1. Ấn Độ tái khởi động đàm phán hiệp định thương mại với Hoa Kỳ
Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar cho biết, Ấn Độ dự kiến sẽ khởi động lại các cuộc đàm phán cho hiệp định thương mại tự do với Hoa Kỳ sau khi chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden đi vào hoạt động .
Tại cuộc họp chung thường niên của Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ ở New Delhi hôm thứ Bảy, Jaishankar phát biểu ông hy vọng hai bên sẽ có các cuộc thảo luận nghiêm túc; Ấn Độ rất coi trọng vấn đề này và bản thỏa thuận đã nằm trong chương trình nghị sự của Bộ Thương mại.
Ấn Độ đã nỗ lực củng cố quan hệ chiến lược và thương mại với Hoa Kỳ trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump. Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi từ lâu đã thúc đẩy một thỏa thuận với đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ khi cả hai nước đều tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Bộ trưởng Subrahmanyam Jaishankar từng cho biết một thỏa thuận thương mại dự kiến sẽ được ký kết trong năm nay với chính quyền sắp mãn nhiệm của Hoa Kỳ. Các cuộc đàm phán thương mại đã bắt đầu giữa Washington và New Delhi, cả hai bên đều cố gắng giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong đó có một số lĩnh vực nhạy cảm và khả năng tiếp cận thị trường lớn hơn
Đây là Hiệp ước có tầm quan trọng chiến lược đối với nền kinh tế Ấn Độ trị giá 2800 tỷ đô la sau khi nước này rút khỏi RCEP, một thỏa thuận lớn trong đó có Trung Quốc hồi năm ngoái.
2. Tâm lý người tiêu dùng Mỹ gia tăng mạnh mẽ với hy vọng về chính quyền Biden
Theo số liệu khảo sát về người tiêu dùng của Đại học Michigan đưa ra hôm thứ Sáu thì tháng 12, sau chiến thắng bầu cử của Joe Biden, tâm lý người tiêu dùng đã hồi phục mạnh mẽ một cách đáng ngạc nhiên – điều này làm giảm bớt nỗi lo lắng về đại dịch covid.
Chỉ số tâm lý người tiêu dùng trong tháng 12 đạt 81,4 điểm, tăng từ mức 76,9 điểm trong tháng 11. Các nhà kinh tế đã dự đoán rằng chỉ số này sẽ thấp hơn một chút trong tháng cuối cùng của năm. Trước đại dịch, chỉ số tâm lý người tiêu dùng đứng ở mức 101 điểm, mức cao nhất trong hai năm qua.
Cuộc khảo sát cũng thăm dò ý kiến của người dân về tình trạng tài chính hiện tại và dự kiến của họ, cũng như điều kiện kinh doanh và kinh tế của đất nước. Richard Curtin, người phụ trách cuộc khảo sát cho biết: “Sau cuộc bầu cử của Biden, các đảng viên Dân chủ trở nên lạc quan hơn và đảng viên Cộng hòa bi quan hơn, tình trạng trái ngược cũng đã từng xảy ra tương tự như hồi Trump đắc cử”. Sự lạc quan đột ngột này cao đến mức không thể giải thích được bằng những nguyên lý kinh tế cơ bản, giống như khi Trump đắc cử.
Kết quả bầu cử đã vượt qua những lo lắng về việc nền kinh tế sẽ phát triển thế nào trong những tháng mùa đông do sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19. Ngay cả khi việc phân phối vắc xin dự kiến sẽ sớm bắt đầu, dịch bệnh vẫn đang lây lan và làm chậm quá trình hồi phục.
Michael Pearce, nhà kinh tế cấp cao của Mỹ tại Capital Economics cho biết người tiêu dùng cảm thấy lạc quan hơn về tình trạng kinh tế hiện tại mặc dù thực tế là tình trạng thất nghiệp vẫn tràn lan ở Mỹ, theo báo cáo của Bộ Lao động hôm thứ Năm thì yêu cầu trợ cấp thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 9. Đây là lần tăng thứ ba trong bốn tuần.
Khi dịch bệnh vẫn đang lây lan và các biện pháp cứu trợ bao gồm cả trợ cấp thất nghiệp mở rộng sẽ hết hạn trong vài tuần nữa, thật khó để thấy mọi thứ sẽ không trở nên tồi tệ thế nào trong ngắn hạn. Các nhà kinh tế, chủ doanh nghiệp và người lao động thất nghiệp đang chờ đợi Washington đồng ý một số biện pháp kích thích trước Giáng sinh để ngăn chặn các nỗi lo đang lơ lửng trên đầu. Thời gian không còn nhiều.
3. Trung Quốc tiếp tục kêu gọi tái định hình quan hệ Mỹ – Trung
Trong khi chính quyền Trump những ngày này vẫn tiếp tục thổi bùng ngọn lửa căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc, các quan chức ở Bắc Kinh tiếp tục nói rằng họ hy vọng sẽ giảm leo thang và tái định hình mối quan hệ với Washington khi Tổng thống đắc cử Biden nhậm chức.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Sáu đã nhắc lại lời kêu gọi của ông về việc tái định hình quan hệ Mỹ – Trung sau khi đưa ra kế hoạch cải thiện mối quan hệ vào đầu tuần này. Tại buổi khai mạc hội thảo “Tình hình quốc tế và ngoại giao Trung Quốc” năm 2020 ở Bắc Kinh, trong bài phát biểu của mình, ông Vương kêu gọi Mỹ chấm dứt những “hành động phi lý” để không gây tổn hại đến uy tín của chính Hoa Kỳ và gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định thế giới. Ông Vương tuy không nói rõ đó là những hành động nào, nhưng danh sách các mục tiêu là rất dài.
Về phía Hoa Kỳ, Ngoại trưởng Mike Pompeo cáo buộc Trung Quốc đang gửi gián điệp đến các trường đại học Hoa Kỳ để đánh cắp các nghiên cứu và gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc. Ủy ban Truyền thông Liên bang hôm thứ Năm đã thực hiện một loạt động thái nhằm loại Huawei, ZTE và China Telecom ra khỏi Hoa Kỳ.
Trung Quốc đã có những phản ứng với các hành động của Hoa Kỳ, chỉ trích Hoa Kỳ can thiệp vào công việc của họ và tấn công các công ty Trung Quốc một cách không hợp lý đồng thời cũng ban hành các biện pháp trừng phạt đáp trả đối với các quan chức Hoa Kỳ, ngừng việc miễn thị thực đối với các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đến Hồng Kông và Ma Cao.
Bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại hy vọng Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ xây dựng lại quan hệ trong khi Bắc Kinh áp dụng cái gọi là chiến lược “lưu thông kép”, mở lại các cuộc đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng quan tâm và xây dựng lại lòng tin.
Ông cho biết Trung Quốc luôn tin tưởng rằng nếu cả hai nước đều có thái độ khách quan và hợp lý, cùng tìm kiếm sự hiểu biết lẫn nhau và hội tụ lợi ích rộng rãi hơn, thì chắc chắn sẽ tìm ra con đường chung sống hòa bình trên thế giới giữa các quốc gia có hệ thống xã hội và văn hóa khác nhau. Bên cạnh đó chiến lược lưu thông kép tập trung vào việc mở rộng nhu cầu trong nước và hình thành kết nối sâu hơn và rộng hơn giữa lưu thông trong nước và quốc tế, điều này sẽ mang lại cơ hội thị trường lớn hơn cho thế giới và không gian rộng hơn cho hợp tác quốc tế trong đó có Hoa Kỳ và Trung Quốc.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ)