bài viết dưới tiêu đề “Châu Á sẽ quay trở lại việc sử dụng nhiên liệu bằng than đá?” với những nội dung chính như sau:

Năm 2020 là năm đồng nghĩa với việc khai thác và sử dụng than đá trên toàn cầu có chiều hướng sụt giảm. Các chuyên gia và nhiều chính phủ đã bày tỏ tin tưởng rằng ngành công nghiệp khai khoáng này sẽ phát triển trở lại khi các hạn chế do đại dịch Covid-19 được gỡ bỏ thời gian tới. Tuy nhiên, bước sang năm 2021, có vẻ như vấn đề về than đá sẽ không thể trở lại sớm như dự định. Trước năm 2020, khu vực Nam Á và Đông Nam Á đã trở thành những khu vực có nhu cầu về than đá lớn nhất trên thế giới khi mà một số quốc gia đầu tư mạnh vào việc khai khoáng và xây dựng các nhà máy nhiệt điện chạy than. Trong khi những tác động của đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng đến ngành công nghiệp trên toàn cầu thì dự báo tương lai tươi sáng về vấn đề than đá ở Châu Á lại đang ngày càng trở nên bất định.

Theo báo cáo do tổ chức Global Energy Monitor (GEM) công bố mới đây, các nền kinh tế lớn mới nổi ở châu Á như Bangladesh, Indonesia, Philippines và Việt Nam đã tuyên bố hủy bỏ 45 GW (Gigawatt) điện được cung cấp bởi các nhà máy nhiệt điện chạy than ngay trong năm 2020. Trong khi than đá là câu trả lời rõ ràng đối với nguồn cung năng lượng ngắn hạn cho toàn châu Á thì những thực tế của ngành năng lượng năm 2020 đã khiến nhiều quốc gia sẽ hướng tới năng lượng tái tạo như định hướng cho tương lai của ngành năng lượng.

Tại Việt Nam, bản dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đã vạch ra kế hoạch hủy bỏ xây dựng bảy nhà máy nhiệt điện chạy than và hoãn xây thêm sáu nhà máy nữa cho đến những năm 2030, điều này có thể dẫn đến việc kế hoạch xây dựng đó sẽ không bao giờ được phát triển nữa. Tháng 12 năm ngoái, Thủ tướng Pakistan Imran Khan đã thông báo việc sẽ không có thêm nhà máy nhiệt điện chạy than nào được xây dựng ở quốc gia này. Việc hủy bỏ xây dựng mới các nhà máy nhiệt điện chạy than cũng đã được Chính phủ Philippines thông báo vào tháng 11 vừa qua.

Theo giới phân tích, việc nhiều quốc gia trong khu vực châu Á phải hủy bỏ kế hoạch xây mới các nhà máy nhiệt điện chạy than là do sự thiếu hụt về mặt ngân sách và nguồn vốn trong lĩnh vực này. Ngoài ra, áp lực của công chúng đối với các ngân hàng cho vay vốn để chuyển đổi việc khai thác nguồn nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo đã khiến nhiều nhà đầu tư rút vốn ra khỏi ngành sản xuất than.

Ví dụ, vào tháng 12 năm trước, ngân hàng Malaysia CIMB đã công bố chiến lược rút vốn để loại bỏ dần việc cấp vốn cho ngành than mặc dù ngân hàng này đã đầu tư 2,6 tỷ đô la vào ngành than trong suốt một thập kỷ qua. Đây là ngân hàng lớn đầu tiên của một nền kinh tế mới nổi đã đưa ra kế hoạch cụ thể như vậy. Theo đó, CIMB đặt mục tiêu hỗ trợ các mục tiêu của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu bằng cách loại bỏ dần việc hỗ trợ tài chính cho ngành than vào năm 2040. Đánh giá về việc này, ông Tim Buckley, chuyên gia của Viện Kinh tế năng lượng và phân tích tài chính (IEEFA) phát biểu giải thích, động thái đáng ngưỡng mộ của CIMB được kỳ vọng sẽ là chất xúc tác cho một loạt các đối tác của CIMB khắp (Đông Nam Á) điều chỉnh một cách có hiệu quả việc cho vay vốn trong bối cảnh hiện trạng công nghệ thúc đẩy sự gián đoạn của hệ thống năng lượng, điều mà đang sớm trở thành hiện thực vào năm 2020.

Tuần qua, tập đoàn năng lượng AES của Mỹ đã công bố việc bán toàn bộ phần vốn sở hữu của mình tại Nhà máy nhiệt điện chạy than Mông Dương 2 ở Việt Nam với công suất thiết kế 1.242 MW. Giám đốc điều hành tập đoàn AES Andrés Gluski cho biết, hãng mong muốn đóng góp vào quá trình chuyển đổi của đất nước sang một tương lai năng lượng bền vững hơn. Khẳng định ý định sẽ tiếp tục đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo trong tương lai cũng như ngành năng lượng của Việt Nam và các khu vực khác của châu Á.

Trong khi xuất hiện nhiều ý kiến gợi ý về một “sự phục hưng” của ngành công nghiệp than trong suốt năm 2020, thì chính những điều này lại càng khiến cho nhiều người tỏ ra nghi ngờ nhiều hơn. Một số quỹ lớn đang rời bỏ ngành than đá, bao gồm quỹ siêu lớn nhất của Úc như AustralianSuper và quỹ Hưu trí toàn cầu của Chính phủ Na Uy là những quỹ đầu tư đang thắt chặt các khoản đầu tư vào lĩnh vực khai thác than.

Ngoài việc các nhà đầu tư lớn cắt giảm nguồn tài chính thì bản thân chính các công ty năng lượng cũng đang có chỉ dấu về một sự chuyển dịch khỏi ngành than. Trong báo cáo cập nhật tình hình nhà đầu tư hàng năm, tập đoàn Glenmore-nhà sản xuất than lớn nhất thế giới của phương Tây, đã đưa ra tuyên bố về kế hoạch “suy giảm quản trị của hoạt động kinh doanh than” và mức phát thải carbon dioxide ròng bằng không vào năm 2050. Điều này cho thấy sự chuyển dịch dần dần nhưng cuối cùng hãng cũng sẽ rút khỏi ngành than.

Mặc dù lạc quan về sự trở lại của ngành than trong suốt năm 2020 nhưng thực tế của năm 2021 lại cho thấy điều ngược lại, Áp lực đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo và thiếu động lực kinh tế để phát triển ngành than hơn nữa có nghĩa là kỷ nguyên than có thể sắp kết thúc.

(Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here