Financial Review: Thách thức đã thúc đẩy Việt Nam vươn lên thành “công xưởng thế giới”

0
95
Nhà máy Samsung Thái Nguyên

Trong bài phân tích mới đây, tờ Financial Review nhận định, chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19 đã đẩy nhanh nỗ lực của Việt Nam trong việc thách thức Trung Quốc để trở thành công xưởng của thế giới. Việc Việt Nam thận trọng kiểm soát đại dịch COVID-19 càng làm tăng thêm sức hút đối với các công ty đang tìm cách tránh đòn trừng phạt thuế quan của Mỹ.

Nhà đầu tư Samsung của Hàn Quốc là nguồn thu hút vốn FDI lớn đối với Việt Nam.

Hiện tượng dịch chuyển sản xuất sang Việt Nam đã diễn ra từ vài năm trước khi giá nhân công ở Trung Quốc bắt đầu tăng. Rob Subbaraman, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của Nomura, cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã khiến quá trình này diễn ra khẩn trương hơn và đại dịch COVID-19 càng làm nổi bật lợi ích của việc đa dạng hóa sản xuất.

Ông nhấn mạnh: “Đây là sự chuyển dịch cơ cấu mà chúng tôi kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn ra. Trong những năm tới, chúng ta sẽ chứng kiến dòng vốn đầu tư vào châu Á lớn hơn nhiều, chảy từ Bắc Á sang Nam Á. Ở Bắc Á, gồm Nhật Bản và Đài Loan và rõ ràng là cả Trung Quốc, dân số đang già đi, quỹ hưu trí ngày càng phình to. Khi các nước này trở nên giàu có hơn, chi phí tiền lương cũng tăng lên, các nước ASEAN và Ấn Độ sẽ thu hút nhiều đầu tư hơn”.

Ông Rob Subbaraman đưa ra bình luận này khi chính phủ Việt Nam cho biết công ty Pegatron của Đài Loan, chuyên sản xuất thiết bị cho các tập đoàn công nghệ, gồm Microsoft, Apple và Sony, đã xác nhận kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD để xây dựng một khu liên hợp sản xuất tại khu công nghiệp Nam Đình Vũ ở thành phố Hải Phòng.

Công ty Pegatron sẽ cùng với các công ty sản xuất iPhone khác là Wistron và Hon Hai Precision Industry mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Kế hoạch gồm 3 giai đoạn mà cuối cùng sẽ dẫn đến việc dịch chuyển trung tâm nghiên cứu và phát triển của công ty Pegatron từ Trung Quốc sang Việt Nam được công bố cùng thời điểm xuất hiện tin tức cho biết Foxconn, một tập đoàn khổng lồ khác của Đài Loan, đang chuyển thêm một số hoạt động sản xuất cho Apple từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Tháng 11/2020, Reuters đưa tin Foxconn sẽ mở rộng nhà máy tại tỉnh Bắc Giang để lắp đặt các dây chuyền lắp ráp mới. Nhiều năm nay, tập đoàn này đã đa dạng hóa sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Các nhà quan sát thị trường khác cho rằng các quyết định đầu tư gần đây thể hiện các cách tiếp cận khác mà các nước Đông Nam Á áp dụng để thu hút các công ty đa quốc gia.

Năm nay, Indonesia đã thực hiện các biện pháp để đơn giản hóa các quy định và giảm bớt các quyền lợi hào phóng của người lao động, nhưng nước này vẫn coi các tập đoàn toàn cầu là nguồn phát triển công nghiệp. Nhiều cơ quan chính phủ áp đặt các yêu cầu nghiêm ngặt đối với việc sử dụng nguồn lực đầu vào trong nước, các yêu cầu có thể thay đổi tùy thuộc vào bộ trưởng phụ trách. Ngược lại, Việt Nam nhấn mạnh sự ổn định về quy định cho các tập đoàn đa quốc gia.

Các quyết định đầu tư gần đây của Apple và các nhà cung cấp cho Apple cho thấy những chiến lược này diễn ra như thế nào. Năm 2017, Apple đã “lật ngược” lệnh cấm bán iPhone ở Indonesia bằng cách cam kết chi 44 triệu USD cho một cơ sở nghiên cứu và phát triển, qua đó giải quyết yêu cầu của chính phủ Indonesia về việc sử dụng nguồn lực nội địa. Tuy nhiên, việc này bị làm lu mờ trước số việc làm do cỗ máy Apple toàn cầu tạo ra tại Việt Nam trong những năm gần đây.

Dù có thể trông cậy vào thị trường tiêu dùng khổng lồ của để thu hút vốn, nhưng Indonesia vẫn phải vật lộn để thu hút đầu tư vào các nhà máy này. Hiện nay, các công ty đa quốc gia cũng có thể xem xét sự khác biệt trong việc quản lý đại dịch. Dù Indonesia có thể sớm tung ra loại vaccine do Trung Quốc phát triển, nhưng việc  hàng nghìn ca mắc mới mỗi ngày khiến nước này phục hồi chậm hơn Việt Nam.

Nguyễn Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here