Kinh tế Mỹ

0
84
(Internet)

1. Các nhà sản xuất muốn ông Biden thúc đẩy các chính sách “mua hàng Mỹ”

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã cam kết sử dụng quyền lực của chính phủ liên bang để mua hàng hóa của Mỹ và đẩy nhanh sản xuất trong nước. Tuy nhiên, một số công ty cho biết các quy định quá hạn chế có thể làm tăng chi phí của doanh nghiệp và gây khó khăn cho chuỗi cung ứng đối với các mặt hàng không được sản xuất tại Mỹ.

Các đề xuất “mua hàng Mỹ” của ông Biden là sự tiếp tục chính sách của các Tổng thống trước, bao gồm cả Tổng thống Trump, người đã thúc đẩy chính quyền liên bang mua hàng hóa Mỹ nhiều hơn và sử dụng thuế quan để bảo hộ. Tuy nhiên, kết quả đến nay không đồng đều, một số công ty được hưởng lợi với doanh số tăng trong khi  một số khác phải chịu chi phí cao hơn.

Trong chiến dịch tranh cử của mình và trong một bài phát biểu sau cuộc bầu cử,  ông Biden đã nói rằng ông sẽ thắt chặt các quy định “mua hàng Mỹ”. Ông đề xuất dành 400 tỷ USD ngân sách liên bang cho các dự án cơ sở hạ tầng sử dụng các sản phẩm của Mỹ như thép sản xuất trong nước, hay đồ bảo hộ cho cán bộ y tế đang đương đầu với đại dịch Covid-19. Ông cũng đề xuất Quốc hội dành thêm 300 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới. Tuy nhiên, những lời hứa đó có thể khó trở thành hiện thực và vấp phải sự phản kháng của một Quốc hội bị chia rẽ.

Theo một số nhà kinh tế và chuyên gia thương mại, chính sách mua sắm chính phủ có thể giúp ích cho một số công ty nhưng không giúp ích cho ngành công nghiệp nói chung. Các chính sách này có rủi ro làm giá tăng và sự trả đũa từ các nước khác đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Nhóm chuyển tiếp của ông Biden đã từ chối bình luận về kế hoạch của ông.

2. Ông Biden phải thắng cuộc chiến thương mại do Trump để lại

Dù có nhiều mâu thuẫn, cuộc chiến thương mại của tổng thống Trump với Trung Quốc có thể tạo điều kiện để chính quyền sắp tới làm tốt hơn. Theo phân tích của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), bất chấp cái gọi là thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” được ký kết vào tháng 1/2020, thuế quan giữa hai nước vẫn gia tăng. Thuế của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã tăng từ mức trung bình 3,1% vào tháng 1/2018, lên 19,3% như hiện nay. Mức thuế quan bình quân của Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ cũng đã tăng từ 8,0% trước chiến tranh thương mại lên 20,3% hiện nay. Đồng thời, Trung Quốc chắc chắn sẽ không thực hiện được các cam kết mua hàng hóa của Mỹ. Đến tháng 11/2020, Trung Quốc mới chỉ mua được khoảng 2/3 khối lượng nông sản đã cam kết trong cả năm.

Về lý thuyết, điều này sẽ mang lại cho ông Biden một vị thế đàm phán vững chắc. Ông đã nói rằng ông sẽ không dỡ bỏ thuế quan ngay lập tức, như vậy sẽ gây bất lợi với Trung Quốc hơn so với Mỹ, vì nền kinh tế của nước này phụ thuộc nhiều hơn vào xuất khẩu. Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc hiện đang phát triển mạnh mẽ do nước này đã sớm chặn đứng được sự lây lan của corona virus và sự gia tăng nhu cầu thế giới sau đại dịch đối với hàng xuất khẩu củaTrung Quốc. Thặng dư thương mại của Trung Quốc tháng 11/2020 đã đạt mức 75 tỷ USD.

Theo ông Chad Bown, thành viên cấp cao của PIIE, cách rõ nhất để Mỹ tăng áp lực là lôi kéo đồng minh Nhật Bản và châu Âu cùng hiệp lực. Ông Biden đã cam kết làm điều này, nhưng các đồng minh có thể làm những gì vẫn chưa rõ. Tổng thống đắc cử của đảng Dân chủ cũng có nguy cơ rơi vào một trong những cái bẫy mà người tiền nhiệm đã mắc phải là có quá nhiều mục tiêu. Chính quyền Trump dường như bị nghiêng ngả giữa ám ảnh thâm hụt thương mại song phương với mục tiêu xử lý các hành vi buôn bán  không trung thực của Trung Quốc, bao gồm chuyển giao công nghệ bắt buộc và thực thi quyền sở hữu trí tuệ yếu kém.

Ông Biden cũng có những mục tiêu mới. Ông đã cam kết sẽ cứng rắn hơn với Bắc Kinh về  những vi phạm nhân quyền ở Tân Cương và những lo ngại về Hồng Kông, và chắc sẽ tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn của Trung Quốc trong các vấn đề về biến đổi khí hậu và môi trường. Cân bằng những vấn đề này sẽ rất khó khăn.

Dù có nhiều khiếm khuyết, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc của Trump để lại cho ông Biden một di sản hữu ích: ông Trump đã cho thấy có thể cứng rắn với Trung Quốc mà không gây ra hậu quả kinh tế thảm khốc. Một cách tiếp cận ít biến động và ít bất ngờ hơn sẽ có tác dụng lớn để giảm thiểu sự bất ổn đối với việc hoạch định chính sách của doanh nghiệp và các thị trường tài chính, làm cho các cuộc đàm phán ít thiệt hại hơn  cho phía Mỹ. Đồng thời, tập trung mạnh vào lĩnh vực sở hữu trí tuệ và an toàn công nghệ là cơ hội tốt nhất để lôi kéo đồng minh và đạt được kết quả tích cực về lâu dài.

Cuộc chiến thương mại của Trump với Trung Quốc không đưa thế giới đến ngày tận thế. Khi điều cấm kỵ về thuế quan bị phá vỡ, các Tổng thống tương lai của Mỹ sẽ rảnh tay hơn để đàm phán với Bắc Kinh. Điều đó không bảo đảm thành công, nhưng nó sẽ giúp đạt được thành công.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here