Sau 4 tháng đi vào thực thi, EVFTA đã mang về “trái ngọt”

0
171
Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam)

EVFTA đã bước đầu gặt hái được “trái ngọt”, đó là xóa bỏ thuế quan ngay lập tức đối với mặt hàng quan trọng như sản phẩm tôm, nông sản, gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, cá ngừ…

Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti phát biểu tại Hội thảo. (Ảnh: Phái đoàn EU tại Việt Nam)

Tại hội nghị bàn tròn “EVFTA: Thành công bước đầu và cơ hội trong tương lai”, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam, Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti cho biết, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đã có tác động đáng kể đến thương mại song phương Việt Nam và EU kể từ khi có hiệu lực vào ngày 1/8. Điều đó được thể hiện bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ của xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong những tháng gần đây.

Bên cạnh đó, ở chiều ngược lại, theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, kim ngạch nhập khẩu từ EU vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 đã tăng 4,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là những dấu hiệu tích cực cho thấy, EVFTA đã và đang mở ra những cơ hội quan trọng cho sự phát triển bền vững của quan hệ thương mại song phương. EVFTA sẽ tiếp tục mang lại nhiều cơ hội to lớn cho sự phát triển bền vững của quan hệ thương mại song phương.

Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti đánh giá, sau 4 tháng kể từ khi EVFTA đi vào thực thi, có thể thấy rõ những phản hồi, những thành công ban đầu.

Theo đó, EVFTA đã bước đầu gặt hái được “trái ngọt”, đó là xóa bỏ thuế quan ngay lập tức đối với mặt hàng quan trọng như sản phẩm tôm, nông sản, gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, cá ngừ… Nhiều mặt hàng của Việt Nam đã ngay lập tức được hưởng lợi từ EVFTA. Thêm vào đó, các máy móc thiết bị của EU cũng được xuất khẩu sang Việt Nam nhiều hơn.

Đại sứ Giorgio Aliberti cho hay, việc cải thiện thị trường sang EU, ví dụ điển hình là tôm, chỉ sau 1 tháng sau khi EVFTA đi vào thực thi, xuất khẩu tôm sang EU tăng 16%, xuất khẩu thủy sản tính đến tháng 10 đã tăng 10%, bất chấp đại dịch Covid-19.

Đánh giá về những kết quả tích cực từ EVFTA, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, EVFTA là một điểm sáng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và EU. EVFTA cũng là cơ hội lớn để doanh nghiệp thúc đẩy xúc tiến thương mại và xuất khẩu, đồng thời cũng tạo áp lực lớn để thay đổi tư duy sản xuất, cải thiện chuỗi cung ứng và tăng trưởng xuất nhập khẩu hai chiều Việt Nam-EU.

11 tháng của năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang EU đã đạt 22,2 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, nếu nhìn vào 3 tháng thực hiện EVFTA có thể thấy, xuất khẩu Việt Nam sang EU đạt 11 tỷ USD, tăng 5%. Trong đó, riêng tháng thứ 3 sau khi hiệp định có hiệu lực, xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng 15%.

Theo chiều ngược lại, nhập khẩu từ EU vào Việt Nam đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,3% trong 11 tháng năm 2020, tính riêng sau 3 tháng EVFTA có hiệu lực thì con số tăng trưởng là 11%.

“Bên cạnh đó, EVFTA còn tác động tích cực đến việc thu hút vốn FDI đối với nền kinh tế Việt Nam, không chỉ thu hút FDI từ EU mà còn cả các nước ngoài EU. Đây là yếu tố quan trọng mà các đối tác đều thấy được. Dòng vốn FDI tiếp tục đổ vào Việt Nam, Việt Nam đóng vai trò quan trọng, thị trường quan trọng thu hút vốn FDI.

Trong 9 tháng năm 2020, tổng đầu tư của EU vào Việt Nam đạt 752 triệu USD, tăng hơn 100 triệu USD và 180 dự án so với trước khi EVFTA có hiệu lực. Tính đến tháng 11, hơn 2.000 dự án vốn FDI được cấp phép, ngay trong bối cảnh đại dịch, đây là con số khả quan so với xu thế thu hẹp vốn FDI toàn cầu”, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh thông tin.

Thời gian qua, Bộ Công Thương, cùng các bộ, ngành đã và đang triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA để các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các cam kết.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thông tin, theo một cuộc khảo sát mới đây của VCCI với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu liên quan đến việc hiểu biết về các hiệp định thương mại tự do (FTA), số doanh nghiệp hiểu tương đối rõ, rất rõ về cam kết EVFTA liên quan đến lĩnh vực của họ chiếm tỷ lệ cao nhất trong tất cả các FTA mặc dù hiệp định này mới có hiệu lực.

Ngoài ra, khi đánh giá về mức độ kỳ vọng, EVFTA cũng có tỷ lệ được doanh nghiệp kỳ vọng có tác động tương đối tích cực, rất tích cực là cao nhất trong các hiệp định. Điều này đã thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc tuyên truyền thông tin, từ đó giúp doanh nghiệp tận dụng ưu đãi, lợi ích mà hiệp định mang lại.

EVFTA không chỉ là dừng lại ở việc cắt giảm thuế quan, mà còn là cơ hội để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế, pháp luật theo hướng tiệm cận với chuẩn mực quốc tế, hoàn thiện môi trường kinh doanh theo hướng thông thoáng, minh bạch và dễ dự đoán hơn.

Ông Torben Minko, Ban lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho rằng, nhìn về góc độ chính sách, EVFTA là yếu tố nền tảng, doanh nghiệp mới là người xây dựng thành quả lợi ích.

“Vì vậy, để tạo nền móng vững chắc, chúng tôi mong muốn có sự thuận lợi hơn, hài hòa hóa hơn các quy định, tiêu chuẩn. Điều này sẽ rất thuận lợi cho doanh nghiệp của EU sang đầu tư mới lần đầu và các doanh nghiệp EU đã hiện hữu tại Việt Nam”, ông Torben Minko nhấn mạnh.

Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên Bộ Công thương, vẫn còn nhiều vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện để gặt hái được tối đa lợi ích từ EVFTA. Đối với các FTA trước đây, không phải sửa đổi khuôn khổ pháp lý, thể chế, nhưng với yêu cầu thị trường cao hơn, EVFTA đòi hỏi phải chuẩn bị sẵn sàng thể chế, pháp luật để có thể thực thi được cam kết, tạo tin cậy với đối tác không chỉ EU mà cả đối tác khác.

Bởi hiện nay, nhiều lĩnh vực sản xuất đã biến đổi, đi trước do Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 gây ra. Đơn cử như, để tạo ra một găng tay, trước đây phải cắt, may, nhưng với công nghệ hiện nay, có thể dập hoặc định hình ngay tấm vải đó thành hình găng tay; quần áo thể thao, trước đây phải dùng tay để may thành cái áo, nhưng hiện, áo thể thao có thể may công nghiệp.

Điều này đòi hỏi quy tắc của hiệp định cũng phải điều chỉnh. Hay phía EU đã có hệ thống tự chứng nhận xuất xứ, tiến tới chấp nhận chứng thư điện tử công nhận là việc kiểm dịch động thực vật SPS.

“Với sự thay đổi công nghệ đó, doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng phải thay đổi để thích ứng. Tuy nhiên, hiện, hai bên vẫn chưa có sự sẵn sàng hoàn toàn, dù đã được điều chỉnh. Thời gian tới, cần có hệ thống thông tin thông suốt, lâu dài, chặt chẽ, không những ở cấp cơ quan quản lý nhà nước, mà cần lắng nghe cả tiếng nói của doanh nghiệp, trên cơ sở đó có thể xử lý nhanh nhất các vấn đề mà doanh nghiệp quan tâm”, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here