Triển vọng thế giới sau năm 2020: kỷ nguyên hòa hợp hay thời kỳ đen tối?

0
176
(Internet)
(Internet)

Đây là bình luận của Bloomberg ngày 27/12/2020, trong đó cho rằng, lịch sử địa chính trị của năm 2020 sẽ được quyết định bởi Joe Biden và các nhà lãnh đạo thế giới sẽ làm trong thời gian tới, bởi năm 2020 có thể là năm mà trật tự toàn cầu do Mỹ lãnh đạo bắt đầu suy yếu hoặc đây cũng có thể là năm mang lại cho thế giới một sức sống mới.

Theo nhiều khía cạnh, năm 2020 có thể ghi dấu ấn trong lịch sử là một năm tệ hại, khởi đầu của một thời kỳ đen tối, với số người chết lên đến hàng triệu người, sự gián đoạn của các xã hội trên toàn cầu và xu hướng phi toàn cầu hóa gia tăng do sự đóng cửa các đường biên giới và hạn chế du lịch. Các thể chế quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và G7 không thể cung cấp năng lực kỹ thuật và hợp tác toàn cầu. Trên mặt trận địa chính trị, thể chế chuyên chế hàng đầu thế giới Trung Quốc đã tiến hành một chiến dịch trên nhiều mặt trận nhằm thể hiện rằng họ không còn “giấu mình chờ thời” như nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình đã khuyến nghị trước đây. Trong khi đó, nền dân chủ hàng đầu thế giới như Hoa Kỳ đã chứng kiến sự bất ổn trong nước gia tăng và Tổng thống nước Mỹ tìm cách đưa đất nước đến một dạng “chuyên chế mềm” (soft autocracy) sau một kỳ bầu cử căng thẳng. Trật tự thế giới đã sụp đổ ít nhiều!

Ngoài ra, điều khiến năm 2020 trở nên đáng sợ hơn đó là nó tiếp sau một thập kỷ nhiều biến động sâu sắc. Nền dân chủ rơi vào thoái trào sau đỉnh cao của thời kỳ hậu chiến tranh lạnh, thu hẹp ở nhiều nơi hơn là mở rộng. Brexit và sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đe dọa hội nhập châu Âu, một trong những nỗ lực định hình kỷ nguyên sau chiến tranh thế giới lần hai. Toàn cầu hóa gặp phải những phản ứng chính trị và địa chính trị dữ dội do Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã trở nên bế tắc, sự trỗi dậy kinh tế của Trung Quốc rõ ràng hơn và Mỹ trở thành người ủng hộ không chắc chắn của thương mại tự do. Sự xét lại và biến động địa chính trị thách thức các trật tự khu vực trên toàn lục địa Á-Âu. Nước Mỹ gặp phải rối loạn chính trị.

Từ góc độ này, những cú sốc mà năm 2020 tạo ra không hẳn là bất thình lình. Chúng là những cuộc khủng hoảng vạch ra sự mục ruỗng trong những thể chế và dàn xếp vốn đã định hình nên trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Do vậy, năm 2020 có thể được xem như thời khắc mà hệ thống thế giới vốn đã gặp nhiều sức ép bắt đầu suy yếu và rơi vào trạng thái hỗn loạn và phi tự do hơn.

Tuy nhiên, lịch sử cũng có thể ghi nhận một tương lai hy vọng hơn cho năm 2020. Một trong những thế mạnh của trật tự thời hậu chiến vẫn còn rất vững chắc, đó là thực tế rằng các thách thức thường là chất xúc tác để dẫn đến đổi mới mang tính xây dựng. Điều này đã từng được chứng minh trong những năm 1970 khi quyền lực của Mỹ gặp nhiều thách thức từ khủng hoảng dầu mỏ cho đến sự sụp đổ của hệ thống tài chính Bretton Woods cũng như những bước thụt lùi địa chính trị của phương Tây. Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng đó dẫn đến sự hồi sinh thay vì suy yếu cho nước Mỹ với việc Washington tiến hành phản công trước sự bành trướng của Liên Xô, tạo ra những thể chế mới như G7 để thúc đẩy sự chuyển đổi sang một hệ thống toàn cầu hóa mới, và các nước phương Tây thúc đẩy các cuộc cải cách ủng hộ thị trường tự do mang đến sự thịnh vượng mới. Do vậy, lịch sử hiện nay ghi nhận năm 1979 (năm diễn ra cách mạng Hồi giáo Iran, sự kiện Liên Xô xâm lược Afghanistan và cuộc suy thoái toàn cầu) như là năm đánh dấu khởi đầu hồi sinh ảnh hưởng của Mỹ.

Tương tự như vậy, năm 2020 cũng có thể là khoảnh khắc tái sinh. Đây rốt cục là năm mà hệ thống chính trị Mỹ tự chỉnh đốn mình sau việc “đùa giỡn nguy hiểm” với chủ nghĩa dân túy gần như mang tính chuyên chế của cánh hữu, trong khi cũng bác bỏ chủ nghĩa dân túy gây bất ổn của cánh tả. Năm 2020 cũng chứng kiến nỗ lực do các đồng minh của Mỹ dẫn dắt nhằm bắt đầu việc cải cách các tổ chức quốc tế cồng kềnh và tạo ra những cơ chế mới, như G7 mở rộng  để thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn giữa các nền dân chủ trên thế giới.

Năm 2020 cũng cho thấy có sự cảnh giác hơn đối với quyền lực gia tăng của Trung Quốc, không chỉ ở Mỹ mà ở cả châu Âu và các nền dân chủ tiến bộ khác. Kỷ nguyên của Trump sẽ kết thúc không phải với một sự rạn nứt xuyên Đại Tây Dương về Trung Quốc mà là những cuộc thảo luận ban đầu về cách thức phối hợp chặt chẽ hơn để đối phó với mối đe dọa mà Bắc Kinh đặt ra. Covid-19 cũng đẩy mạnh những nỗ lực chuyển đổi sang một hình thức toàn cầu hóa khôn ngoan hơn về mặt địa chính trị, trong đó các nước dân chủ tìm cách không phải mang sản xuất về trong nước mà đơn giản là di chuyển các chuỗi cung ứng quan trọng ra khỏi các nước chuyên chế có tiềm năng trở thành thù địch. Giữa bóng tối của đại dịch và sự quyết đoán chuyên chế, có tia hy vọng cho sự hồi sinh của tự do.

Bloomberg cũng cho rằng, chúng ta chưa thể biết thế giới sẽ đi theo đường hướng nào. Lịch sử luôn luôn mang tính ngẫu nhiên: sự đổi màu của 45,000 lá phiếu ở 4 bang chiến trường có thể đã đưa Trump tái đắc cử, đặt ra một con đường rất khác cho nền dân chủ và chính sách đối ngoại của Mỹ so với những gì mà Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tiến hành. Sự lãnh đạo rất quan trọng: con đường tương lai rẽ lối nào phụ thuộc vào chất lượng của những sự lựa chọn và tiếng nói quyền lực của các nhà hoạch địch chính sách ở Mỹ và các nước khác. Cuối cùng, lịch sử bao gồm những ví dụ về những tia hy vọng sai lầm cũng như những sự suy yếu sai lầm. Cuối thập kỷ 1920, có vẻ như Châu Âu cuối cùng đã thoát được một kỷ nguyên của vòng luẩn quẩn, để rồi cuộc Đại Suy thoái dẫn khu vực này vào một kỷ nguyên luẩn quẩn khác.

Bloomberg khẳng định, cho dù tốt hay xấu hơn, chúng ta sẽ nhìn lại năm 2020 như một năm bản lề của lịch sử – một năm nhiều sóng gió cho trật tự hiện có và do đó sẽ thay đổi kiến trúc thế giới về lâu dài. Cho dù các cuộc khủng hoảng về cơ bản có thể thúc đẩy hệ thống thế giới đến sự sụp đổ hay sẽ hồi sinh, chúng luôn để lại một dấu ấn lâu dài./.

(Phái đoàn Việt Nam tại Giơ-ne-vơ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here