Tin Kinh tế Bangladesh

0
101
(Bangladesh)
(ảnh minh hoạ)

1. Các doanh nghiệp lo ngại nếu làn sóng thứ hai dịch Covid-19 bùng phát

Những nhà xuất khẩu đã bị ảnh hưởng nặng bởi cuộc khủng hoảng khi các đơn đặt hàng bị hoãn do các nền kinh tế phát triển áp dụng các biện pháp đóng cửa để chế ngự virus. Tương tự, các doanh nghiệp kinh doanh trong nước đã bỏ lỡ gần như tất cả các thời điểm tiêu dùng lớn vì nhu cầu giảm và người dân mất thu nhập. Các nhà xuất khẩu và doanh nghiệp phấn chấn từ tháng 6 do hoạt động kinh tế được cải thiện nhưng sự phục hồi mong manh có thể biến mất nếu đất nước lại bị đợt sóng Covid-19 thứ hai tấn công.

Khi dịch bệnh đạt đỉnh và bắt đầu giảm trong và ngoài nước trong những tháng gần đây, các nền kinh tế trên thế giới mở cửa trở lại, người mua bắt đầu đặt hàng, mang lại hy vọng cho các nhà xuất khẩu.  Thị trường nội địa cũng có đã có sự thay đổi khả quan. Theo một cuộc khảo sát mới, niềm tin giữa các ngành sản xuất và dịch vụ của nước này đã tăng trong tháng 10 nhờ sự phục hồi kinh tế đang diễn ra. Chỉ số Niềm tin Kinh doanh do Mạng lưới Mô hình Kinh tế Nam Á (SANEM) tính toán đã tăng lên 55,24 trong giai đoạn tháng 10 đến tháng 12 so với 51,06 giữa tháng 7 và tháng 9, trên thang điểm từ 0 đến 100, với 100 là mức cao nhất.

Theo dữ liệu mới nhất từ Cục Thống kê Bangladesh cho thấy sự cải thiện này thể hiện rõ ở tất cả các ngành sản xuất chính: quần áo may sẵn, dệt may, da và kỹ thuật da, dược phẩm, bán buôn, bán lẻ, vận tải, công nghệ thông tin và truyền thông và tài chính. Sản lượng trong các ngành công nghiệp chính như đay, dệt, sợi, vải, hàng may mặc, hàng dệt kim, giấy, các sản phẩm dầu mỏ, xi măng, dược phẩm, chè và muối đều tăng trong tháng 6 so với tháng 5.

Nhưng nếu có những đợt lây nhiễm mới ở các khị trường xuất khẩu của Bangladesh, thì sự phục hồi của các nhà xuất khẩu sẽ rất ngắn ngủi. Tương tự, làn sóng lây nhiễm thứ hai ở Bangladesh có thể đồng nghĩa với việc quay trở lại các biện pháp ngăn chặn và nếu điều này xẩy ra có thể kéo hoạt động kinh tế tụt xuống lần thứ hai trong vòng chưa đầy 8 tháng. Theo Shams Mahmud, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Dhaka (DCCI)  “Đối với Bangladesh, một làn sóng thứ hai, nếu điều đó xảy ra, sẽ là một thảm họa”.

Ngành hàng may mặc, chiếm hơn 80% thu nhập xuất khẩu, đang trên đà phục hồi về khối lượng trong hai hoặc ba tháng qua mặc dù ở mức giá thấp. Rubana Huq, chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất và xuất khẩu hàng may mặc Bangladesh cho rằng “Với làn sóng thứ hai ở các nước phương Tây, người mua có thể giảm đặt hàng mới”. “Điều này có nghĩa là các nhà máy, vốn đã ở trong tình trạng tài chính yếu kém, có thể hoạt động cầm chừng. Rất khó khăn cho ngành”.

Số  liệu chính thức cho thấy, xuất khẩu hàng hóa của Bangladesh giảm 4,08% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 2,94 tỷ USD trong tháng 10 do sự phục hồi chậm đơn đặt hàng may mặc do ảnh hưởng của đại dịch.

Md Saiful Islam, Chủ tịch Hiệp hội các nhà sản xuất & xuất khẩu đồ da và giày dép của Bangladesh, cho biết một số quốc gia trong Liên minh châu Âu, điểm đến xuất khẩu lớn nhất cho các sản phẩm da và giày dép của Bangladesh, đã bắt đầu làn sóng thứ hai. “Ngành sản xuất của chúng tôi sẽ phải đối mặt với  ảnh hưởng của đợt thứ hai, cho dù Bangladesh chưa xuất hiện làn sóng thứ 2”. Ông cho biết giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 12 được cho là mùa bán hàng ở hầu hết các thị trường xuất khẩu của Bangladesh. Nếu làn sóng thứ hai tác động mạnh đến các quốc gia này sẽ dẫn đến các đơn đặt hàng xuất khẩu bị chậm lại, trì hoãn hoặc thậm chí hủy bỏ như đã thấy ở thời kỳ đỉnh cao của làn sóng đầu tiên.

Cũng theo ông Islam, nếu các quốc gia như Trung Quốc phải đối mặt với làn sóng thứ hai, chuỗi cung ứng và nhập khẩu sẽ phải đối mặt với sự gián đoạn nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các ngành sản xuất định hướng xuất khẩu của Bangladesh.

Abdul Muktadir, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Incepta Pharmaceuticals, cho biết nếu biện pháp phong tỏa được áp dụng khi xảy ra làn sóng thứ hai ở Bangladesh, các doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại nặng. Ông nói nếu chính phủ có thể đảm bảo rằng mọi người đều đeo khẩu trang thì sẽ không có làn sóng thứ hai ở Bangladesh. Ông kêu gọi chính phủ thực thi nghiêm biện pháp bắt buộc sử dụng khẩu trang và duy trì các quy trình y tế .

Chủ tịch DCCI Shams Mahmud cho biết các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ đã không nhận được sự hỗ trợ mà họ cần và gặp nhiều khó khăn để tồn tại. Các doanh nghiệp quy mô nhỏ đã bỏ lỡ việc kinh doanh trong dịp lễ Pahela Baishakh và Eid-ul-Fitr và doanh số bán hàng giảm trong dịp lễ Eid-ul-Azha. Nhiều người không  vay  được  ngân hàng và đã phải vay nặng lãi với lãi suất cao hơn. Ông đề nghị cần hỗ trợ ngay các doanh nghiệp quy mô nhỏ. Nếu không, việc tạo việc làm mới, đảm bảo an ninh tài chính cho những người thuộc khu vực phi chính thức và quyền cho phụ nữ đều sẽ gặp phải trở ngại. Ông Mahmud đề nghị chính phủ kéo các phương tiện truyền thông tham gia nâng cao nhận thức của người dân trong thời điểm này.

2. Các công ty Bangladesh gặp gỡ 100 doanh nghiệp Nhật Bản

Một hội thảo kinh doanh trực tuyến diễn ra từ 11-30/11 giữa 24 công ty Bangladesh và khoảng 100 công ty Nhật Bản nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm. Hội thảo tập trung vào triển vọng kinh doanh hiện tại của Bangladesh cũng như môi trường kinh doanh Bangladesh đối với các công ty Nhật Bản.

Trong sự kiện này, 24 công ty Bangladesh quan tâm đến quan hệ đối tác kinh doanh với các công ty Nhật Bản sẽ giới thiệu về hoạt động kinh doanh của mình để hợp tác với các công ty Nhật Bản trong các lĩnh vực năng lượng, ô tô, xây dựng, hậu cần, dệt may, da & hàng da, kiểm tra chất lượng, tư vấn quản lý, tư vấn dịch vụ đầu tư và giáo dục với đối tác Nhật Bản.

Các công ty tham gia là, Agni Systems, Allianz Group, Altum Infratech, Arcvil Design & Development, Ark Consult & Engineering, Bristy Fashion, Conveyor Group, Dysin – Chem, Islam Aftab Kamrul & Co. (IAK), Bahon Ltd, Jennys Shoes, JAMS Developments, Mazada Consortium, MKK Logistics, N Mohammad Group, Neo Zipper, New Vision, Purba Agro & Dairy Products, Pacific Quality Control, Shamsher Rezia Fashions, Salma Group, Shanta Garments, UHM Limited.

Trước đó, HAISON International Ltd, một công ty tư vấn & quản lý đầu tư của Bangladesh phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO), Tokyo và Phòng Thương mại & Công nghiệp Nhật Bản-Bangladesh (JBCCI) đã tổ chức hội thảo trực tuyến “Nhà đầu tư B2B Nhật Bản 2020”. Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (JETRO), Ủy ban Hợp tác Nhật Bản-Bangladesh, Trung tâm Trao đổi Nghiên cứu Thái Bình Dương đã hỗ trợ chương trình. Hơn 380 công ty Nhật Bản bao gồm nhiều công ty nổi tiếng đã tham gia hội thảo trên.

3. Các quy định hải quan mới của Ấn Độ gây khó khăn cho xuất khẩu của Bangladesh

Quy định mới của Ấn Độ về việc xác định quốc gia xuất xứ của một sản phẩm sẽ làm ảnh hưởng đến xuất khẩu của Bangladesh sang Ấn Độ và làm giảm nỗ lực thu hẹp sự mất cân bằng thương mại giữa hai nước láng giềng. Ý kiến này được đưa ra sau khi chính quyền Ấn Độ thông báo Quy tắc Hải quan (Quản lý Quy tắc Xuất xứ theo Hiệp định Thương mại), ban hành tháng 8/2020. Động thái này sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu của Bangladesh sang Ấn Độ – quốc gia có thặng dư 4,68 tỷ USD, trong thời điểm mà xuất khẩu của Bangladesh sang nước láng giềng đang dần tăng lên.

Sau khi nhận được thông báo, Bộ Thương mại đã trao đổi ý kiến với Ủy ban Thương mại và Thuế quan Bangladesh (BTTC) và Cục Xúc tiến Xuất khẩu (EPB). Cả hai cơ quan này đều cho rằng quy tắc xuất xứ (R/O) của Ấn Độ không nhất quán với các hiệp định thương mại, đặc biệt là hiệp ước về Khu vực mậu dịch tự do Nam Á (SAFTA). BTTC đã xem xét kỹ lưỡng quy tắc mới so với RoO và Quy trình chứng nhận hoạt động (OCP) của SAFTA, và BTTC nhận thấy rằng một số điều khoản quy định mới của Ấn Độ mâu thuẫn với quy định của SAFTA.

SAFTA, bao gồm 8 thành viên của SAARC, có hiệu lực vào tháng 01 năm 2006 nhằm tăng cường thương mại nội khối ở Nam Á, chiếm khoảng 5% tổng thương mại của khu vực. Theo SAFTA, hầu hết hàng hóa xuất khẩu từ các nước kém phát triển nhất, bao gồm cả Bangladesh, được nhập miễn thuế vào Ấn Độ dựa trên một tài liệu được gọi là chứng nhận xuất xứ (C/O). Giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước của nước xuất khẩu xác nhận nước xuất xứ của sản phẩm. Trong trường hợp của Bangladesh, Cục Xúc tiến Xuất khẩu (EPB) sẽ cấp C/O.

Các biện pháp theo quy định mới của Ấn Độ cho phép cơ quan hải quan của Ấn Độ tìm kiếm thông tin để kiểm tra giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước của nước xuất khẩu cấp. Các quan chức của Bộ Thương mại Bangladesh cho biết điều này cho thấy sự thiếu sự tin tưởng.

Một điều khoản khác trong các quy tắc mới của Ấn Độ quy định các quan chức hải quan có thể từ chối yêu cầu áp dụng thuế suất ưu đãi nếu một C/O đã hết hiệu lực. Tuy nhiên, BTTC cho biết có một điều khoản trong OCP trong SAFTA quy định rằng chứng chỉ vẫn có thể được chấp nhận ngay cả khi hết thời hạn hiệu lực nếu có nguyên nhân nằm ngoài tầm kiểm soát của các nhà xuất khẩu.

Một điều khoản khác yêu cầu các nhà nhập khẩu Ấn Độ phải có tài liệu hỗ trợ thông tin cho RoO trong vòng 5 năm. BTTC cho biết hầu hết các thông tin đã có trong C/O  do cơ quan của nước xuất khẩu cấp cùng một số thông tin và tài liệu hỗ trợ khác. BTTC cho biết cả R/O và OCP trong SAFTA đều không yêu cầu các nhà xuất khẩu hoặc cơ quan cấp C/O gửi những thông tin này cho các nhà nhập khẩu; nếu có theo yêu cầu của nhà nhập khẩu thì phải đảm bảo tính bảo mật. Do đó, quy định của Ấn Độ như vậy là một sự rời bỏ hoàn toàn khỏi RoO và OCP trong SAFTA.

Trong quy tắc mới của Ấn Độ có một điều khoản bắt buộc cơ quan cấp C/O phải cung cấp thông tin theo yêu cầu. BTTC cho biết điều khoản này làm ảnh hưởng đến địa vị của các cơ quan quản lý nhà nước của các nước xuất khẩu. Các quy định như vậy là vi phạm hoàn toàn R/O và OCP trong SAFTA, và nhằm hạn chế nhập khẩu theo SAFTA. BTTC đề nghị chính phủ yêu cầu Ấn Độ rút lại các quy tắc mới này.

EPB cho biết các quy định mới trao cho cơ quan hải quan quyền từ chối áp dụng thuế quan ưu đãi cho các nhà xuất khẩu và nhập khẩu và sẽ đặt các nhà xuất khẩu vào tình thế bất lợi. Do đó, xuất khẩu của Bangladesh sang Ấn Độ có thể giảm.

Bangladesh đã xuất khẩu hàng hóa trị giá 1,09 tỷ USD sang Ấn Độ và nhập khẩu hàng hóa trị giá 5,77 tỷ USD trong năm tài chính 2019-20. Khoảng cách thương mại có thể gia tăng do các quy định mới.

Bộ Thương mại Bangladesh cho biết sẽ ngồi với các bên liên quan, đặc biệt là các  doanh nghiệp để nghe ý kiến của họ.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here