Bài viết của Futureiot.tech (Singapore) nhận định, trong 15 năm qua, Việt Nam nổi lên là “trung tâm chế tạo lớn” ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Báo cáo Chỉ số cạnh tranh công nghiệp (CIP) 2020, Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) ghi nhận, năm 2018, Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng CIP, xếp thứ 38 trong năm 2018 trong thang chỉ số toàn cầu gồm 152 quốc gia, so với vị trí thứ 41 trong năm 2017.
Báo cáo cho rằng, từ năm 1990, Việt Nam trên đà tăng hạng chỉ số CIP. Việt Nam gần vượt lên trên mức trung bình của thế giới, trong đó 2 chỉ số quan trọng về khả năng cạnh tranh, đặc biệt khi hàng hóa sản xuất của Việt Nam chiếm gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, vượt trên mức trung bình toàn cầu là 60%.
Tuy nhiên, xét về tỷ trọng các hoạt động công nghệ vừa và cao trong lĩnh vực chế tạo, thứ hạng của Việt Nam có dấu hiệu đi xuống, giảm một bậc khi xếp thứ 40 trong năm 2018. Xét về tỷ trọng hoat động công nghệ vừa và cao trong chỉ số giá trị gia tăng toàn ngành chế tạo, thứ hạng của Việt Nam chỉ tăng một bậc, xếp thứ 31 trong năm 2018.
Tháng 9/2020, Chính phủ Việt Nam ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 23/NQ/TW, định hướng xây dựng chính sách công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tháng 3/2018, luật đã được ký.
Kế hoạch hành động được xây dựng nhằm đưa Việt Nam vào nhóm ba nền kinh tế công nghiệp hàng đầu của ASEAN. Một số mục tiêu đề ra, gồm:
– Đến năm 2030, ngành công nghiệp sẽ chiếm trên 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 30% và riêng công nghiệp chế tạo chiếm trên 20%.
– Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt tối thiểu 45%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp bình quân hàng năm đạt trên 8,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 10%.
– Trong ngành công nghiệp, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm dự kiến đạt 7,5%.
– Tỷ trọng lao động trong ngành công nghiệp và dịch vụ tăng trên 70%, sẽ xây dựng một số cụm công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp quy mô lớn, đa quốc gia, có sức cạnh tranh toàn cầu.
Kế hoạch hành động quy định việc đưa ra các chính sách phát triển những ngành công nghiệp ưu tiên cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các cơ hội kinh doanh và đào tạo nhân tài – sử dụng khoa học và công nghệ để thúc đẩy công nghiệp hóa; đồng thời chú ý đến bảo vệ môi trường và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Trong Báo cáo tóm tắt về Việt Nam hồi tháng 10/2020, Julia Nguyễn cho rằng Việt Nam dường như đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu nằm trong nhóm 3 nước hàng đầu ASEAN trong 10 năm tới: “Từ năm 2006 – 2016, Việt Nam tăng 27 bậc trong thang chỉ số CIP UNIDO, chỉ số này theo dõi sự tiến bộ của lĩnh vực chế tạo của các nước. Việc tăng hạng này đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa Việt Nam và các nước hàng đầu trong khu vực như Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia và Philippines”.
Với Nghị quyết số 23-NQ/TW tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng là giá trị gia tăng, xuất khẩu và tạo việc làm, bà Julia Nguyễn cho rằng cần ưu tiên vào những ngành đóng góp nhiều nhất cho 3 lĩnh vực này: “Thực phẩm, dệt may, da giày, điện tử và ô tô là những ngành có lợi thế cạnh tranh cao nhất và có thể được hưởng lợi nhiều hơn từ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới kỹ thuật, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) và hỗ trợ khởi nghiệp, cùng nhiều biện pháp can thiệp khác để giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu của mình”.
Bà Nguyễn nêu các thách thức như phụ thuộc vào nhập khẩu nước ngoài để cung cấp gần 8% nguyên liệu, phụ tùng và linh kiện cần thiết cho sản xuất ngay cả khi các chính sách của chính phủ và các công ty chế tạo trong nước đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ cho các ngành công nghiệp chủ chốt.
Trong khi đồng ý rằng việc tập trung vào các lĩnh vực “được thí nghiệm và thử nghiệm” của Việt Nam sẽ thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, bà Nguyễn cũng nêu rõ Việt Nam cần chuẩn bị cho cách mạng công nghiệp 4.0 để duy trì tính cạnh tranh: “Công nghiệp 4.0 áp dụng các công nghệ như dữ liệu lớn, đám mây, Internet vạn vật (IoT) và nhiều công nghệ khác hứa hẹn tối ưu hóa quy trình sản xuất để tăng năng suất và lợi nhuận”.
Theo quan sát của bà, Việt Nam đang tiến hành những bước đầu tiên của “cuộc cách mạng kỹ thuật số”.
Các chính sách phát triển cơ sở hạ tầng hiệu quả, năng lực sáng tạo, nguồn nhân lực, các lĩnh vực và công nghệ ưu tiên đã được triển khai nhằm đạt được tham vọng trở thành một trong số các nước Đông Nam Á hàng đầu trong thang xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII).
Năm 2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) ban hành dự thảo chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 và xây dựng chương trình quốc gia nhằm biến Việt Nam trở thành xã hội số vào thập kỷ tới. Bà nhấn mạnh: “Có sự đồng thuận giữa chính phủ, các bên trong ngành công nghiệp và giới trí thức về những lợi ích và cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0.
Các chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có một chiến lược nhất quán và sự cần thiết phải hợp tác để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ sáng tạo các công nghệ tiên tiến. Sự phối hợp giữa các bộ và giữa khu vực tư nhân và nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng khi đối phó với những thách thức tất yếu sẽ nảy sinh khi áp dụng công nghiệp mới như dịch chuyển lao động và các vấn đề an ninh mạng.
Thọ Anh