Tin Kinh tế Bangladesh

0
103
(Bangladesh)
(Bangladesh)

1. Giá gạo tăng, chính phủ mở bán bình ổn

Trong bối cảnh giá gạo tăng không ngừng, chính phủ sẽ bắt đầu mở cửa hàng bình ổn (OMS) bán một số mặt hàng chủ lực tại 4 thành phố là Dhaka, Chattogram, Narayanganj và Gazipur từ ngày Chủ nhật (20/12) để trợ giúp cho người nghèo và người thu nhập thấp.

Giá gạo đã tăng trong những tháng gần đây. Ngay cả trong mùa thu hoạch vụ Aman cao điểm đang diễn ra cũng không đảo ngược xu hướng tăng giá gạo. Các loại gạo kém và trung bình đang được bán với giá từ 46 Tk đến 56 Tk một kg ở Dhaka. Người nghèo, những người bị ảnh hưởng nặng nề do suy giảm kinh tế trong những tháng gần đây do đại dịch Covid-19, sẽ có thể mua gạo OMS với giá 30 Tk một kg (Kg).

Theo Tổng công ty Thương mại Bangladesh (TCB), giá gạo thị trường hiện tại đứng mức cao thứ hai kể từ tháng 9/2017. Tổng cục lương thực sẽ bán gạo ở hơn 184 điểm tại 4 thành phố. Ngoài gạo, người ta cũng có thể mua bột mì với giá 18 Tk một kg.

Thứ trưởng Bộ thực phẩm, Tiến sĩ Mosammat Nazmanara Khanum cho biết đang lựa chọn đặt các cửa hàng ở những khu vực tập trung nhiều lao động hơn. “Thông thường, mỗi cửa hàng của OMS nhận được một tấn gạo và một tấn bột mì mỗi ngày. Nhưng giờ đây cửa hàng sẽ cung cấp ngũ cốc tùy theo nhu cầu ở của người mua tại các khu vực sử dụng nhiều lao động này”.

Bà Khanum cho biết “Sau mùa thu hoạch đã ngừng hoạt động các OMS gạo ở các quận huyện. Chúng tôi đang nghĩ đến việc khởi động lại các OMS bán gạo ở cấp quận huyện từ tháng tới, tùy thuộc vào sự cần thiết”. Thứ trưởng cho biết “Bộ Lương thực hiện đang theo dõi việc nhập khẩu gạo và khối lượng nhập khẩu sẽ phụ thuộc vào nhu cầu”. Chính phủ đã nhập khẩu 0,1 triệu tấn gạo từ hai công ty Ấn Độ. Bà Khanum thông tin, 2 cuộc đấu thầu nhập khẩu 0,1 triệu tấn gạo khác đã được tổ chức mới đây.

Bà Thứ trưởng cho biết, thuế nhập khẩu đối với gạo có thể sẽ không được xem xét lại đối với khu vực tư nhân cho đến khi kết thúc vụ thu hoạch Boro tiếp theo nhằm giúp nông dân địa phương có được giá hợp lý cho sản phẩm của họ. Thuế nhập khẩu gạo hiện là hơn 62%.

Theo Bộ Lương thực, cho đến nay, khu vực tư nhân đã nhập khẩu một lượng nhỏ, dưới 1.000 tấn gạo trong năm tài chính hiện tại.

Theo Vụ tiếp thị nông nghiệp (DAE), đã hoàn thành thu hoạch trên 95% vụ Aman với diện tích trồng cấy 5,89 triệu ha đất. Cũng theo DAE, chính phủ có mục tiêu đạt 15,5 triệu tấn gạo vụ Aman.

Dữ liệu của Cục lương thực cho thấy, các kho lương thực công hiện chỉ có 0,55 triệu tấn gạo dự trữ, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 0,9 triệu tấn. Theo TCB, giá gạo hiện cao hơn từ 42-53% so với một năm trước.

2. Chính phủ đặt mục tiêu tạo 11,9 triệu việc làm mới trong 5 năm tới

Chính phủ đang đặt mục tiêu tạo ra 11,9 triệu việc làm trong 5 năm tới, cùng với tốc độ tăng trưởng GDP hơn 8%, với hy vọng kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch Covid-19. Các nguồn tin từ Ủy ban Kế hoạch cho biết mục tiêu này đang được đặt ra trong bản dự thảo cuối cùng của Kế hoạch 5 năm lần thứ 8 mà Ủy ban Kế hoạch đang chuẩn bị.

Cục Kinh tế Tổng hợp (GED) đã chuẩn bị một báo cáo sơ bộ về Dự báo Việc làm cho giai đoạn Kế hoạch 5 năm lần thứ 8. Tiến sĩ Shamsul Alam, Cục trưởng GED, nhận xét: “Đại dịch Covid sẽ không ảnh hưởng nhiều đến đề án việc làm và tăng trưởng vì tình hình dự kiến sẽ hạ nhiệt trong vòng một năm”. Trưởng bộ phận nghiên cứu về khu vực công của GED cho biết: “Tăng trưởng sẽ tăng lên cùng với sự gia tăng các hoạt động kinh tế. Vì vậy, dự báo tăng trưởng được đưa ra trong kế hoạch 5 năm tiếp theo không phải là không hợp lý”. Ông bày tỏ hy vọng mục tiêu giải quyết việc làm sẽ hoàn thành và cho rằng mục tiêu này không có gì phải bàn cãi khi so với kế hoạch 5 năm lần thứ 7.

Tuy nhiên, mục tiêu tạo việc làm trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 8 đã giảm một triệu so với mục tiêu là 12,9 triệu trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 7. Tiến sĩ Alam giải thích đấy là do độ co giãn của tăng trưởng và đây là số lượng ước tính của Cục Thống kê Bangladesh (BBS).

Trong số 11,9 triệu việc làm mới dự kiến, có 8,42 triệu việc làm sẽ được tạo ra ở trong nước và 3,5 triệu việc làm ở nước ngoài. Theo dự thảo của kế hoạch, 2,2 triệu việc làm sẽ được tạo ra trong năm tài chính 21; 2,32 triệu trong năm tài chính 22; 2,38 triệu trong năm 23; 1,6 triệu trong năm 24 và 2,51 triệu trong năm tài chính cuối cùng 25.

Chính phủ đã tạo ra 9,5 triệu trong 5 năm qua so với mục tiêu tạo việc làm là 12,9 triệu của kế hoạch 5 năm lần thứ 7.

Tăng trưởng GDP được dự báo sẽ tăng lên 8,51% trong năm tài chính 2024-25, năm cuối cùng của kế hoạch, bắt đầu với mức tăng trưởng 8,2% từ năm tài chính 2020-21. Mục tiêu cũng nâng tỷ lệ đầu tư trên GDP lên 37,4% vào cuối giai đoạn. Kế hoạch cũng đặt mục tiêu giảm tỷ lệ lạm phát xuống 4,8% trong tài khóa 2024-25, trong khi mục tiêu lạm phát cho năm tài chính hiện nay là 5,5%.

Các nhà phân tích kinh tế hoài nghi về mục tiêu tạo việc làm và cho rằng mục tiêu này là không thực tế. Ngoài vấn đề đại dịch Covid, họ cho rằng mối quan hệ giữa việc làm và tăng trưởng đang giảm dần từng ngày.

3. Dự trữ ngoại hối tăng cao kỷ lục trong bối cảnh Covid-19

Theo dữ liệu tạm thời của Ngân hàng Trung ương Bangladesh (BB), dự trữ ngoại hối của Bangladesh đã tăng vọt lên mức 42.094,90 triệu đô la Mỹ tính đến ngày 15/12, sau khi đạt 41.269,02 triệu đô la Mỹ vào cuối tháng 11 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Theo dữ liệu Dự trữ ngoại hối của BB và Cục Quản lý Ngân khố, đây là mức dự trữ ngoại hối cao nhất mà Bangladesh từng đạt được. Dự trữ ngoại hối của Bangladesh đã vượt ngưỡng 41 tỷ đô la Mỹ vào tháng 10 trong bối cảnh nhập khẩu sụt giảm do đại dịch Covid-19 khiến các doanh nghiệp Bangladesh cũng hoạt động vật vờ.

Các chuyên gia cho biết mức dự trữ hiện tại đủ tốt để hỗ trợ cho khả năng chống chịu của Bangladesh đối với các tác động bên ngoài, cũng như duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh Covid-19 chưa suy giảm. Với lượng dự trữ ngoại hối hiện có, Bangladesh có thể đủ ngoại tệ để nhập khẩu cho hơn 10 tháng, đủ để giúp Ngân hàng Trung ương giữ thị trường ngoại hối ổn định bất chấp những tác động kinh tế của đại dịch.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here