Bangladesh Đàm phán FTA với ASEAN

0
165
(Bangladesh)
(Bangladesh)

Bangladesh đã chính thức đề xuất đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN nhằm tiếp cận nhiều hơn khối thị trường này sau khi ra khỏi nhóm nước kém phát triển (LDC). Thứ trưởng Thương mại Md Jafar Uddin cho biết “đã ký thư đề nghị về việc này vào hôm 14/12/2020 và gửi Bộ Ngoại giao để bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức với ASEAN, để có thể ký một FTA với khối thương mại lớn này”.

Bangladesh khởi động đàm phán chủ yếu vì ba lý do. Thứ nhất là ASEAN là một thị trường lớn mà Bangladesh có thể làm tốt. Thứ hai là để bảo vệ các ưu đãi về thuế sau khi ra khỏi LDC. Thứ ba, nếu Bangladesh có thể ký một FTA với ASEAN, thì không cần phải ký bất kỳ hiệp định song phương với bất kỳ nước nào trong số 10 nước thành viên của khối. Như lời ông Uddin, “Nếu không, Bangladesh phải ký Hiệp định Thương mại Ưu đãi (PTA) hoặc FTA với các nước thành viên ASEAN như Indonesia hoặc Malaysia để có thể khai thác các cơ hội kinh doanh với khối thương mại lớn này”.

Hiện tại, Bangladesh đang ở giai đoạn cuối của quá trình đàm phán với Indonesia về một PTA cho các ưu đãi về thuế đối với một số hàng hóa được giao dịch giữa hai nước. Tuy nhiên, cuộc đàm phán hiện đang gặp bế tắc do Indonesia không đồng ý với một số điều khoản, đặc biệt liên quan đến một số mặt hàng xuất khẩu chính như hàng may mặc. Thứ trưởng cho biết “Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang tiếp tục đàm phán với Indonesia để ký thỏa thuận càng sớm càng tốt”.

Theo ông Uddin, Bangladesh là thành viên của Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) từ năm 2006, đây sẽ là một thuận lợi cho nước này trong các cuộc đàm phán.

ASEAN đã trở thành một thị trường quan trọng đối với Bangladesh do quy mô rộng lớn của nó. GDP của khối này đã tăng từ 2.373 tỷ USD năm 2007 lên 4.034 tỷ USD vào năm 2016. Đến năm 2030, khu vực ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới. Các thành phố đang bùng nổ ở các nước thành viên ASEAN chiếm hơn 65% GDP chung của khu vực. ASEAN là một thị trường tiêu dùng khổng lồ lên tới 642 triệu người và tầng lớp trung lưu đang phát triển với khả năng chi tiêu mới. Sẽ có thêm 90 triệu người bổ sung vào thị trường tiêu dùng vào năm 2030 và 163 triệu hộ gia đình thuộc tầng lớp ‘tiêu thụ’. Tổng chi tiêu cho quần áo và giày dép của khu vực đạt 51,2 tỷ đô la vào năm 2017. Nền kinh tế kỹ thuật số của khối tạo ra 150 tỷ đô la doanh thu mỗi năm và ước tính sẽ thêm 1 nghìn tỷ đô la vào GDP của khu vực trong 10 năm tới. ASEAN hiện có 200 triệu người dùng kỹ thuật số và 230 triệu khách hàng trực tuyến, nhưng con số này dự kiến sẽ mở rộng với mức tăng trưởng trung bình hàng năm là 7,3% để đạt 721,7 tỷ USD vào năm 2022. Các quốc gia Đông Nam Á cũng là nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho ngành may mặc và các ngành công nghiệp khác của Bangladesh.

Thứ trưởng Uddin cho biết, để đảm bảo các ưu đãi thương mại sau năm 2024, Bộ Thương mại đã đàm phán PTA với 11 quốc gia và khối thương mại khác như Úc, Nhật Bản, Trung Quốc và Canada.

Ông Uddin cũng thông báo các cuộc đàm phán để ký PTA với Nepal đang ở giai đoạn cuối, Nepal đã đồng ý ký PTA với Bangladesh vào tháng 01. “Chúng tôi sẽ trình Nội các bản thảo PTA để phê duyệt lần cuối vì Bangladesh đã đồng ý về nguyên tắc ký PTA với Nepal”. Bangladesh đề nghị được hưởng ưu đãi không thuế đối với việc xuất khẩu 140 sản phẩm sang Nepal tại cuộc đàm phán trực tuyến giữa hai nước được tổ chức vào tháng 10 năm nay.

Bangladesh đã ký PTA với Bhutan vào ngày 06/12. Theo thỏa thuận, Bangladesh sẽ được hưởng ưu đãi thuế đối với việc xuất khẩu 100 sản phẩm, bao gồm hàng may mặc, hàng nông sản chế biến và hàng điện tử. Trong khi đó, Bhutan sẽ được hưởng các ưu đãi về thuế đối với 34 sản phẩm xuất sang Bangladesh.

Hiện tại, Bangladesh không có bất kỳ FTA nào mặc dù chính phủ đã cố gắng có thỏa thuận này từ lâu.

Theo đánh giá phát triển kinh tế Bangladesh, Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hợp quốc (UN CDP) dự kiến sẽ hoàn thành vòng đánh giá cuối cùng cho việc ra khỏi LDC của Bangladesh vào năm 2021. Nếu CDP đánh giá Bangladesh phát triển tích cực, quốc gia này sẽ tốt nghiệp thành một nước đang phát triển vào năm 2024. Một khi không còn là LDC, tất cả các ưu đãi thuế quan sẽ được dỡ bỏ. Chỉ có EU mới cho phép Bangladesh hưởng ưu đãi thuế quan ân hạn thêm 3 năm. Điều này có nghĩa là Bangladesh sẽ được miễn thuế vào EU cho đến năm 2027.

Là một nước LDC, Bangladesh hiện được hưởng lợi về thuế quan, thương mại ưu đãi đối với hàng hóa xuất khẩu sang 38 quốc gia, trong đó có 28 quốc gia thuộc EU. Nước này cũng được miễn thuế vào Mỹ đối với 97% sản phẩm của mình. Nhưng các mặt hàng xuất khẩu chính của Bangladesh vào Mỹ là hàng may mặc không nằm trong gói ưu đãi này. Do đó, các nhà xuất khẩu Bangladesh phải đối mặt với mức thuế 15,62% đối với hàng may mặc xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, vốn là điểm đến xuất khẩu lớn nhất của nước này.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here