10 cơ hội và 10 thách thức trong quan hệ Trung-Mỹ nếu Biden trở thành Tống thống Mỹ

0
69
(Internet)
(Internet)

Ban Quản trị Trang NGKT trực tuyến gửi tới Quý độc giả một số nội dung tóm tắt cuộc trả lời phỏng vấn mạng Phượng Hoàng (Hồng Công) của bà Lưu Anh, nghiên cứu viên, Chủ nhiệm Ban Nghiên cứu hợp tác Viện Nghiên cứu Tài chính Trùng Dương (Đại học Nhân dân Trung Quốc) về 10 cơ hội, 10 thách thức trong quan hệ Trung-Mỹ nếu Joe Biden trở thành Tống thống Mỹ:

Về 10 cơ hội trong quan hệ Trung-Mỹ

(i) Hợp tác thương mại Trung-Mỹ sẽ được mở rộng và được đẩy mạnh hơn. Ông Biden sẽ dần chấm dứt chiến tranh thương mại Trung-Mỹ. Không giống như Đảng Cộng hòa tuân theo chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, Đảng Dân chủ coi trọng thương mại tự do. Ông Biden đã nhiều lần bày tỏ phản đối chiến tranh thương mại và thuế quan.

(ii) Mỹ sẽ nối lại và tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục với Trung Quốc. Biden cam kết sẽ điều chỉnh chính sách nhập cư, từng tuyên bố sẽ tăng 140.000 thẻ xanh việc làm mỗi năm, khôi phục hợp tác văn hóa, giáo dục với Trung Quốc.

(iii) Mỹ sẽ tham gia trở lại một số cơ chế quốc tế như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), v.v… Biden cam kết đưa Mỹ trở lại các cơ chế đa phương, hy vọng Mỹ sẽ dẫn đầu thế giới một lần nữa.

(iv) Các lĩnh vực hợp tác Trung-Mỹ sẽ không ngừng tăng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện Trung Quốc và Mỹ có hơn 150 cơ chế đối thoại và hợp tác. Sau khi Biden nhậm chức Tổng thống, các cơ chế này sẽ dần được khởi động lại.

(v) Mỹ sẽ giảm bớt các hành động khiêu khích chính trị chống lại Trung Quốc. Sau khi lên cầm quyền, ông Biden sẽ rút ra được một số bài học từ thời Chính quyền Trump. Cái gọi là chiến lược “Nước Mỹ trên hết” của Trump thực tế đã không làm cho nước Mỹ trở nên vĩ đại, mà trái lại đã gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, vị thế của Mỹ trên thế giới.

(vi) Mỹ có thể nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư tài chính của các công ty Trung Quốc tại Mỹ. Trước đây, chính quyền Trump đã trực tiếp hạn chế các công ty Trung Quốc đầu tư vào Mỹ và Phố Wall nên đã đe dọa và gây sức ép đối với các nhà đầu tư Trung Quốc.

(vii) Trung Quốc và Mỹ sẽ có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng mới. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu thế giới về năng lượng gió và năng lượng mặt trời. Trong chiến dịch tranh cử, Biden đã từng tuyên bố sẽ tạo 10 triệu việc làm mới trong lĩnh vực năng lượng sạch.

(viii) Tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng. Ông Biden đề xuất kế hoạch đầu tư 2 nghìn tỷ USD cho các lĩnh vực môi trường và xây dựng cơ sở hạ tầng, trong đó có đường sắt, thành phố thông minh. Về cơ sở hạ tầng, Trung Quốc dẫn đầu thế giới và thế mạnh về vốn, chi phí và quản lý, nên hai nước có nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.

(ix) Tăng cường hợp tác trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Trung Quốc là nước đầu tiên kiểm soát dịch bệnh, có đủ năng lực sản xuất khẩu trang. Trung Quốc và Mỹ tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống dịch, sẽ giúp hàn gắn quan hệ song phương và đóng góp vào cuộc chiến chống dịch bệnh toàn cầu.

(x) Tăng cường hợp tác chống khủng bố. Biden là chuyên gia về chống khủng bố. Hai nước đã có cơ chế hợp tác riêng về lĩnh vực này. Việc khởi động lại hợp tác chống khủng bố có lợi cho an ninh và ổn định hai nước và thế giới.

Về 10 thách thức trong quan hệ Trung-Mỹ

(i) Mỹ sẽ đưa ra nhiều yêu cầu về chuyển giao công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

(ii) Mỹ sẽ tăng cường gây sức ép trong lĩnh vực công nghệ.

(iii) Mỹ sẽ tăng cường liên kết các đồng minh để đối phó với Trung Quốc.

(iv) Mỹ sẽ gây sức ép đối với Trung Quốc thông qua cách làm “truyền thống” như cáo buộc Trung Quốc trợ cấp phi thị trường cho các doanh nghiệp nhà nước.

(v) Mỹ có thể gây sức ép đối với Trung Quốc về vấn đề thao túng tiền tệ.

(vi) Mỹ có thể đưa ra các quy tắc nhằm kiềm chế và phân tách Trung Quốc, như xây dựng quy tắc về kinh tế số, thương mại, đầu tư, v.v.

(vii) Mỹ có thể nới lỏng các hạn chế đối với đầu tư tài chính của các công ty Trung Quốc tại Mỹ, nhưng vẫn tiến hành rà soát an ninh đầu tư và kiềm chế đầu tư của Trung Quốc ra nước ngoài.

(viii) Mỹ can thiệp vào các vấn đề lao động, môi trường và nhân quyền. Đây là cách làm thường thấy của Đảng Dân chủ Mỹ.

(ix) Mỹ sẽ trấn áp Trung Quốc thông qua các biện pháp phòng ngừa truyền thống như an ninh mạng, nhất là về thương mại số.

(x) Về an ninh chính trị, Mỹ sẽ đẩy mạnh can thiệp vào các vấn đề cốt lõi của Trung Quốc như vấn đề Hồng Công, Biển Đông và Đài Loan. Đây là công cụ hữu ích của Đảng Dân chủ, đồng thời cũng là di sản chính trị của Trump, Biden có thể sẽ tiếp tục thực hiện dự luật đã được hai đảng thông qua với số phiếu cao.

Giải pháp tăng cường quan hệ Trung-Mỹ

Trung Quốc cần phải làm tốt công việc của mình, nắm chắc tinh thần của Phiên họp Hội nghị Trung ương 5 khóa 19, kiên trì quán triệt thực hiện Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021-2025) và các mục tiêu dài hạn đến năm 2035.

Về chiến lược bao vây của Mỹ, Trung Quốc cần thực hiện chiến lược “hợp tung liên hoành”. Một mặt, cần tăng cường hợp tác với Mỹ, khởi động lại đối thoại, hợp tác trên các mặt. Mặt khác, Trung Quốc cũng cần nỗ lực tối đa tránh xung đột với Mỹ. Hai nước cần tìm kiếm điểm chung gác lại bất đồng, cần tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực.

Quan hệ Trung-Mỹ là quan hệ song phương rất quan trọng, nhưng không phải là quan hệ duy nhất. Trung Quốc cần tăng cường hợp tác song phương và đa phương với châu Âu, ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Phi. Điều quan trọng là cần tăng cường hợp tác với các nước xây dựng “Vành đai và Con đường” với chất lượng cao. Không nên viện lý do dịch bệnh để ngừng hay thu hẹp việc này mà ngược lại, Trung Quốc cần tăng cường xây dựng “Vành đai và Con đường” với chất lượng cao./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here