Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ tổ chức Hội thảo “Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Việt Nam – Ấn Độ 2020”

0
198
(Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)

Tiếp tục triển khai kế hoạch ngoại giao phục vụ kinh tế 2020, ngày 20/11/2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đã chủ trì tổ chức Hội thảo “Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư Việt Nam – Ấn Độ 2020” (Vietnam – India Trade, Tourism and Investment Promotion 2020) tại New Delhi, Ấn Độ. Sự kiện có sự tham dự của Đại sứ, đại diện các phòng của Đại sứ quán và đại diện gần 40 (Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)

(Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)

Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Phạm Sanh Châu khẳng định Việt Nam với nền kinh tế mở 200% đang có những bước phát triển nhanh chóng. Theo dự báo của IMF, trong năm 2020, Việt Nam sẽ vượt qua Singapore và Malaysia để trở thành nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực Đông Nam Á. Đại sứ đánh giá cao quan hệ thương mại hai nước khi kim ngạch song phương đạt 8 tỷ USD trong vòng 10 tháng đầu năm 2020, bất chấp những khó khăn do Covid-19 gây ra.

Về đầu tư, dù Ấn Độ và Việt Nam đều triển khai nhiều biện pháp thu hút FDI nhưng hai nước có các thế mạnh bổ trợ cho nhau và có nhiều tiềm năng hợp tác. Một số các tập đoàn lớn của Ấn Độ nhưng HCL, ESSAR, ONGC.. đã có các dự án đầu tư vào Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như năng lượng, khai thác dầu, khí, công nghệ thông tin và truyền thông…

Du lịch là lĩnh vực bị ảnh hưởng lớn nhất do Covid-19. Trong thời gian qua, Đại sứ quán đã tổ chức nhiều chuyến bay để đưa doanh nhân Ấn Độ tới Việt Nam. Đại sứ quán cũng đã làm việc với Make My Trip – doanh nghiệp lữ hành trực tuyến lớn nhất Ấn Độ về việc khai thác một số đảo ở Việt Nam theo hình thức du lịch biệt lập trong thời kỳ Covid-19.

Ngoài ra, Đại sứ cũng giới thiệu công trình trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đang xây dựng và sẽ sớm bước vào khâu hoàn thiện nội thất. Đại sứ hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ có thể giới thiệu và làm việc với công ty tư vấn thiết kế để đưa ra các phương án thiết kế nội thất tốt nhất cho Đại sứ quán mới.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) Atul Saxena đánh giá cao hội thảo và cho rằng đây là sự kiện cần thiết để kết nối doanh nghiệp hiệu quả hơn sau chuỗi sự kiện trực tuyến thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Ấn Độ 2020 mà Đại sứ quán đang tổ chức. Ông Saxena cho biết Covid-19 có thể làm ảnh hưởng đến thương mại song phương vào thời điểm hiện tại nhưng ông tin rằng dịch bệnh đã tạo ra cơ hội để Chính phủ và các doanh nghiệp có nhiều thời gian nhìn nhận lại và đưa ra các biện pháp xúc tiến thương mại song phương hiệu quả hơn. Với danh sách khách mời chất lượng, hầu hết đều là các doanh nghiệp, tập đoàn lớn và có uy tín trong nhiều lĩnh vực, ông Saxena tin rằng hội thảo sẽ giúp tìm ra nhiều cơ hội hợp tác mới trong tất cả các lĩnh vực thương mại, du lịch và đầu tư.

Ông Kushal Singhal, Chủ tịch Encore Modular Furniture cho biết công ty có các mặt hàng đa dạng, đáp ứng nhu cầu lớn từ nhiều văn phòng và Đại sứ quán tại Ấn Độ. Với đội ngũ thợ giàu tay nghề, Encore Modular Furniture tập trung vào nghiên cứu áp dụng khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ông bày tỏ hiểu ngành nội thất Việt Nam cũng rất phát triển và văn hóa hai bên có nhiều điểm khác nhau nhưng ông tin rằng các mặt hàng độc đáo và truyền thống của Ấn Độ sẽ được ưa chuộng tại Việt Nam. Ông mong muốn được làm việc với Đại sứ quán, đưa ra một số các phương án thiết kế nội thất cho trụ sở Đại sứ quán đang xây dựng.

Ông Vinay Diwedi, Giám đốc Aum Impex India giới thiệu về nền du lịch chăm sóc sức khỏe Ấn Độ. Ông cho biết nếu không do ảnh hưởng bởi Covid-19, ngành du lịch y tế Ấn Độ được dự đoán sẽ tăng trưởng 200% và đạt 9 tỷ USD trong năm 2020. Ấn Độ mang lại các dịch vụ chăm sóc sức khỏe với các công nghệ tiên tiến với chi phí tiết kiệm từ 65% đến 90% so với ở Mỹ. Ấn Độ hiện tự hào có 38 bệnh viện được công nhận bởi Joint Commission International (JCI), cơ quan hàng đầu về thực hành chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Ấn Độ có 619 bệnh viện được công nhận bởi Ủy ban kiểm định quốc gia về bệnh viện và nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe (NABH). Ngoài ra, tỷ lệ tử vong sau phẫu thuật ở Ấn Độ là khoảng 1.4%, so với 1.9% ở Mỹ.. Hiện Aum Impex đã mở 2 cơ sở tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để chăm sóc sức khỏe theo phương pháp sử dụng Yoga và phương pháp Ayurveda theo truyền thống Hindu giáo.

Ông Abhinav Mathur, Giám đốc hãng Logistics Balaji Mariline cho biết theo Agility Emerging Markets Logistics Index 2019, Ấn Độ là một trong những nước đứng đầu bảng xếp hạng về quy mô và sức mạnh thị trường logistics quốc tế và trong nước. Xếp hạng được dựa trên môi trường quản lý, tín dụng và động lực nợ, thực thi hợp đồng, các biện pháp đảm bảo chống tham nhũng, sự ổn định về giá cả và khả năng tiếp cận thị trường. Với thương mại song phương ngày càng tăng, công ty cũng nhận được nhiều hơn các đơn hàng vận chuyển tới Việt Nam, chủ yếu do đường biển trong bối cảnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn ra.

Ông Abhinav Sood, Chủ tịch hãng lữ hành Commucation đánh giá cao các chương trình trực tuyến của Đại sứ quán. Ông đã tham gia 2 hội thảo trực tuyến về du lịch vào tháng 9 và tháng 11. Ông Sood cho biết sáng kiến tạo “khu du lịch biệt lập” tại Việt Nam trong bối cảnh Covid-19 là một sáng kiến rất táo bạo và độc đáo. Ông mong rằng với sự hỗ trợ của Đại sứ quán, lượng khách du lịch trong năm 2021 sẽ tăng cao với các hình thức du lịch đa dạng hơn từ cả hai nước.

Ông Deepark Ram Agrawal, Giám đốc Krishna Industries cho biết công ty ông nổi tiếng trong ngành sản xuất máy làm mát, phụ tùng máy làm mát, hệ thống điện trong xe oto… Ấn Độ có ngành sản xuất phụ tùng oto rất phát triển với giá cả cạnh tranh. Để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, Việt Nam cũng có thể nhập khẩu máy móc từ Ấn Độ và đề xuất chuyển giao công nghệ.

Đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia trong các lĩnh vực sản xuất đồ nội thất, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, du lịch, logistics và phụ tùng oto cũng đã có các bài phát biểu gới thiệu các ngành công nghiệp, dịch vụ của Ấn Độ, trong đó nêu bật tiềm năng và mong muốn của các doanh nghiệp Ấn Độ với thị trường Việt Nam. Hầu hết các chuyên gia Ấn Độ nhận định rằng Việt Nam là một thị trường có sức phát triển rất khả quan và với quan hệ song phương tốt đẹp, các doanh nghiệp Ấn Độ sẽ sớm mở rộng hơn nữa kinh doanh, đầu tư và du lịch tới Việt Nam. Rất nhiều ý kiến đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc chống dịch và phục hồi kinh tế.

Tại sự kiện, ĐS Phạm Sanh Châu và các cán bộ của ĐSQ nhận được nhiều câu hỏi về chính sách thu hút, ưu đãi đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong một số ngành nghề cụ thể (ví dụ như phụ tùng ô-tô, vật liệu xây dựng, công nghệ thông tin…), thời điểm Việt Nam sẽ mở cửa trở lại đối với các đường bay thương mại, chính sách đất đai dành cho doanh nghiệp FDI, thuế nhập khẩu với linh kiện ô-tô, các khu công nghiệp cho các ngành cụ thể, chuyên biệt, chính sách thuế, các thủ tục thành lập doanh nghiệp…

Hội thảo diễn ra trong bối cảnh Chính quyền bang Delhi hạn chế số lượng người tham dự các hội thảo, hội nghị, sự kiện ở mức dưới 50 người do số ca nhiễm Covid-19 tại bang đang tăng cao. Tuy nhiên, với sự rà soát chặt chẽ của Đại sứ quán và sự hỗ trợ của các đối tác Ấn Độ, hội thảo đã quy tụ được những doanh nghiệp lớn, thực sự mong muốn hợp tác kinh doanh với phía Việt Nam.

Nhìn chung, nhu cầu tìm hiểu về Việt Nam và môi trường kinh doanh, các cơ hội để đầu tư, du lịch ở Ấn Độ ngày càng lớn hơn. Việc doanh nghiệp Ấn Độ đặt ra nhiều câu hỏi cũng cho thấy mức độ hiểu biết của doanh nghiệp Ấn Độ về Việt Nam nói chung và môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn hạn chế. Tuy nhiên, nhờ thành công về chống dịch nên “thương hiệu” của Việt Nam đã được coi trọng hơn.

Kết thúc hội thảo, nhóm các doanh nghiệp về sản xuất đồ nội thất đã đề nghị được làm việc với Đại sứ quán và bên tư vấn thiết kế để lên các kế hoạch thiết kế và mẫu mã nội thất cho trụ sở Đại sứ quán đang xây dựng và kỳ vọng có thể kết nối thêm với các doanh nghiệp Việt Nam để hiểu hơn về thị hiếu của người Việt.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here