Kinh tế Bangladesh

0
55
(Bangladesh)
(Bangladesh)

1. Hậu nhóm quốc gia kém phát triển, xuất khẩu của Bangladesh có thể đối mặt với những thách thức mới

Các chuyên gia của Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên Hợp Quốc (UNCDP) tổ chức một cuộc họp với Bangladesh vào ngày 11/1/2021 để xem xét tiến độ của Bangladesh ra khỏi nhóm quốc gia kém phát triển (LDCs). Zuena Aziz, điều phối viên về các Mục tiêu phát triển bền vững của Văn phòng Thủ tướng, sẽ dẫn đầu phía Bangladesh trong cuộc họp này với UNCDP.

Bangladesh đáp ứng cả ba tiêu chí về thu nhập bình quân đầu người, chỉ số dễ bị tổn thương về kinh tế và chỉ số phát triển con người trong lần đánh giá ba năm cuối cùng vào năm 2018. Bangladesh duy trì tiến bộ, đạt được các ngưỡng trong cả ba tiêu chí do LHQ đặt ra với thu nhập bình quân đầu người hiện tại là 1.827 USD trong khi ngưỡng là 1.272 USD, chỉ số dễ bị tổn thương kinh tế là 27 trong khi ngưỡng là 32 hoặc thấp hơn, và 75,4 trong chỉ số phát triển con người trong khi ngưỡng là 66.

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Masud Bin Momen, duy trì ổn định thương mại sẽ là một trong những thách thức lớn đối với Bangladesh sau khi không còn là LDC vào năm 2027. Theo một tài liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2020, không còn là LDC sẽ có tác động lớn nhất đến xuất khẩu của Bangladesh, ước tính mức giảm 14%. Khoảng 70% xuất khẩu của Bangladesh thuộc diện ưu đãi của một số nước phát triển và đang phát triển dành cho quốc gia LDC.

Có một khoảng thời gian chuyển tiếp 3 năm trước khi thực sự thoát khỏi nước kém phát triển vào năm 2024. Ngày 24/2/2021, Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ thông báo chính thức, tuyên bố Bangladesh đủ điều kiện ra khỏi nhóm LDC.

Các quan chức của Liên minh Châu Âu ở Dhaka cho biết, ngoài 3 năm chuyển tiếp, khoảng thời gian mở rộng đặc biệt được xem xét tùy thuộc vào hoàn cảnh quốc gia khi ra khỏi nhóm LDC, giúp nước đó chuẩn bị chiến lược và hợp tác với các đối tác phát triển để đảm bảo hội nhập suôn sẻ vào nền kinh tế toàn cầu.

Bangladesh được hưởng ưu đãi bao gồm quyền tiếp cận miễn thuế và miễn hạn ngạch ở EU theo sáng kiến ‘Mọi thứ trừ vũ khí’, và ở Canada, Nhật Bản và Mỹ, theo các chương trình GSP. Bangladesh cũng được hưởng ưu đãi tiếp cận thị trường ở các nước công nghiệp phát triển khác như Úc và ở một số nước đang phát triển, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc, theo RTAs và các sáng kiến song phương. Tất cả các cơ chế này đều không theo nguyên tắc có đi có lại, tức là Bangladesh không phải cấp quyền tiếp cận ưu đãi đối với các sản phẩm từ các nước trên nhờ vào tư cách là một nước LDC.

Tiếp cận ưu đãi ở những thị trường này có ý nghĩa đặc biệt đối với Bangladesh vì thị trường các nước phát triển chiếm khoảng 90% tổng kim ngạch xuất khẩu của Bangladesh. Bangladesh có khả năng sẽ tìm cách kéo dài thời gian chuyển tiếp từ 3 năm lên 5 năm với các biện pháp bảo hộ, khi Bangladesh đang đối mặt với những thách thức kinh tế, bao gồm giảm xuất khẩu trên toàn cầu trong bối cảnh bùng phát COVID-19, gánh nặng cưu mang người tị nạn Rohingya của Myanmar và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu. Ngoài ra, tình hình kinh tế thế giới nói chung vẫn còn những thách thức, bao gồm cả những tác động tiêu cực của đại dịch đối với nền kinh tế và thương mại thế giới.

2. Giá gạo cao thúc đẩy người nông dân trồng nhiều hơn trong vụ mùa Boro

Nông dân đang có xu hướng trồng nhiều lúa hơn trong vụ mùa Boro bởi giá gạo trên thị trường đang cao. Tuy nhiên, chi phí nhân công, thuê đất, giống và phân bón cũng tăng so với năm ngoái, gây khó cho nông dân.

Ông Khaja Mia ở xã Milkipur, huyện Shibganj, tỉnh Bogura phía tây bắc, đã tăng gấp đôi diện tích canh tác của mình lên 10 bigha đất (1 bigha bằng khoảng 0,25 hecta) sau khi vụ lúa Aman thu hoạch gần đây bán được giá cao so với những năm trước. Mia cho biết anh trồng ít khoai tây hơn trong năm nay vì giá giống tăng và thay vào đó là trồng nhiều lúa hơn. “Tôi hy vọng vụ lúa Boro sẽ được giá tốt như vụ Aman”.

Cục Khuyến nông (DAE) đặt mục tiêu 4,8 triệu hecta đất trồng lúa trong vụ Boro năm nay, cao hơn gần 1% so với 4,762 triệu hecta năm trước. DAE cho biết diện tích gieo giống đã vượt mục tiêu 263.000 hecta, nhận được phản ứng tích cực từ nông dân.

Cục trưởng DAE Md Asadullah cho biết chính phủ đang có các gói ưu đãi với tổng trị giá 760 triệu Tk để khuyến khích nông dân tăng cường trồng giống lúa lai tạo trong vụ này. Theo sáng kiến này, DAE sẽ cấp 2kg hạt giống lai tạo để gieo trồng trên một bigha đất, nhằm tăng diện tích trồng giống lúa lai lên 1,1 triệu hecta trong vụ Boro này, so với 0,9 triệu hecta năm trước. Giống lúa lai mang lại năng suất cao hơn so với các giống khác, để đảm bảo sản lượng dư.

Giá các loại ngũ cốc chính đang ở mức cao. Theo Tổng công ty Thương mại Bangladesh, hôm 10/01, giá ngũ cốc thô, loại rẻ nhất đã tăng 46% lên 45-50 Tk/kg tại các chợ trong Dhaka so với mức 30-35 Tk/kg một năm trước. Giá thóc cũng tăng vọt.

Nông dân đang chịu ảnh hưởng của hệ quả từ việc giá ngũ cốc tăng. Giá 50 kg phân lân tăng lên đến 1.400 Tk trong năm nay so với 1.100 Tk một năm trước. Chi phí nhân công cũng đã tăng 25% lên đến 500 Tk so với 400 Tk năm trước. Giá thuê đất cũng tăng khoảng 25% trong năm nay.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here