Theo Bộ trưởng Thương mại Thụy Điển Anna Hallberg, Hiệp định thương mại giữa EU và Anh tới thời điểm chuyển giao năm 2021 sẽ không còn hiệu lực, tuy nhiên trước cuộc đàm phán cuối cùng diễn ra, bà tin hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận về thương mại. Mặc dù vòng đàm phán cuối cùng về tiến trình Brexit đang diễn ra tương đối “sôi động”, tuy nhiên hai bên vẫn còn tồn tại tương đối nhiều các vấn đề tồn đọng liên quan đến hỗ trợ nhà nước, quyền đánh bắt và cách giải quyết tranh chấp thương mại. Trong kịch bản lý tưởng nhất, bà cho rằng hai bên có thể có được một thỏa thuận cơ bản về thương mại.
Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của Thụy Điển, do vậy có 1 Hiệp định tự do thương mại giữa Anh và EU là yếu tố quan trọng của nền kinh tế Thụy Điển sau khi hoàn tất tiến trình Brexit. Cho đến nay, tác động từ cuộc khủng hoảng Covid-19 làm cho xuất khẩu hàng hóa của Thụy Điển sang Anh giảm gần 21%, trong giai đoạn từ tháng 1-8/2020. Đối với ngành dịch vụ, kim ngạch này giảm hơn 13%. Tình trạng này có thể bắt nguồn từ sự suy giảm kỳ vọng của các nhà đầu tư, không chỉ đơn thuần xuất phát từ dịch bệnh.
Trong khuôn khổ bài phát biểu, bà Hallberg cũng nhắc nhở các doanh nghiệp của Thụy Điển cần chuẩn các phương án trong trường hợp Anh và EU không đi đến được một thoả thuận về thương mại, lao động (hay còn gọi là Brexit “cứng”) bởi giá cả hàng hoá, dịch vụ của Thuỵ Điển xuất khẩu sang Anh sẽ tăng tương đối so với thời điểm hiện tại. Brexit cứng cũng gây ảnh hưởng đến khoảng 70.000 người Thụy Điển hiện đang học tập, làm việc tại Anh./.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển)