Theo một doanh nhân hàng đầu, Bangladesh nên vận động các đối tác thương mại lớn, bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh Châu Âu, để tiếp tục được hưởng các ưu đãi về thuế để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu sau khi nước này rời khỏi nhóm các nước kém phát triển (LDCs).
Syed Nasim Manzur, Giám đốc điều hành công ty Apex Footwear cho biết, vào năm 2050, khu vực Châu Á sẽ nắm giữ 50% tài sản của thế giới và Bangladesh nên tập trung nhiều hơn vào các thị trường như Trung Quốc, Nhật Bản và Ấn Độ. Ông tin rằng các thị trường Châu Á sẽ là tương lai kinh doanh của Bangladesh, nơi có lượng người tiêu dùng lớn. Tuy nhiên, vẫn phải đảm bảo duy trì thị trường EU một cách chắc chắn vì khối thương mại này là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Bangladesh. Manzur tham luận tại một cuộc hội thảo trực tuyến với chủ đề “Sự trỗi dậy của địa kinh tế và Bangladesh” do Diễn đàn các phóng viên kinh tế (ERF), Fredrich Ebert Stiftung (FES) và Trung tâm Nghiên cứu và Tích hợp chính sách phát triển (RAPID) tổ chức.
Theo Manzur, 3,5 triệu người tiêu dùng thuộc tầng lớp trung lưu của Bangladesh là lợi thế chính. Vì vậy, Bangladesh cũng là một thị trường lớn của các nước khác. Bangladesh nên sử dụng lợi thế này trong thảo luận về thương mại để đảm bảo lợi ích khi chuyển từ một nước kém phát triển thành một nước đang phát triển vào năm 2024. Vì vậy, Manzur đề nghị thành lập một Cơ quan phụ trách đàm phán thương mại bao gồm các quan chức của Ủy ban Doanh thu Quốc gia, Ngân hàng Trung ương Bangladesh và Bộ Thương mại, Ngoại giao và các bộ liên quan khác.
Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Humayun Kabir ủng hộ ý kiến của Manzur. Ông đề nghị thực hiện các biện pháp để đảm bảo duy trì thị trường Mỹ vì đây là thị trường xuất khẩu đơn lẻ lớn nhất của Bangladesh, bao gồm việc vận động hành lang chính quyền Biden để khôi phục cho Bangladesh hưởng theo Hệ thống Ưu đãi Tổng quát (GSP), vì Quốc hội Hoa Kỳ có thể sớm áp dụng một chương trình GSP mới sau khi chương trình hiện tại hết hạn vào ngày hôm nay. Bangladesh sẽ phải nhanh nhạy hơn để tận dụng các cơ hội thương mại sau khi ra khỏi LDC vì hệ thống thương mại toàn cầu hiện phức tạp hơn, đặc biệt là sau khi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết vào tháng trước. Ví dụ, mối quan hệ chiến lược giữa Trung Quốc và Nhật Bản không nồng ấm. Tuy nhiên, cả Trung Quốc và Nhật Bản đều là các nước ký kết RCEP. Điều tương tự cũng như vậy đối với Trung Quốc và Úc.
Nihad Kabir, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Metropolitan (MCCI), ủng hộ Manzur. Bà cũng đề nghị có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bộ, cơ quan thương mại và các cơ quan chính phủ để hiểu rõ hơn về đàm phán thương mại. Ví dụ, Bangladesh lẽ ra nên được gọi mời tham gia RCEP vì có lượng người tiêu dùng lớn, nhưng tiếc là thậm chí không được mời tham gia đàm phán. Theo bà, nếu Bangladesh muốn đáp ứng yêu cầu thương mại thế giới, cần phải nâng cao giáo dục, đào tạo kỹ năng và hệ thống quản trị. Quản lý thuế cần được cải cách để đồng bộ hơn với thương mại và đầu tư toàn cầu vì thuế nhập khẩu cao để bảo toàn nguồn thu quốc gia có thể cô lập Bangladesh và trở thành trở ngại cho việc tham gia bất kỳ thỏa thuận thương mại lớn nào.
Chủ tịch RAPID MA Razzaque ủng hộ vận động hành lang, đặc biệt là để EU không rút lại các đặc quyền thương mại dành cho Bangladesh sau khi ra khỏi nhóm LDCs. EU sẽ duy trì cho Bangladesh thời gian gia hạn 3 năm đến năm 2027 trước khi tính đến việc áp thuế gần 10% đối với hàng xuất khẩu của Bangladesh. Ông cho rằng Bangladesh nên đề xuất áp dụng nâng mức thuế dần dần, với mức 2% hàng năm. Thời điểm này, Bangladesh phù hợp để đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU và với Anh. Tuy nhiên, Bangladesh nên hết sức thận trọng trong việc ký kết các FTA với bất kỳ quốc gia nào. Theo ông, Bangladesh không cần phải quá vội vàng. Chẳng hạn, Trung Quốc đã cam kết đầu tư trực tiếp (FDI) hơn 27 tỷ USD vào Bangladesh nhưng đến nay mới chỉ có 2 tỷ USD. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra với Việt Nam và Myanmar. Ông cho biết, Trung Quốc đã đầu tư hơn 28 tỷ USD vào Việt Nam, ít hơn nhiều so với những gì họ đã hứa, và 6 tỷ USD vào Myanmar.
Thứ trưởng Thương mại Md Jafar Uddin cho biết chính phủ đang đặt mục tiêu sớm ký các FTA hoặc các hiệp định thương mại ưu đãi (PTA) với 11 quốc gia. Bangladesh sẽ ký PTA với Nepal sớm, đã ký PTA với Bhutan vào ngày 06/12. Ông thông tin Chính phủ đã đặt mục tiêu xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ ICT trị giá 5 tỷ USD trong 5 năm tới và đang nỗ lực để xuất khẩu lượng thực phẩm halal trị giá 10 tỷ USD, điều này sẽ bù đắp cho khoản thu xuất khẩu hàng năm là 7 tỷ USD hậu LDC.
Bộ trưởng Thương mại Tipu Munshi cho biết chính phủ đang trì hoãn việc ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA để bảo vệ nguồn thu từ thuế nhập khẩu, vốn là nguồn thu chính của chính phủ. Chính phủ cũng đang nỗ lực cải thiện đào tạo kỹ năng và dạy nghề trong các lĩnh vực cụ thể như ngành da, ICT và hàng nhựa với việc triển khai thực hiện một số dự án. Bộ trưởng hy vọng các doanh nghiệp sẽ phục hồi sau khi vắc-xin giúp kiềm chế Covid-19.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)