Kinh tế Mỹ

0
69
(Reuters)
(Reuters)

1. Ông Biden sẽ thông báo kế hoạch hỗ trợ kinh tế để đối phó với Covid-19 trị giá hàng nghìn tỷ USD vào tuần tới.

Theo Reuters, ngày 8/1, Tổng thống đắc cử Joe Biden cho biết người Mỹ cần được trợ giúp về kinh tế nhiều hơn để đối phó với đại dịch corona virus và ông sẽ đưa ra một kế hoạch trị giá hàng nghìn tỷ USD vào tuần tới.

Ông Biden đã đề cập số liệu tháng 12 kinh tế Mỹ lần đầu tiên đã chứng kiến giảm số việc làm trong 08 tháng kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ khiến các nhà hàng và doanh nghiệp bị đóng cửa. Ông Biden cho biết sẽ đề xuất gói cứu trợ vào ngày 14/1 bao gồm các khoản cứu trợ cho các chính quyền tiểu bang và địa phương đang phải đối phó với đại dịch, cũng như khoản hỗ trợ mới cho những người bị mất việc làm hoặc không đủ tiền thuê nhà. Ông đã kêu gọi tăng mức lương tối thiểu lên 15 USD/giờ như lời hứa trong chiến dịch tranh cử và phát trực tiếp 2.000 USD hỗ trợ tiền mặt.

Trong dự luật cứu trợ trước đó, Đảng Dân chủ đã đề nghị phát cho người dân số tiền 2.000 USD nhưng Đảng Cộng hòa chỉ đồng ý thông qua mức 600 USD. Hiện nay, Đảng Dân chủ, sau khi có thêm hai ghế thượng viện từ bang Georgia và giữ được quyền kiểm soát Hạ viện sẽ có thể cho phép ông Biden thông qua các dự luật với số tiền chi tiêu lớn hơn. Nhóm chuyển giao của ông Biden cho biết họ đang xem xét các hành động cứu trợ kinh tế khác, bao gồm việc gia hạn tạm dừng trả nợ cho các khoản vay của sinh viên.

Thị trường ngay lập tức đã có phản ứng nhanh chóng thể hiện ở chỉ số chứng khoán tăng và các nhà đầu tư quan tâm đến trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

2. Mỹ cắt giảm 140.000 việc làm trong tháng 12.

Tháng 12, lần đầu tiên kể từ tháng 4,  Mỹ cắt giảm 140.000 việc làm, cho thấy nền kinh tế đang chững lại do tác động của đại dịch Covid-19 lên người tiêu dùng và các hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 6,7%.

Các số liệu mới nhất do Bộ Lao động công bố cho thấy thị trường việc làm diễn biến không đồng đều. Việc làm tại các nhà hàng, quán bar, khách sạn và địa điểm giải trí bị giảm mạnh trong khi hầu hết ở các lĩnh vực khác vẫn đang gia tăng thêm lao động. Tuy nhiên, Mỹ vẫn giảm 10 triệu việc làm so với trước đại dịch và mới chỉ khôi phục được 56% số việc làm bị mất trong giai đoạn đỉnh cao của đại dịch.

Hầu hết các ngành công nghiệp khác đều tạo thêm việc làm trong tháng 12/2020. Các nhà sản xuất, công ty xây dựng, các dịch vụ chuyên môn cao như kiến ​​trúc, kỹ thuật và kế toán thuê nhiều nhân công hơn. Sự chênh lệch lớn giữa các ngành làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng kinh tế do phần lớn số người mất việc thuộc các lĩnh vực lao động được trả lương thấp, trong khi lao động được trả lương trung bình và cao vẫn có việc làm.

Số liệu cũng cho thấy nền kinh tế trong đại dịch đang tiếp tục mang lại lợi ích cho một số ngành, ví dụ như lĩnh vực vận tải và kho bãi đã tạo thêm gần 47.000 việc làm, các công ty thương mại điện tử tăng cường tuyển dụng thêm 37.000 việc làm.

Đại dịch có thể tiếp tục làm suy yếu nền kinh tế Mỹ trong những tháng tới và vẫn có khả năng mất thêm việc làm. Tuy nhiên, theo nhiều nhà kinh tế, với việc vắc-xin corona virus được phân phối rộng rãi hơn, kinh tế Mỹ có triển vọng phục hồi trong nửa cuối năm nay. Các nhà kinh tế cho rằng gói hỗ trợ tài chính 900 tỷ USD mà Quốc hội thông qua vào tháng12/2020 đang thúc đẩy sự phục hồi kinh tế, bao gồm việc bổ sung thêm trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu người Mỹ sẽ nhận được khoản trợ cấp  600 USD.

Chính quyền sắp tới của Tổng thống Biden, cùng với việc nắm quyền lãnh đạo của Đảng Dân chủ ở cả Hạ viện và Thượng viện có khả năng thúc đẩy nhiều hơn các biện pháp chi tiêu và trợ giúp để thúc đẩy tăng trưởng.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here