Tin kinh tế Bangladesh

0
64
(Bangladesh)
(Bangladesh)

1. Tại sao Bangladesh không phải là một phần của RCEP

Mười lăm nền kinh tế châu Á – Thái Bình Dương đã ký một thỏa thuận có thể trở thành hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới, bao gồm gần 1/3 dân số và khoảng 30% GDP toàn cầu. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ dần dần giảm thuế quan và hướng đến chống chủ nghĩa bảo hộ, thúc đẩy đầu tư và cho phép vận chuyển hàng hóa tự do hơn trong khu vực.

Tham gia hiệp ước có Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand và 10 thành viên của ASEAN, và không hề có Bangladesh. Thứ trưởng Thương mại Md Jafar Uddin cho biết Bangladesh không đủ điều kiện tham gia RCEP, vì chỉ dành cho các thành viên ASEAN đã ký với nhau một FTA từ trước. Không chỉ Bangladesh mà cả Nepal, Sri Lanka và Pakistan đều không đủ điều kiện tham gia. “Tuy nhiên, chúng tôi đang phân tích tác động của Hiệp định này để xem liệu nó có thể có lợi cho chúng ta hay không. Không có gì là cố định trong thương mại thế giới và định hướng tương lai sẽ được thiết lập dựa trên xu hướng thương mại và các bên cùng có lợi”.

Thứ trưởng Uddin cho biết hiện tại Bangladesh đang tập trung vào đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương để Bangladesh có thể cải thiện thương mại trong khu vực cũng như với các đối tác toàn cầu.

Ấn Độ đã đứng ngoài RCEP và không muốn tham gia thỏa thuận này, bất chấp lời mời từ 15 thành viên. Lập trường dứt khoát này của Ấn Độ được đưa ra sau khi tham khảo với cộng đồng doanh nghiệp về các mục tiêu của RCEP. Các doanh nghiệp cảm thấy rằng họ sẽ bị lấn át và không thể cạnh tranh với hàng nhập khẩu chịu thuế suất thấp. Điều này đã khiến quốc gia này từ bỏ việc tham gia RCEP.

Đối với Bangladesh, RCEP dường như có ít điểm hấp dẫn. Trong năm tài khóa 2019-20, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 33,7 tỷ USD của Bangladesh, giá trị xuất khẩu sang các nước RCEP chiếm khoảng 10,4%, cụ thể với Trung Quốc là 600,1 triệu USD, Nhật Bản là 1,2 tỉ USD, Hàn Quốc là 352,8 triệu USD, Úc là 678,2 triệu USD, New Zealand là 82,1 triệu USD, Brunei là 1,4 triệu USD, Việt Nam là 48,2 triệu USD, Thái là 35,5 triệu USD, Lào 0,6 triệu USD, Campuchia là 10,5 triệu USD, Myanmar là 28,3 triệu USD, Singapore là 95,1 triệu USD, Malaysia 236,4 triệu USD, Indonesia là 51,4 triệu USD và  Philippines là 78,5 triệu USD.

2. Bangladesh đề xuất Trung Quốc nới lỏng quy định nhập khẩu

Một quan chức của Bộ Thương mại cho biết: “Bangladesh đã bị thâm hụt thương mại liên tục trong những năm qua. Để giảm bớt sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước, chúng tôi sẽ đưa ra một số đề xuất tại cuộc họp cuộc họp Tham vấn giữa hai Bộ Ngoại giao (FOC) Bangladesh và Trung Quốc sắp tới”. Bộ Thương mại gần đây đã chuyển những đề xuất này đến Bộ Ngoại giao để đưa vào nội dung FOC.

Bộ Thương mại sẽ đề nghị Trung Quốc nới lỏng Quy tắc xuất xứ trong APTA và Quy tắc xuất xứ về miễn trừ thuế quan đối với các sản phẩm chế biến của Bangladesh là 25% giá trị gia tăng, thay vì 35-40%.

Hồi tháng 6/2020, Trung Quốc cũng đã nhất trí miễn thuế và miễn hạn ngạch (DFQF) cho 8.549 sản phẩm của Bangladesh (97%), điều này có thể giúp thúc đẩy xuất khẩu và giảm sự mất cân bằng thương mại song phương. Ưu đãi này có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 và sẽ tiếp tục cho đến khi Bangladesh ra khỏi nhóm các nước kém phát triển (LDCs), dự kiến vào năm 2024. Đồng thời, Bangladesh sẽ tiếp tục được hưởng ưu đãi tiếp cận thị trường Trung Quốc theo Hiệp định Thương mại Châu Á – Thái Bình Dương (APTA), bao gồm 3.700 Mã HS. Theo quy định ưu đãi mà Trung Quốc dành cho Bangladesh, hàng hóa Bangladesh phải đảm bảo giá trị gia tăng là 40%, còn APTA yêu cầu 35% giá trị gia tăng.

Bộ Thương mại đề nghị tổ chức các đoàn thương mại thăm Trung Quốc và gặp gỡ các đối tác để đánh giá nhu cầu, giá cả và chất lượng của các sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu.

Bangladesh muốn thuyết phục các nhà đầu tư Trung Quốc thành lập các liên doanh về công nghiệp trong các lĩnh vực da giày, đóng tàu, cơ khí nhẹ, chế biến nông sản thực phẩm, sản phẩm dệt may có giá trị gia tăng cao, CNTT. Các đề xuất khác sẽ được đưa trong cuộc họp bao gồm việc thành lập một viện thiết kế đồ da và một viện thiết kế thời trang may mặc (RMG)…

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Bangladesh với tổng giá trị thương mại song phương hàng năm đạt trên 12,13 tỷ USD. Trong năm tài chính 2019-20, Bangladesh đã nhập khẩu hàng hóa trị giá hơn 11,53 tỷ USD từ Trung Quốc và xuất khẩu hàng hóa trên 600 triệu USD. Chênh lệch thương mại của nước này với Trung Quốc ở mức gần 11 tỷ USD trong năm tài chính FY20.

FOC Bangladesh-Trung Quốc có thể sẽ được tổ chức sớm tại Dhaka. FOC sẽ thảo luận vấn đề hợp tác song phương, cũng như các vấn đề toàn cầu, khu vực và tiểu vùng mà các bên cùng có lợi.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here