Xuất khẩu Venezuela sụt giảm do khủng hoảng của ngành công nghiệp dầu mỏ

0
175
(Internet)
(Internet)

Theo Báo cáo Giám sát Thương mại và Hội nhập do Ngân hàng Phát triển liên Mỹ (IDB), Venezuela có giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh nhất khu vực Mỹ Latinh trong nửa đầu năm 2020 với -68,8%. Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra lý do chính là sự khủng hoảng của ngành công nghiệp dầu mỏ. Theo OPEC, sản lượng xuất khẩu dầu mỏ của Venezuela đã sụt giảm hơn 90% từ 3,5 triệu thùng/ngày vào năm 1998 xuống mức 339.000 thùng/ngày vào năm 2020. Các nguyên nhân khiến năng lực sản xuất và khai thác dầu thô của Venezuela giảm mạnh bao gồm: quản lý yếu kém, cơ sở hạ tầng xuống cấp, bê bối tham nhũng, sự cô lập trong thương mại quốc tế và các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tổng thống Nicolás Maduro đã nhiều lần tuyên bố sẽ vực dậy ngành dầu mỏ nhưng sản lượng xuất khẩu dầu thô vẫn tiếp tục giảm.

Bên cạnh sự sụt giảm của mặt hàng xuất khẩu chính là dầu thô, các mặt hàng xuất khẩu phi truyền thống (cà phê, ca cao, nhựa, hoa, rượu rum…) cũng bị ảnh hưởng và không thể vực dậy nền kinh tế. Việc xuất khẩu các mặt hàng này chủ yếu phụ thuộc vào tỷ giá hối đoái và bị ảnh hưởng nghiêm trọng do chính sách tỷ giá của Chính phủ dẫn đến việc nội tệ bị định giá quá cao so với ngoại tệ; tăng chi phí và giảm lợi nhuận của các doanh nghiệp Venezuela khiến họ gặp nhiều khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa.

Về đồng tiền nội tệ của Venezuela, đồng bolivar đã mất giá tới 15% trong tuần qua và hơn 1700% từ đầu năm 2020. Đây là hậu quả của sự mất cân bằng tài chính và tiền tệ. Trong bối cảnh bất ổn xuyên suốt của đồng nội tệ, Venezuela đang trải qua quá trình đô la hóa tự phát, trong đó đa số hàng hóa được tính giá bằng USD. Các chuyên gia kinh tế cho biết tỷ lệ sử dụng USD để mua bán và giao dịch thực tế hiện nay tại Venezuela là trên 70%.

Ngoài ra, mức độ phi tiền tệ hóa nền kinh tế Venezuela tăng cao nhất trong vòng 20 năm qua. Tỷ lệ tiền mặt nội tệ lưu hành chiếm khoảng 2,7% tổng số lưu thông. Nguyên nhân chủ yếu là: (i) Ngân hàng Trung ương Venezuela không có các giải pháp hỗ trợ hiệu quả; (ii) Việc đôla hóa tự phát mạnh mẽ do nhu cầu của thị trường; (iii) Đồng nội tệ không có giá trị tiết kiệm do sự mất giá nhanh chóng; (iv) Chi phí in tiền cao hơn giá trị đồng tiền trên thực tế. Venezuela đã trải qua hai lần đổi tiền trước đây với việc bỏ ba số không vào năm 2008 và năm số không vào năm 2018.

Trong năm 2021, dự báo kinh tế Venezuela tiếp tục lâm vào tình trạng trì trệ, GDP giảm, duy trì siêu lạm phát. Triển vọng xuất khẩu hàng hóa (truyền thống và phi truyền thống) sẽ không có dấu hiệu phục hồi do năng lực sản xuất thấp và các chính sách quản lý kinh tế không hiệu quả của Chính phủ./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here