Tìm “chìa khóa” khai thông thị trường thực phẩm Halal toàn cầu

0
168
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Là quốc gia xuất siêu nông, lâm, thủy sản trong 10 năm qua, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội thâm nhập sâu vào thị trường thực phẩm Halal toàn cầu.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu tại Diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam”. (Ảnh: Tuấn Anh)

Tại Diễn đàn “Tiềm năng thị trường thực phẩm Halal toàn cầu và cơ hội với Việt Nam”, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, thị trường thực phẩm Halal toàn cầu có tiềm năng rất lớn và đang ngày càng phát triển với tốc độ nhanh tại khắp các châu lục từ châu Á, Trung Đông – châu Phi cho tới châu Âu và châu Mỹ.

“Thế giới có gần 2 tỷ người Hồi giáo với mức chi tiêu cho thực phẩm Halal dự báo là 1.400 tỷ USD vào năm 2020; dự báo sẽ tăng hơn 10 lần lên tới 15.000 tỷ USD vào năm 2050. Đây là cơ hội lớn cho các nước xuất khẩu lương thực, thực phẩm và các chế phẩm từ nông nghiệp như Việt Nam”, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia xuất khẩu nông, thủy sản lớn trên thế giới với nhiều mặt hàng tiêu biểu như gạo, cao su, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá… Hơn nữa, Việt Nam có những lợi thế quan trọng, nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp xuất khẩu của Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, lợi thế thứ nhất, Việt Nam có vị trí địa lý gần những thị trường Halal lớn khi khoảng 62% dân số Hồi giáo tập trung tại châu Á. Ngay tại Đông Nam Á, Indonesia, quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới, là một thị trường tiềm năng, không xa lạ với doanh nghiệp Việt Nam.

Lợi thế thứ hai, đối với khu vực Trung Đông – châu Phi (tập trung khoảng 30% dân số Hồi giáo), Việt Nam đang tích cực triển khai đề án phát triển quan hệ với các nước trong khu vực giai đoạn 2016-2025, trong đó có việc thực hiện các Tuyên bố cấp cao của Việt Nam với một số đối tác quan trọng về hợp tác, thúc đẩy xuất, nhập khẩu và chứng nhận các sản phẩm Halal.

Lợi thế thứ ba, sau 35 năm đổi mới, hội nhập quốc tế, Việt Nam hiện là một mắt xích quan trọng trong nhiều liên kết kinh tế hàng đầu khu vực, nằm ở giao điểm của 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có một số FTA thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do với EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương toàn diện và tiến bộ (CPTPP) và mới đây nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Đây là cơ sở quan trọng giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các thị trường, kể cả các thị trường khó tính, tiêu chuẩn cao như EU, thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có các sản phẩm Halal.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn cho rằng, sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường Halal đến nay còn hạn chế.

Theo đánh giá của trung tâm Halal Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam đã bước đầu xuất khẩu một số sản phẩm Halal nhưng mới chỉ đáp ứng được 1/3 nhu cầu từ các quốc gia trong Tổ chức Hợp tác Hồi giáo. Nhiều doanh nghiệp còn gặp khó khăn trong việc cấp chứng nhận Halal và thiếu thống tin về thị trường, văn hóa kinh doanh, tiêu dùng để tham gia sâu vào thị trường Halal, nhất là tại các quốc gia hồi giáo.

Hơn nữa, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trước làn sóng mới của Covid-19, Việt Nam rất cần sự hợp tác, hỗ trợ chặt chẽ của bạn bè quốc tế trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, doanh nghiệp nông lâm và thủy sản Việt Nam cũng nhận thức được nhu cầu nhập khẩu cao của các thị trường Hồi giáo trên thế giới mang lại rất nhiều cơ hội cho xuất khẩu hàng hóa như: lương thực, thực phẩm, nông sản, thủy sản…

Việc tìm hiểu thị trường, văn hóa tiêu dùng và tập quán kinh doanh là những yêu tố cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn xuất khẩu sản phẩm vào thị trường các nước Hồi giáo.

Những kinh nghiệm trong việc áp dụng tiêu chuẩn Halal cho doanh nghiệp Việt Nam và những kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề quản lý thẩm định cấp chứng chỉ Halal trong thời gian qua cho thấy rằng cần phải hoàn thiện lĩnh vực này một cách hệ thống và theo chuỗi để nâng cao hình ảnh chất lượng sản phẩm của Việt Nam trên thị trường quốc tế, đáp ứng các tiêu chuẩn nghiệm ngặt mà thị trường Hồi giáo yêu cầu.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho hay, hàng năm mức tiêu dùng thực phẩm lên tới hơn 600 tỷ USD là những con số ấn tượng đối với bất kỳ một ngành công nghiệp sản xuất thực phẩm trên thế giới.

Trong số các nước Hồi giáo, khu vực Trung Đông với điều kiện tự nhiên, thời tiết, đất đai thổ nhưỡng không thuận lợi và phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, không đáp ứng được nhu cầu lương thực trong nước do vậy hầu hết các nước Trung Đông phải nhập khẩu số lượng rất lớn mặt hàng lương thực, thực phẩm. Nhập khẩu 80% hàng hóa lương thực, thực phẩm, tương đương khoảng 40 tỷ USD mỗi năm và dự báo đến năm 2035 sẽ tăng lên 70 tỷ USD đối với khu vực Trung Đông).

Bên cạnh đó, cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu của khu vực khá phù hợp với những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh và nhu cầu cao của Việt Nam, thuế nhập khẩu của khối GCC khá thấp từ 0-5%.

Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông sản được cấp chứng nhận Halal của Việt Nam và tiếp tục thâm nhập vào thị trường tiềm năng này, TS. Nguyễn Văn Hội, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương đánh giá, Việt Nam cần tăng cường quan hệ hợp tác giữa các Bộ, ngành chức năng, các phòng thương mại và công nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp của các bên nhằm thúc đẩy phát triển thương mại hàng nông sản, đảm bảo an ninh lương thực và an ninh năng lượng.

Tăng cường hợp tác với các đối tác khu vực Trung Đông, coi đó như trạm trung chuyển để hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam tiến vào thị trường châu Phi. Các nước Trung Đông có 95% nguồn ngoại tệ thu được từ chế biến và xuất khẩu dầu mỏ, khí đốt, cùng với đó là hệ thống ngân hàng liên kết quốc tế rất phát triển nên khả năng thanh toán, chi trả tại thị trường này khá tốt.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho các hoạt động trao đổi thương mại hàng nông sản và hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các nước Trung Đông – châu Phi. Tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, ban hành cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư Trung Đông-châu Phi đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, năng lượng tái tạo, sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và chế biến thực phẩm.

Ngoài ra, cần tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, khảo sát thị trường, tham dự một số hội chợ, triển lãm chuyên ngành thường niên đối với các mặt hàng nông sản, thực phẩm trong khu vực. Tăng cường sự chủ động của doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu nông sản, thực phẩm được cấp chứng nhận Halal.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here