Liên quan đến dự báo của Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) cho rằng đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao (thu nhập bình quân đầu người vào khoảng 11.000USD) và đến năm 2035, GDP của Việt Nam sẽ vượt Đài Loan (Trung Quốc), đài Sputnik đã phỏng vấn Giáo sư Vladimir Mazyrin, chuyên gia Nga về kinh tế Việt Nam, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Việt Nam và ASEAN của Viện Viễn Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga.
Giáo sư Vladimir Mazyrin đánh giá: “Liên quan tuyên bố thứ nhất của JCER, rất tiếc là họ đã không chỉ ra ranh giới cụ thể giữa nhóm trên và nhóm dưới của các nước thu nhập trung bình. Theo tôi hình dung, chỉ có thể chuyển lên nhóm dẫn đầu sau khi đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 8.000 USD. Ở Việt Nam, trong năm 2020, con số này vào khoảng 3.100 USD. Ngay cả khi giả định rằng thu nhập bình quân đầu người tuyệt đối của Việt Nam tăng gấp đôi trong vòng 7 năm tới, cũng không thể đạt được mức đó”.
Về tuyên bố thứ hai của JCER, Giáo sư Mazyrin lưu ý, ông tin tưởng nhiều hơn vào các dự báo không phải của JCER, như của Ngân hàng thế giới (WB), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và các tổ chức xếp hạng quốc tế khác, dự đoán đến năm 2050, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 22 trên thế giới về GDP.
Các tổ chức uy tín dự báo xu hướng chung là Việt Nam đang tăng trưởng đều đặn nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với Đài Loan và đang dần bỏ xa các nước đứng trước. Theo dự báo của WB, trong khu vực này, Việt Nam sẽ chỉ đứng sau Indonesia. Theo nghĩa đó, Việt Nam có thể vượt lên trước Đài Loan, nhưng WB đưa ra một khoảng thời gian dài hơn là cho đến năm 2050 chứ không phải đến năm 2035.
Giáo sư Mazyrin nêu rõ: “Đối với 3 nền kinh tế được JCER đề cập là Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan, đây thực sự là các nền kinh tế không chỉ được dự đoán mà còn được ghi nhận mức tăng trưởng GDP dương trong năm 2020. Rất có thể trong 3 nền kinh tế đó, Việt Nam sẽ có chỉ số tăng trưởng cao nhất, nhưng để rút ra kết luận như vậy cho 15 năm tới, chưa hẳn đã đúng vì mọi thứ sẽ phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam.
Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng 6%. Tuy nhiên, đối với bất kỳ quốc gia nào thuộc loại hình tăng trưởng bắt kịp, với tốc độ tăng trưởng GDP cao ban đầu thì đều có tính quy luật, nghĩa là tốc độ tăng trưởng chắc chắn sẽ giảm theo sự phát triển kinh tế.
Chúng ta có thể thấy điều này trong ví dụ của Việt Nam: tốc độ tăng trưởng từ năm 2005 – 2010 là 7,4%, sau đó cứ sau mỗi giai đoạn 5 năm lại thấp hơn và sẽ tiếp tục giảm. Nếu so với các nước ASEAN, nơi có tình trạng tương tự, tập trung vào các nước ASEAN phát triển nhất như Malaysia, Thái Lan, chưa kể Singapore đã đi trước rất xa, chúng ta có thể nghĩ rằng trong 10-15 năm tới, Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng không quá 4% – 5%”.
Giáo sư Mazyrin kết luận: “Tuy nhiên, trong bối cảnh COVID-19, nói chung, dự báo về tình hình là khá bấp bênh. Thời điểm hiện tại, kịch bản tất cả các cơ quan thế giới dành cho Việt Nam là rất tích cực.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tăng trưởng dương trong năm 2020, lợi thế chính của Việt Nam là ngoại thương và xuất khẩu. Thế nhưng, khả năng bán sản phẩm ra nước ngoài phần nhiều phụ thuộc vào tình hình kinh tế của các nước nhập khẩu. Cho đến nay, Việt Nam đang thực sự cho thấy sự gia tăng xuất khẩu, nhưng rất khó đoán điều gì sẽ xảy ra trong thời gian tới”.
Thọ Anh