Học giả Trung Quốc: Ấn Độ mắc sai lầm chiến lược nghiêm trọng khi không gia nhập RCEP

0
87
(Internet)
(Internet)

Ban Quản trị Trang NGKT trực tuyến gửi tới Quý độc giả một số nội dung tóm tắt bài viết của ông Lưu Tôn Nghĩa, Tổng Thư ký Trung tâm nghiên cứu hợp tác Trung Quốc-Nam Á, Nghiên cứu viên Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương (Đại học Nhân dân Trung Quốc) với nhan đề “Chủ nghĩa đơn phương kiểu Ấn Độ đang tự tạo cho mình bị cô lập”, sau đây là một số nội dung chính:

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành, kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, việc ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ thúc đẩy hiệu quả sự phát triển liên kết kinh tế khu vực, bảo đảm sự ổn định của chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề, tăng niềm tin phục hồi kinh tế tại các nước trong khu vực.

Ấn Độ không tham gia RCEP, bởi lẽ Chính phủ Ấn Độ cho rằng Trung Quốc chiếm vị trí ưu thế, thâm hụt thương mại lớn giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nếu Ấn Độ tham gia RCEP sẽ không công bằng đối với nước này. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát quốc tế cho rằng chính một số nhóm lợi ích tại Ấn Độ đã ngăn cản Ấn Độ tham gia RCEP và Thủ tướng Modi và Đảng nhân dân Ấn Độ đã nhượng bộ để giành được phiếu bầu. Ngoài ra, mặc dù Modi đã thúc đẩy chính sách “Made in India” để khuyến khích sản xuất trong nước, các sản phẩm công nghiệp của họ vẫn không thể cạnh tranh với các sản phẩm từ Trung Quốc và các nước Đông Nam Á khác.

Đánh giá về chính sách đối ngoại mà Ấn Độ áp dụng trong năm qua, lựa chọn này của Ấn Độ hầu như không gây ngạc nhiên.

Vào đầu năm 2020, sau khi bùng phát dịch Covid-19, Ấn Độ tin rằng cơ hội để Ấn Độ phát triển ngành sản xuất thay thế Trung Quốc đã đến, vì thế nước này đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về đất đai và thuế, đồng thời vận động các công ty đa quốc gia lớn ở Trung Quốc chuyển dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ.

Thứ trưởng Ngoại giao của các nước như Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam, New Zealand đã tiến hành họp hai tuần một lần, một trong những nội dung quan trọng bàn thảo là làm thế nào để thiết lập chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề toàn cầu linh hoạt hơn nhằm thay thế Trung Quốc.

Ngoài ra, cuộc xung đột ở thung lũng Galwan cũng là nguyên nhân dẫn đến tiến trình “bài trừ Trung Quốc” của Ấn Độ.

Trong khi Chính quyền Trump thúc đẩy “phân tách Trung Quốc”, “bài trừ Trung Quốc”, thì Ấn Độ lại đang thúc đẩy tích cực “bài trừ Trung Quốc” ngay chính nền kinh tế nước mình, các biện pháp liên quan thậm chí còn hơn Mỹ.

Nói cách khác, ở mức độ nào đó, Ấn Độ đang dẫn dắt Mỹ “bài trừ Trung Quốc”, tin rằng Ấn Độ sẽ giành được cơ hội phát triển trong cuộc đối đầu Trung-Mỹ. Ấn Độ hy vọng bằng việc thành lập liên minh với Mỹ để các nước phương Tây như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cung cấp nguồn vốn và công nghệ giúp Ấn Độ phát triển ngành sản xuất, thiết lập chuỗi giá trị và chuỗi ngành nghề thay thế Trung Quốc.

Vì lý do này, Ấn Độ không những không muốn tham gia RCEP mà còn không muốn Nhật Bản tham gia, trên thực tế Ấn Độ không muốn sự ra đời của RCEP. Tóm lại, Ấn Độ có ý đồ chỉ muốn nước mình phát triển trên sự “hy sinh” của Trung Quốc.

 Ấn Độ có thể bỏ lỡ cơ hội toàn cầu hóa

Giờ đây, RCEP đã được thành lập, lịch sử sẽ chứng minh rằng Chính phủ Ấn Độ đã mắc phải một sai lầm chiến lược nghiêm trọng. Mặc dù các quốc gia thành viên khác của RCEP hoan nghênh Ấn Độ tham gia với các điều khoản cụ thể vào bất kỳ lúc nào, tuy nhiên tiêu chuẩn để gia nhập trong tương lai sẽ cao hơn. Ấn Độ có thể không bao giờ có cơ hội tham gia RCEP nữa, do đó Ấn Độ sẽ mất cơ hội hội nhập tiến trình toàn cầu hóa.

Chính quyền Modi ban đầu hy vọng rằng Trump sẽ tái đắc cử, sẽ tiếp tục cuộc chiến thương mại với Trung Quốc và phân tách kinh tế Mỹ-Trung. Do đó, trước cuộc bầu cử ở Mỹ, Ấn Độ đã tích cực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ để hỗ trợ cho cuộc bầu cử của Trump.

Sau khi ký thỏa thuận hợp tác và trao đổi cơ bản (BECA), Mỹ và Ấn Độ đã hình thành một liên minh. Tuy nhiên, sau cuộc bầu cử, chính quyền mới của Mỹ có thể thay đổi chính sách ngoại giao, đây là việc mà Ấn Độ hoàn toàn không mong muốn. Mặc dù Mỹ hy vọng sẽ bổ sung trụ cột kinh tế vào chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhưng rất khó hỗ trợ nhiều vào quá trình công nghiệp hóa của Ấn Độ ngoại trừ lĩnh vực quân sự, trong khi Ấn Độ vẫn cần thúc đẩy công nghiệp hóa.

Sau khi Chính phủ mới của Mỹ nhậm chức, nhiều khả năng Mỹ sẽ tham gia Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình dương (CPTPP). Đây là một tổ chức hội nhập kinh tế khu vực đòi hỏi tiêu chí gia nhập cao hơn RCEP. Nếu Ấn Độ không thể đáp ứng các tiêu chí để gia nhập RCEP, thì càng khó khăn hơn khi đáp ứng các yêu cầu của CPTPP. Hơn nữa, CPTPP ban đầu do Chính quyền Obama thiết kế hoàn toàn không gồm Ấn Độ và Mỹ cũng không muốn Ấn Độ tham gia APEC.

Về ước mơ của Ấn Độ nhằm xây dựng phạm vi ảnh hưởng kinh tế của riêng mình và dẫn dắt nhất thể hóa kinh tế khu vực các quốc gia Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC), nếu chỉ dựa vào trình độ phát triển kinh tế của Ấn Độ thì rất khó đạt được.

Đối với các quốc gia thành viên khác của RCEP, việc Ấn Độ không tham gia không có nghĩa là hiệu quả của các thể chế đa phương bị tổn hại. Mặc dù thị trường Ấn Độ có vẻ rộng lớn, nhưng mức tiêu thụ thực tế vẫn chưa tương xứng. Xét từ biểu hiện của Ấn Độ tại các tổ chức quốc tế cho thấy, tiếng nói của Ấn Độ tại các tổ chức quốc tế mà nước này tham gia sẽ giảm đi đáng kể.

Do đó, việc không tham gia RCEP sẽ đồng nghĩa với việc Ấn Độ sẽ bị cô lập trong vòng toàn cầu hóa mới và tiến trình hội nhập kinh tế khu vực trong tương lai.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here