Chính phủ xác định xuất khẩu, tiêu dùng và đầu tư tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong năm 2021. Để “cỗ xe tam mã” này phát huy với quy mô lớn hơn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành công thương thực hiện tốt phương châm: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”…
Năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5%. Để đạt được mục tiêu này, năm 2021, ngành công thương phấn đấu tăng chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) khoảng 8% và tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4-5% so với năm 2020, trong đó cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu.
CÒN NHIỀU HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Phát biểu tại “Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành công thương”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những kết quả mà ngành công thương đã đạt được trong năm 2020, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hội nhập, thương mại và xuất khẩu .
Khái quát một số thành công lớn của ngành công thương, Thủ tướng cho rằng, công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng thể chế, cải cách hành chính được thực hiện tốt, đạt hiệu quả; bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ trong công tác điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá mặt hàng xăng dầu, bình ổn thị trường; tham mưu cho Chính phủ trong điều hành và tổ chức thực hiện tốt việc giảm giá điện cho người dân và doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Công tác cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương không ngừng đổi mới, đi vào chiều sâu hơn. Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, giảm được 880 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Việc thực hiện kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia giúp công khai, minh bạch các thông tin liên quan về thủ tục hành chính của Bộ và đáp ứng mục tiêu, yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cắt giảm thủ tục hành chính thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã thực hiện tốt, đến nay tất cả 295 thủ tục hành chính cấp Trung ương thuộc phạm vi quản lý của Bộ Công Thương đã được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 trở lên; đang cung cấp 206 dịch vụ công mức độ 3 và 62 dịch vụ công ở mức độ 4. Đã có gần 35.000 doanh nghiệp đăng ký sử dụng cổng dịch vụ công của Bộ Công Thương.
Công tác hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường, kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu.
Năm 2020, trong khó khăn do dịch bệnh, thương mại điện tử đã chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ. Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến; thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60 giờ, tăng 267% so với cùng kỳ 2019.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong năm 2020 cũng như giai đoạn 2016-2020 của ngành công thương. Đó là, trong sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp mũi nhọn quốc gia còn thiếu và yếu, đặc biệt là ngành công nghiệp do chính doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Tăng trưởng một số ngành công nghiệp chưa ổn định, thiếu bền vững. Thủ tướng nêu rõ: “Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn còn ở mắt xích có giá trị thấp. Các liên kết ngành còn mới manh nha, manh mún, khiến cho sức cạnh tranh chưa cao, đóng góp còn hạn chế…”.
Xuất khẩu vẫn dựa vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mặc dù tỷ trọng giá trị xuất khẩu của khối FDI đã giảm trong thời gian qua nhưng vẫn chiếm trên 64% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này phụ thuộc rất mạnh vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của ta sẽ chịu tác động mạnh. Mức độ đa dạng hóa thị trường của một số mặt hàng thuộc nhóm nông sản, thuỷ sản chưa cao.
Đặc biệt nhiều dự án lớn chưa được khởi công. Chưa có nhiều thương hiệu quốc gia tầm cỡ. Nhiều quốc sản của Việt Nam vẫn chưa hiện diện trên bản đồ thế giới. Hiện chưa có một chiến lược quốc gia đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Hàng Việt Nam trong các siêu thị vẫn còn lép vế so với hàng có nguồn gốc nhập khẩu.
XÂY DỰNG TẦM NHÌN DÀI HẠN, NHẤT QUÁN
Năm 2021 là năm tổ chức Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp, là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm, Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm tiếp theo. Tình hình khu vực, thế giới dự báo tiếp tục có những biến động khó lường, đại dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh dự kiến vẫn tiếp tục ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất – kinh doanh và đời sống của nhân dân.
Trước bối cảnh này, Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương tập trung 3 điểm chính. Một là, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang vừa là thách thức nhưng cũng vừa là cơ hội rất tốt để Việt Nam có thể tận dụng để xử lý hàng loạt vấn đề lớn trong phát triển kinh tế đất nước, trong đó có lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ… Nếu tận dụng tốt các cơ hội từ CMCN 4.0 sẽ là chìa khóa, tạo bước phát triển đột phá cho nền kinh tế nước ta thời gian tới.
Hai là, xu hướng hợp tác và hội nhập của thế giới đã có những thay đổi khá căn bản và diễn ra ngày càng nhanh chóng. Chủ nghĩa bảo hộ đang quay trở lại một cách khá rõ ràng, đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi nhanh chóng cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu, phân bố lại các trung tâm sản xuất toàn cầu, dịch chuyển của các dòng đầu tư và thương mại quốc tế… Điều này đặt ra cho ngành công thương những yêu cầu về phản ứng chính sách không chỉ trong ngắn hạn mà còn cả trong dài hạn.
Ba là, tình hình trong nước cũng đang đặt ra cho ngành công thương những yêu cầu lớn và cấp bách, đòi hỏi phải được giải quyết một cách căn bản mới có thể bảo đảm cho những bước phát triển bền vững tiếp theo. Đó là, mức độ phụ thuộc ngày càng lớn vào bên ngoài không chỉ về thị trường xuất nhập khẩu, mà còn là sự phụ thuộc vào công nghệ, nguyên liệu đầu vào cho phát triển sản xuất. Các ngành công nghiệp lớn, có đóng góp chủ yếu cho xuất khẩu mới tham gia vào các khâu có giá trị gia tăng thấp. Việc phát triển hệ thống phân phối hàng hóa, nhất là một số mặt hàng thiết yếu còn chậm. Cạnh tranh trong bán buôn, bán lẻ ngày càng khốc liệt, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức to lớn từ việc mở cửa thị trường dịch vụ phân phối trong khi năng lực cạnh tranh còn thấp. Công tác quản lý thị trường, đặc biệt quản lý hoạt động buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng giả…. chưa đáp ứng được yêu cầu.
Từ ba vấn đề nêu trên, Thủ tướng yêu cầu, ngành công thương cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc thị trường. Đồng thời, nâng cao năng suất nội ngành; phát triển ngành công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo, lấy khoa học – công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh. Coi doanh nghiệp là trung tâm đổi mới sáng tạo, là trọng tâm của sự phát triển ngành công thương. Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với lĩnh vực xuất khẩu, Thủ tướng cũng yêu cầu, ngành cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp. Chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng. Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam…
XÂY DỰNG KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG ĐỂ ĐIỀU HÀNH
Bước sang năm 2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biệt, toàn ngành công thương đã xác định rõ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để đưa vào Chương trình hành động triển khai các Nghị quyết số 01, Nghị quyết số 02/CP và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ một cách đồng bộ, quyết liệt ngay từ những ngày đầu năm; tập trung xây dựng kịch bản tăng trưởng để tổ chức điều hành. Tinh thần là quyết tâm, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động, trách nhiệm, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành.
Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại các ngành công nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt trong các ngành công nghiệp chế biến chế tạo nhằm tạo bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng ở giai đoạn tiếp theo. Tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu điện năm 2021 và giai đoạn 2021 – 2025. Đẩy mạnh phát triển nguồn điện năng lượng tái tạo để bổ sung nguồn điện quốc gia.
Đồng thời, triển khai thực thi có hiệu quả và khai thác tốt các cơ hội thị trường do các FTA mang lại; tập trung phổ biến thông tin, nâng cao nhận thức về hội nhập quốc tế trong toàn bộ hệ thống chính trị, các địa phương, hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội. Triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động thực hiện các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và ASEAN.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; đa dạng hóa, hạn chế sự phụ thuộc vào một số thị trường. Thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ”; kiểm soát có hiệu quả nhập khẩu, chủ động phòng ngừa, nâng cao năng lực phòng vệ thương mại, cảnh báo sớm và giải quyết tranh chấp thương mại, đầu tư quốc tế, bảo vệ hợp lý các ngành sản xuất trong nước. Đồng thời, thúc đẩy sự phát triển và phát huy hiệu quả vai trò thị trường trong nước, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng nội địa bằng các biện pháp phù hợp, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ CNTT trong hoạt động thương mại, phát triển mạnh thương mại điện tử…
(Nguyễn Mạnh/vneconomy.vn)