Các nhóm doanh nghiệp phản đối Mỹ áp thuế quan đối với Việt Nam, đổ lỗi cho thâm hụt ngày càng tăng do chính quyền Mỹ áp thuế với Trung Quốc

0
78
(Internet)
(Internet)

Sáng 30/12/2020, ngay sau phiên điều trần do USTR tổ chức trong khuôn khổ cuộc điều tra 301 về chính sách tiền tệ của Việt Nam. Ủy ban điều tra 301 bao gồm các quan chức từ USTR, Bộ Tài chính, Thương mại, Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Cơ quan Quản lý Doanh nghiệp Nhỏ.

Inside Trade đưa tin trong buổi điều trần này một số nhóm ngành, doanh nghiệp đã kêu gọi Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) không áp thuế đối với Việt Nam với cáo buộc định giá thấp tiền tệ, cho rằng thâm hụt thương mại gia tăng của Mỹ với Việt Nam là kết quả của việc Mỹ áp thuế 301 đối với Trung Quốc và cảnh báo rằng các mức thuế mới sẽ có hại đối với lợi ích của Mỹ và người tiêu dùng.

Bà Eva Hampl, Giám đốc cấp cao về đầu tư, thương mại và dịch vụ tài chính của Hội đồng Kinh doanh Quốc tế Mỹ cho biết: “Có lo ngại rằng cuộc điều tra có thể được thúc đẩy bởi lo ngại về sự gia tăng thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam. “Mức thâm hụt đó tăng lên một phần do các yếu tố cấu trúc đã đẩy thâm hụt tổng thể của Mỹ lên, đặc biệt là trong bối cảnh diễn ra đại dịch”.

John Goyer, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ về Đông Nam Á, tham dự phiên điều trần cho rằng trước khi áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc, hàng hóa nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam “tương đối ổn định”, nhưng nhập khẩu từ Việt Nam đã tăng vọt ngay sau khi chính quyền Trump bắt đầu đánh thuế vào Trung Quốc. “Theo quan điểm của chúng tôi, áp đặt thuế quan sẽ là một phản ứng không phù hợp nhằm thay đổi các mô hình thương mại mà chính quyền Trump hướng tới”.

Theo David Dapice, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trường Harvard’s Kennedy, tỷ giá hối đoái thực của Việt Nam, vốn điều chỉnh theo lạm phát, đã ổn định kể từ năm 2016. Tỷ giá hối đoái thực ổn định cho thấy lý do khiến Việt Nam ngày càng có thặng dư thương mại với Mỹ không liên quan đến chính sách tiền tệ của nước này. Nền kinh tế Việt Nam cũng không có dấu hiệu đáng kể về việc định giá tiền tệ thấp. Đồng tiền bị định giá thấp sẽ dẫn đến tỷ lệ dự trữ ngoại hối/nhập khẩu tăng. Nhưng Việt Nam có tỷ lệ dự trữ ngoại hối/nhập khẩu ở mức thấp nhất so với bất kỳ nền kinh tế lớn khác ở Đông Nam Á. Ông cho biết, nền kinh tế Việt Nam đang thay đổi do làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài bị thúc đẩy bởi thuế quan theo điều khoản 301 của Mỹ với Trung Quốc, ước tính dòng vốn vào sẽ dao động từ 01-02 tỷ USD mỗi tháng. Thêm nữa, Hà Nội cũng đã ký kết một loạt các hiệp định thương mại, bao gồm Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực và thỏa thuận thương mại với Liên minh Châu Âu. Các thỏa thuận mở ra thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước khác ngoài Mỹ, trong khi hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Việt Nam bị bất lợi do cạnh tranh từ các bên trong các thỏa thuận đó. Mỹ cũng đang nhập khẩu nhiều hơn mức bình thường do đại dịch Covid-19, trong khi việc Việt Nam xử lý tốt sự lây lan của vi rút đã cho phép nền kinh tế nước này phục hồi xuất khẩu nhanh hơn.

Tại buổi điều trần, các đại diện từ Hanesbrands, General Electric, Hội đồng Công nghiệp Công nghệ Thông tin, AmCham Việt Nam, Hội đồng Kinh doanh Quốc tế Mỹ, Hiệp hội Công nghệ Tiêu dùng, Hiệp hội Lãnh đạo Ngành Bán lẻ, Hiệp hội Hàng hóa Du lịch và Hiệp hội May mặc & Giày dép Mỹ cho biết thực tế tiền tệ của Việt Nam không phải là mối quan tâm chính đối với các công ty khi đưa ra quyết định kinh doanh, hoặc các công ty thành viên của Mỹ đã không nêu quan ngại về vấn đề này.

Một số nhóm doanh nghiệp muốn USTR không tiếp tục điều tra về tiền tệ và cho phép Bộ Tài chính Mỹ đi đầu trong việc xem xét thực tiễn chính sách tiền tệ của Việt Nam hoặc cho phép vấn đề được xử lý thông qua các cuộc điều tra đối kháng do Bộ Thương mại thực hiện. Bộ Tài chính Mỹ đã xác định Việt Nam là nước thao túng tiền tệ vào đầu tháng này, sẽ bắt đầu tham vấn song phương với Hà Nội. Còn Bộ Thương mại đang điều tra việc định giá thấp tiền đồng như một khoản trợ cấp trong một vụ kiện liên quan đến việc nhập khẩu lốp xe của Việt Nam.

Phó Chủ tịch phụ trách các vấn đề pháp lý và chính sách thương mại và đầu tư của Hội đồng Ngoại thương Quốc gia, Vanessa Sciarra, đề nghị Bộ Tài chính và Thương mại có các quy trình tốt hơn để thực hiện hơn là đánh thuế đối với hàng hóa Việt Nam. Blake Harden của RILA thúc giục Bộ Tài chính theo đuổi cam kết tăng cường tham vấn với Hà Nội hoặc khuyến nghị USTR tìm kiếm một giải pháp thương lượng thay vì áp đặt thuế quan. Giám đốc phụ trách các vấn đề quốc tế của Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia Maria Zieba cho rằng việc áp thuế đối với Việt Nam sẽ làm căng thẳng quan hệ song phương và có thể khiến Hà Nội chấm dứt việc cắt giảm thuế tối huệ quốc đối với sản phẩm thịt lợn, dự kiến ​​sẽ hết hiệu lực vào năm 2020.

Giám đốc của hiệp hội thép United Steelworkers Roy Houseman lập luận rằng USTR nên hành động để phản ứng việc đồng tiền Việt Nam bị định giá thấp nhưng cho rằng hành động đó không nên bao gồm một mức thuế. Houseman cho rằng áp đặt thuế quan sẽ cho phép Hà Nội thao túng tiền đồng hơn nữa, điều này sẽ không giải quyết được vấn đề. Các bên quan tâm có thể tiếp tục gửi ý kiến sau phiên điều trần tới USTR trước ngày 07/01/2021.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here