Doanh nghiệp đề xuất ký FTA với ASEAN để thúc đẩy xuất khẩu, đầu tư

0
73
(thefinancialexpress)
(thefinancialexpress)

Các nhà kinh tế và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đề xuất Bangladesh đàm phán ký các FTA với các nước thành viên ASEAN để thúc đẩy xuất khẩu sang khối và nới lỏng các quy định đầu tư để thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh tiếp thị ở nước ngoài trước tình hình phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt sau khi chuyển trạng thái trở thành một nước đang phát triển vào năm 2024 và hết ân hạn ưu đãi về thuế quan đối với thị trường châu Âu vào năm 2027.

Đây là những kiến nghị được nêu ra tại hội thảo trực tuyến với chủ đề “Mở rộng quan hệ kinh doanh của Bangladesh với các nước ASEAN” do Bộ Ngoại giao tổ chức hôm Chủ nhật (22/11/2020). Các nhà kinh tế, đại sứ Bangladesh tại các nước ASEAN và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đã tham dự.

Tại hội thảo, giáo sư kinh tế Selim Raihan cho biết trong năm 2019, Bangladesh xuất khẩu sang các nước ASEAN ít ỏi chỉ 846 triệu, trong khi nhập khẩu khoảng 9 tỷ USD. Ông nói “Đã đến lúc cần nhìn vào Đông Nam Á và cho rằng Bangladesh có thể có lợi ích đáng kể khi hội nhập vào các thị trường ASEAN. Giáo sư cũng cho biết việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, cùng Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand, có nghĩa là thương mại và đầu tư nội khối sẽ được thúc đẩy đáng kể trong khu vực. Do Bangladesh không phải là một phần của khối thương mại tự do, vì vậy có nguy cơ giảm xuất khẩu sang các nước ASEAN và các nước giàu trong khối hạn chế đầu tư vào các nước trong khu vực này. Vì vậy, ông Selim Raihan đề nghị “Bangladesh cần chủ động trong việc ký kết các FTA với ASEAN, cải thiện cơ sở hạ tầng, nới lỏng các quy định đầu tư và loại bỏ tệ quan liêu”.

Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu hàng may mặc (BGMEA) Rubana Huq cho biết vào năm 2030, ASEAN với tư cách là một khối sẽ là nền kinh tế lớn thứ 4 trên thế giới và để gia nhập thị trường đó, Bangladesh nên đàm phán ký kết một FTA với Quy tắc xuất xứ có lợi với các quốc gia ASEAN. Bà cho biết bản thân BGMEA đã xác định tám lĩnh vực để đa dạng hóa sản phẩm và khuyến nghị thành lập một hội đồng đa dạng hóa xuất khẩu vì quốc gia này cho đến nay vẫn phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực may mặc để có nguồn thu từ xuất khẩu.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Metropolitan Nihad Kabir ủng hộ một chính sách thương mại toàn diện và tích cực, học hỏi từ các đối thủ của Bangladesh đang làm tốt hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và thúc đẩy xuất khẩu. Bà đề nghị Bangladesh cử các đại diện thương mại ở nước ngoài để xúc tiến thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đối với việc Ủy ban Doanh thu Quốc gia cho rằng việc ký kết các FTA làm giảm doanh thu, thì bà cho rằng ký kết các FTA thực sự sẽ giúp tăng doanh thu nội địa về lâu dài.

Theo số liệu chính thức, quần áo may sẵn vẫn là mặt hàng xuất khẩu chính sang thị trường ASEAN và vẫn có khả năng tăng. Vị trí thứ hai thuộc về dược phẩm, và xuất khẩu những loại thuốc này có thể được thúc đẩy đáng kể nếu các công ty dược được phép đặt văn phòng tại nước nhập.

Đại sứ Bangladesh tại Việt Nam Samina Naz, trong hội thảo cho biết lao động có tay nghề cao và sự hỗ trợ chính sách của chính phủ là những yếu tố chính giúp Việt Nam vượt qua Bangladesh về xuất khẩu cũng như thu hút đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Việt Nam có thể là một thị trường tốt cho các sản phẩm dược phẩm của Bangladesh.

Bộ trưởng Ngoại giao Masud Bin Momen, người chủ trì hội thảo cho biết để Bangladesh đạt được mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 60 tỷ USD vào năm tới, hoạt động thương mại ở Đông Nam Á phải làm tốt hơn. Ông yêu cầu tất cả các cao ủy và đại sứ tìm các cách và phương tiện để thúc đẩy xuất khẩu sang các nước ASEAN và gửi báo cáo cho Bộ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mashfee Binte Shams đề nghị tất các phái đoàn ở các nước ASEAN cần xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với các cơ quan và phòng thương mại có uy tín ở nước sở tại để tổ chức các hội chợ, giới thiệu sản phẩm.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here