Kinh tế Trung Quốc

0
89
(Internet)
(Internet)

1. Các tập đoàn công nghệ lớn của Trung Quốc cần được giám sát chặt chẽ hơn

Ngày 08/12/2020, phát biểu qua video tại diễn đàn tại chính công nghệ Singapore FinTech Festival, Bí thư Đảng Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) và Chủ tịch Ủy ban quản lý và giám sát bảo hiểm và ngân hàng Trung Quốc (CBIRC) Guo Shuqing cảnh báo các công ty công nghệ lớn cần phải được quản lý chặt chẽ hơn vì đây là những tổ chức được xác định là “có quy mô lớn đến mức không được để sụp đổ” và một số hoạt động kinh doanh tài chính của các tổ chức này có thể đem đến “những hình thức rủi ro mới”.

Ông Guo cho rằng một nhóm nhỏ các công ty công nghệ thao túng và làm chủ thị trường thanh toán điện tử quy mô nhỏ vốn có liên đới đến lợi ích của phần lớn công chúng; các cơ quan quản lý cần phải đặc biệt quan tâm đến rủi ro của các tổ chức được gọi là “BigTechs” này. Các BigTechs cung cấp các dịch vụ công nghệ và tài chính liên lĩnh vực và đóng vai trò là các hạ tầng tài chính chủ chốt. Sự sụp đổ của các BigTechs có thể dẫn đến những rủi ro tài chính mang tính hệ thống yêu cầu phải có các biện pháp trọng tâm và kịp thời để kiểm soát.

Ông Guo nhấn mạnh cần phải thúc đẩy cạnh tranh thị trường công bằng trong lĩnh vực tài chính, cáo buộc một số nhóm tài chính công nghệ khổng lồ cản trở cạnh công bằng và giành được những khoản thu lợi quá lớn, trục lợi từ “sự độc quyền dữ liệu”. Trong ngành công nghiệp tài chính công nghệ đang nổi lên nhiều hiện tượng mới và dẫn đến những vấn đề mới, do đó các cơ quan quản lý cần quan tâm sát sao hơn đến việc liệu các BigTechs có ngăn cản những doanh nghiệp mới, thu thập thông tin một cách không hợp thức, từ chối công bố thông tin liên quan hoặc đánh lạc hướng người tiêu dùng.

Theo ông Guo, cần lưu ý ngăn chặn các rủi ro an ninh mạng, làm rõ việc sở hữu dữ liệu và củng cố cơ cế phối hợp quốc tế quản lý các dòng dữ liệu xuyên biên giới. Hiện chưa có nhiều quy định cụ thể hóa việc sở hữu tài sản dữ liệu, và các BigTechs gần như kiểm soát hoàn toàn dữ liệu. Do đó, cần thiết phải làm rõ quyền sở hữu dữ liệu trong khi thúc đẩy tăng cường các dòng dữ liệu và cơ chế định giá.

2. Ba thách thức chủ chốt của Trung Quốc

Ngày 08/12/2020, phát biểu tại Tọa đàm do Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa tổ chức tại Bắc Kinh, cựu Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc – cựu Phó Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Zhu Min xác định rủi ro địa chính trị, chuyển đổi cơ cấu và dân số già đi là các thách thức chủ chốt của Trung Quốc trong 30 năm tới. Sự gia tăng mạnh mẽ của rủi ro địa chính trị là một nhân tố quan trọng được xem xét kỹ lưỡng trong quá trình hoạch định Kế hoạch 5 năm lần thứ 14, nhất là việc Mỹ rút khỏi các thỏa thuận và tổ chức quốc tế dưới thời chính quyền Trump; “phân tách” là vấn đề gây lo ngại vì Trung Quốc là một nền kinh tế mở, toàn cầu hóa và dù không muốn xảy ra phân tách, Trung Quốc vẫn phải suy nghĩ thấu đáo về vấn đề này nhất là các giải pháp trường hợp xảy ra phân tách; cho rằng tăng cường đối thoại Trung – Mỹ trở thành vấn đề cấp bách hiện nay vì sự phát triển của toàn cầu.

Về thách thức chuyển đổi cơ cấu, Trung Quốc đang vươn lên trở thành quốc gia thu nhập cao với việc lần đầu tiên thu nhập bình quân đầu người đạt mức 10,000 USD trong năm nay, tiến gần đến ngưỡng được Ngân hàng Thế giới xác định là quốc gia thu nhập cao là 12,535 USD. Tuy nhiên, chặng đường từ 10,000 USD lên quốc gia thu nhập cao là vô cùng thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong đó nhiều quốc gia đã rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Kinh nghiệm quốc tế và lịch sử cho thấy đi từ trình độ thu nhập trung bình lên thu nhập cao, một quốc gia phải trải qua sự chuyển đổi to lớn về cơ cấu và chuyển đổi cơ cấu kinh tế là vấn đề lớn vào thời điểm quan trọng hiện nay. Những chuyển đổi cơ cấu lớn đang diễn ra ở Trung Quốc với việc nền kinh tế dịch chuyển dần khỏi lĩnh vực chế tạo sang lĩnh vực dịch vụ; lĩnh vực chế tạo của Trung Quốc đã đạt đỉnh vào năm 2013 và lĩnh vực dịch vụ sẽ tiếp tục phát triển trong những năm tới.

Chuyển đổi cơ cấu dân số cũng là vấn đề chủ chốt Trung Quốc phải điều chỉnh trong những năm tới. Theo ông Zhu, Trung Quốc hiện có hơn 250 triệu người ở độ tuổi trên 60 và con số này tiếp tục tăng lên trong những năm tới trong khi quy mô của dân số dưới 60 tuổi thu hẹp lại. Đây là vấn đề lớn Trung Quốc phải tính toán liên quan đến nguồn cung lao động, hệ thống phúc lợi xã hội, hệ thống an sinh, y tế và việc làm thế nào để tạo các điều kiện sống tốt hơn về nhà cửa, các cộng đồng, thành phố, cao tốc, công viên để đáp ứng một dân số đang già đi. Sự chuyển đổi nhân khẩu học cũng yêu cầu phải có sự chuyển đổi về kinh tế do người già hơn tiêu dùng ít hàng hóa vật chất hơn nhưng đòi hỏi nhiều hơn về dịch vụ. Ông Zhu nhấn mạnh, sự già đi của dân số sẽ có tác động lớn đến cấu trúc kinh tế, chính sách xã hội, thiết kế cộng đồng và thành phố.

3. Xuất khẩu nông sản của Úc bị ảnh hưởng do căng thẳng trong quan hệ Trung-Úc

Đối với Úc, nước xuất khẩu nông sản lớn thứ 4 thế giới, năm 2020 không phải là một năm tốt. Theo báo cáo mới nhất do Bộ Nông nghiệp Úc công bố, xuất khẩu nông sản của Úc sẽ bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2020 do ảnh hưởng của quan hệ Trung-Úc đang xấu đi và tác động của tình trạng khô hạn trước đó.

Báo cáo dự đoán, từ năm 2020 đến năm 2021, xuất khẩu nông sản Úc sẽ giảm 7% xuống còn 44,7 tỷ đô la Úc (khoảng 217 tỷ NDT), mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Trước đó, trong báo cáo công bố vào tháng 9/2020, Bộ Nông nghiệp Úc dự đoán, do tác động của giá hàng hóa giảm, xuất khẩu gia súc giảm và việc xây dựng lại nguồn dự trữ lương thực, từ năm 2020 đến năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu nông sản của Úc sẽ giảm 10% xuống còn 43,5 tỷ đô la Úc.

Ngày 07/12/2020, Reuters cho biết, trong 11 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu của Trung Quốc từ Úc đã giảm 4,9% so với cùng kỳ. Báo cáo nhận định, căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và Úc là nhân tố chính ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản của Úc. Theo ước tính, giá trị thị trường của các sản phẩm nông nghiệp bị ảnh hưởng lên tới 19 tỷ USD. Trong số các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Úc, các sản phẩm sợi từ lâu đã phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, do các biện pháp của Trung Quốc, việc xuất khẩu rượu vang, lúa mạch và các sản phẩm khác cũng bị ảnh hưởng nhiều. Báo cáo nhận định, ngành sản xuất rượu vang của Úc dự kiến sẽ bị thiệt hại nặng nhất, với giá nho để cất rượu vang giảm 28%.

Trước đó, ngày 27/11/2020, Bộ Thương mại Trung Quốc ra thông báo áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với rượu vang có xuất xứ từ Úc, mức thu tiền bảo đảm từ 107,1% đến 212,1%. Nhiều nhà phân tích cho rằng, biện pháp này sẽ khiến ngành rượu vang Úc mất đi một lượng lớn thị phần tại Trung Quốc, trong khi thị trường Trung Quốc là thị trường lớn nhất của rượu vang Úc.

Đồng thời, Úc cũng lo ngại Trung Quốc có thể sẽ áp dụng các biện pháp hạn chế thương mại đối với các sản phẩm như lông cừu, lúa mì, lúa mạch. Lúa mì được coi là đối tượng tiếp theo để Trung Quốc áp dụng các biện pháp mới. Báo cáo cho biết, mặc dù Trung Quốc từ trước đến nay không phải là thị trường xuất khẩu lúa mì chủ yếu của Úc. Tuy nhiên, do giá lúa mì trong nước cao, nhập khẩu lúa mì của Trung Quốc trong giai đoạn 2020-2021 đạt mức cao nhất trong 25 năm trở lại đây. Nga và các nước xuất khẩu lúa mì lớn khác trên thế giới đang tích cực cạnh tranh trên thị trường Trung Quốc. Báo cáo cũng nhận định, việc xuất khẩu bông vải của Úc sang Trung Quốc trong tương lai cũng tồn tại “nhân tố bất ổn”. Từ năm 2017 đến 2019, trung bình khoảng 49% bông vải của Australia được xuất khẩu sang Trung Quốc, chiếm khoảng 24% tổng lượng bông vải nhập khẩu của Trung Quốc.

Xuất khẩu sản phẩm thịt của Úc cũng bị ảnh hưởng. Theo Reuters, kể từ 7/12/2020, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã tạm dừng thụ lý đơn xin phép nhập khẩu sản phẩm thịt bò từ công ty Meramist (Úc) mà không tuyên bố lý do. Đầu năm 2020, Trung Quốc đã tạm dừng nhập khẩu từ một số nhà sản xuất thịt bò của Úc, trong đó có 1 nhà sản xuất bị phát hiện chất chloramphenicol, một loại chất bị cấm ở Trung Quốc và Úc, 4 nhà sản xuất bị cáo buộc vi phạm các yêu cầu kiểm dịch.

Trả lời phỏng vấn của Bloomberg, Agapi-Phó Giám đốc định giá nông sản Châu Á-Thái Bình Dương của Công ty S&P Global Platts nhận định, Úc đang gặp bất lợi trong tranh chấp thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của họ. Trung Quốc có nhiều quốc gia thay thế cho nhập khẩu nông sản, trong khi Úc cần thị trường Trung Quốc hơn.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here