3 lý do Nhật Bản cản trở hợp tác Trung-Nhật-Hàn

0
96
(Internet)
(Internet)

Ban Quản trị Trang NGKT trân trọng gửi tới Quý độc giả nội dung tóm tắt bài viết “3 lý do Nhật Bản cản trở hợp tác Trung-Nhật-Hàn” của giáo sư Chiêm Đức Bân, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu Bán đảo Triều Tiên Trường Đại học Ngoại thương Thượng Hải:

Ngày 24/12/2019, Hội nghị các nhà lãnh đạo ba nước Trung-Nhật-Hàn (Hội nghị) lần thứ 8 đã được tổ chức tại Thành Đô, Tứ Xuyên. Lãnh đạo ba nước đạt được nhận thức chung sâu rộng về nhiều vấn đề. Theo cơ chế liên quan, Hội nghị năm nay dự kiến được tổ chức tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, Hàn Quốc vẫn chưa thông tin về ngày họp. Trong khi đó, tại Nhật Bản lại rộ lên thông tin cho rằng nếu Hàn Quốc không nhượng bộ trong vấn đề “lao động cưỡng bức” (thời kỳ Nhật Bản xâm chiếm bán đảo Triều Tiên) thì Nhật Bản sẽ không tham dự Hội nghị. Truyền thông Nhật Bản thậm chí còn loan tin Hội nghị sẽ hoãn lại sang năm 2021. Động thái này của Nhật Bản phát đi tín hiệu phức tạp, ảnh hưởng đến tiến trình tổ chức Hội nghị.

Kể từ khi Hội nghị lần thứ nhất tổ chức tại Fukuoka, Nhật Bản vào tháng 12/2008, quá trình tổ chức các Hội nghị tiếp theo đã gặp không ít khó khăn. Ví dụ, trong 2 năm (năm 2013 và 2014) Hội nghị đã không thể tổ chức được, chủ yếu do Nhật Bản tuyên bố cái gọi là “quốc hữu hóa” quần đảo Điếu Ngư và các chuyến thăm đền Yasukuni của các nhà lãnh đạo Nhật Bản, dẫn đến quan hệ ngày càng xấu đi giữa ba nước. Trong hai năm 2016 và 2017, Hội nghị cũng không được tổ chức như dự kiến ​​do nhiều nguyên nhân. Năm 2019, quan hệ Hàn-Nhật lại xấu đi nghiêm trọng, tuy nhiên, với sự nỗ lực chung của ba nước, Hàn Quốc cuối cùng đã quyết định gia hạn có điều kiện “Hiệp định đảm bảo thông tin quân sự chung (GSOMIA) Hàn-Nhật” và rút đơn kiện Nhật Bản tại Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vì vậy, Hội nghị nhà lãnh đạo ba nước lần thứ 8 cuối cùng đã được tổ chức thành công.

Nhật Bản không nên cản trở tổ chức Hội nghị. Cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo ba nước nên trở thành cầu nối để thúc đẩy giải quyết các mâu thuẫn song phương, không nên cản trở hợp tác ba bên với lý do mâu thuẫn song phương; ngay cả khi cơ chế hội nghị không thể giúp giải quyết các mâu thuẫn song phương. Bởi lẽ cơ chế Hội nghị chủ yếu nhằm thảo luận hợp tác giữa ba nước, hội nhập khu vực Đông Bắc Á, thậm chí là thảo luận các vấn đề khu vực và toàn cầu rộng lớn hơn. Thái độ của Nhật Bản đối với cuộc gặp lần này không mấy tích cực. Bề ngoài Nhật Bản yêu cầu Hàn Quốc nhượng bộ trong vấn đề “lao động cưỡng bức”, nhưng thực tế Nhật Bản có những cân nhắc sâu xa hơn, chủ yếu 3 lý do sau:

Thứ nhất, Nhật Bản cho rằng Trung Quốc và Hàn Quốc hiện đang phải “cầu cạnh” Nhật Bản. Mỹ tiếp quản và củng cố “Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” do Nhật Bản đề xuất, còn Nhật Bản tiếp quản và dẫn dắt “Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương” (CPTPP). Mục tiêu ban đầu của hai chiến lược này là nhằm vào Trung Quốc; trong khi đó, Nhật Bản đóng vai trò quan trọng trong cả hai chiến lược này. Mỹ đề nghị Hàn Quốc cải thiện quan hệ với Nhật Bản và tham gia “Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, trong khi Trung Quốc bày tỏ mong muốn tích cực xem xét gia nhập CPTPP. Trước tình hình đó, Nhật Bản cho rằng mình đang ở một vị trí chiến lược vô cùng thuận lợi và hy vọng sẽ sử dụng lợi thế này để gây sức ép lên Trung Quốc và Hàn Quốc nhằm tiếp tục nắm quyền chủ đạo trong quan hệ hợp tác Trung-Nhật-Hàn.

Thứ hai, Nhật Bản tin rằng các chủ đề sẽ được thảo luận tại Hội nghị năm nay sẽ không mang lại nhiều lợi ích cho Nhật Bản. Hội nghị năm nay dự kiến thảo luận về các vấn đề như Khu thương mại tự do Trung Nhật-Hàn, tăng cường hợp tác phòng chống dịch bệnh, thiết lập cơ chế hợp tác y tế công cộng Đông Bắc Á, duy trì ổn định của chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, giao lưu nhân dân, cải thiện quan hệ chính trị giữa các nước Đông Bắc Á, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên. Về các vấn đề trên, nhận thức của Trung Quốc và Hàn Quốc gần giống nhau, trong khi Nhật Bản tương đối biệt lập. Trong bối cảnh đó, Nhật Bản cho rằng sẽ bất lợi khi tham gia Hội nghị.

Thứ ba, từ góc độ thời , Nhật Bản không muốn kích động Mỹ trong giai đoạn nhạy cảm chuyển giao quyền lực ở Mỹ. Sau khi Biden nhậm chức, chiến lược ngoại giao của Mỹ nhiều khả năng sẽ có những điều chỉnh nhất định, có thể có những thay đổi rõ rệt trong chính sách của Mỹ đối với các đồng minh. Hiện nay, các nhà lãnh đạo Nhật Bản vẫn chưa gặp Tổng thống đắc cử Biden, cũng chưa thể xác định đầy đủ định hướng chính sách của chính quyền Biden. Trong khi các chủ đề thảo luận tại cuộc họp giữa các nhà lãnh đạo Trung-Nhật-Hàn chắc chắn sẽ liên quan đến vấn đề hạt nhân của Triều Tiên và chính sách đối với Trung Quốc. Những vấn đề này xem ra khá nhạy cảm đối với Mỹ. Vì vậy, Nhật Bản không muốn “hấp tấp” có cuộc gặp với Trung Quốc và Hàn Quốc trước khi diễn ra “cuộc trao đổi” với chính quyền mới của Mỹ về chính sách đối ngoại, tránh gây ra những rắc rối không đáng có cho quan hệ Nhật-Mỹ trong tương lai.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang lan rộng toàn cầu, Nhật Bản sẽ tổ chức Thế vận hội vào mùa Hè năm 2021 và Bắc Kinh cũng sẽ đăng cai Thế vận hội mùa Đông vào đầu năm 2022, ba nước Trung-Nhật-Hàn cần ngồi lại với nhau để thảo luận về kế hoạch hợp tác sâu rộng cho tương lai. Hiện nay hợp tác kinh tế và thương mại giữa ba nước là rất lớn, những tín hiệu tích cực về hợp tác giữa ba nước được phát đi chắc chắn sẽ tác động rất lớn đến khu vực và thế giới. Vì vậy, thay vì ngăn cản, ba nước cần có những đóng góp tích cực vào quan hệ hợp tác ba bên trong giai đoạn đặc biệt này.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here