Thứ trưởng Thường trực Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về Toàn cầu hóa

0
105
Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ Trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Chủ tịch SOM APEC 2017, Thứ Trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Bản tin APEC, trước thềm Hội nghị quan chức cao cấp APEC lần thứ hai (SOM II) diễn ra từ ngày 9/5 đến 21/5, Thứ Trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã nói về những bài học của Việt Nam về hội nhập, đổi mới và thương mại. Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết nối giữa các nền kinh tế để có thể cùng hỗ trợ nhau và cùng hưởng lợi. Đây cũng là trọng tâm hoạt động của các nền kinh tế APEC trong năm Việt Nam làm Chủ tịch. Khi nói về vấn đề giảm thiểu các thách thức đang nổi lên trong quá trình hội nhập kinh tế và thương mại ở khu vực và thế giới, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, “để vượt qua những thách thức mới, APEC sẽ phải tiếp tục giữ vững vai trò là một diễn đàn của hệ thống thương mại tự do và mở”.

Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đánh giá thế nào về xu hướng toàn cầu hoá và thương mại trong khu vực châu Á Thái Bình Dương? 

Hiện tăng trưởng kinh tế toàn cầu và khu vực còn chậm. Đầu tư bị ảnh hưởng và có ý kiến cho rằng, lợi ích của toàn cầu hoá đã không được phân phối đồng đều giữa các nhóm khác nhau trong các nền kinh tế. Tuy nhiên, những tín hiệu tích cực và sự phát triển vẫn hiện hữu, giúp chúng ta có một cái nhìn lạc quan hơn về xu hướng toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế.

Thưa Thứ trưởng, Việt Nam đã xử lý thế nào với mong muốn tối ưu hóa lợi ích từ toàn cầu hóa, APEC đóng vai trò thế nào trong vấn đề này trong năm Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch APEC?

Chúng ta đang đối mặt với một thời kỳ đầy thách thức, không chỉ với APEC mà còn với các tổ chức quốc tế khác, bao gồm cả Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Những thách thức này xuất phát từ sự hoài nghi về những lợi ích mà toàn cầu hoá có thể mang lại cho người dân. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ với các thành viên của APEC để cùng hướng tới chủ đề của năm nay là “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”. Cụm từ “tương lại chung” trong chủ đề này hàm ý rằng bất cứ ai trong mọi nền kinh tế đều có thể hưởng lợi từ quá trình này.

Với chủ đề này, chúng tôi đang thực hiện 4 ưu tiên quan trọng trong APEC. Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm. Thứ hai là tiếp tục tăng cường hội nhập kinh tế. Thứ ba là tạo ra một môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, vốn đang chiếm tới 97% các doanh nghiệp trong khu vực. Cuối cùng đó là phát triển nông nghiệp bền vững để ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực tế cho thấy, bất cứ khi nào có sự bất ổn trong nền kinh tế thế giới, nông nghiệp luôn là vấn đề quan trọng.

Cho đến nay, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ rất tích cực từ các nền kinh tế thành viên APEC. Tôi nghĩ rằng, chúng ta có thể tự tin để tiếp tục có những bước đi đúng đắn giải quyết tốt những thách thức này.

Theo Thứ trưởng, chúng ta có thể làm gì để giảm thiểu các thách thức đang nổi lên trong quá trình hội nhập kinh tế và thương mại ở khu vực?

APEC từ lâu đã là một vườn ươm các ý tưởng mới về tự do và mở cửa thị trường thương mại – đầu tư. Đây cũng là diễn đàn tiên phong trong việc thúc đẩy hội nhập khu vực và hỗ trợ cho vay vốn đối với các hệ thống thương mại đa biên. Điều này rất quan trọng. Để vượt qua những thách thức mới, APEC sẽ phải tiếp tục giữ vững vai trò như một diễn đàn của hệ thống thương mại tự do và mở. Câu hỏi đặt ra là, chúng ta có thể làm điều đó như thế nào?

Cuộc họp của các Lãnh đạo cấp cao APEC tại Đà Nẵng vào tháng 11 tới, cũng như các cuộc họp cấp Bộ trưởng trước đó, có thể gửi tới thế giới cam kết mạnh mẽ của chúng tôi trong việc mở cửa và cải thiện thị trường thương mại tự do trong khu vực, để mang lại lợi ích công bằng hơn cho mọi người. Chúng tôi cũng có thể hợp tác chặt chẽ hơn để xây dựng các kế hoạch, chính sách cụ thể và các sáng kiến ​​nhằm thúc đẩy tiến trình này.

Điều này bao gồm việc đẩy nhanh tiến trình thực hiện Mục tiêu Bogor về tự do thương mại và đầu tư trong APEC vào năm 2020, và xây dựng một cộng đồng khu vực rộng lớn hơn để giải quyết những thách thức chung về kinh tế và xã hội. Xa hơn, đây là thời điểm để chúng ta cùng nhau xây dựng tầm nhìn cho APEC sau năm 2020, tạo đà đóng góp vào sự tăng trưởng dài hạn và mức sống tốt hơn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Vậy, APEC có phải là một tổ chức đáng tin cậy để thực hiện các cam kết đặt ra, trong khi các tổ chức trên thế giới đang ngày càng đánh mất lòng tin và bị soi xét nhiều hơn?

Về bản chất, APEC là một diễn đàn tự nguyện và cùng hưởng lợi ích. Chính vì vậy, tất cả các nền kinh tế thành viên đều tự nguyện hợp tác về các chính sách kinh tế, thương mại và có phạm vi rộng hơn để sáng tạo. Chẳng hạn, chúng ta đang cùng nhau chia sẻ rất nhiều quan điểm để đẩy mạnh hiện thực hóa Khu vực thương mại tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP). Với các nguyên tắc tự nguyện, không ràng buộc và dựa trên sự đồng thuận của APEC, tất cả thành viên đều có thể tham gia nếu như họ muốn. Những lợi ích mà APEC mang lại cho từng nền kinh tế thành viên cho đến nay sẽ là nền tảng để tăng cường sự hợp tác giữa các thành viên để duy trì và xây dựng vai trò của APEC trong bối cảnh mới.

Việt Nam mong muốn điều gì khi đảm nhiệm vai trò chủ nhà năm APEC 2017?

Nếu như các nhà lãnh đạo khu vực đều có mặt ở Hội nghị Cấp cao APEC tại Đà Nẵng và khẳng định sự ủng hộ của họ đối với một khu vực thương mại và đầu tư tự do cho tất cả thành viên, đó chính là một thành công mà Việt Nam mong muốn đạt được. Nếu trước đó, các Ủy ban, Tiểu ban của APEC, cùng các quan chức cao cấp và các Bộ trưởng có thể đưa ra các giải pháp chính sách phù hợp với trọng tâm như đã được nêu trong các lĩnh vực hợp tác ưu tiên, mà chúng tôi đã cùng đặt ra trong năm nay, sẽ đẩy nhanh tiến độ làm việc của APEC.

Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu gì cho APEC và đang thực hiện như thế nào để đạt được những mục tiêu đó?

Có một số kết quả mà chúng tôi mong muốn đạt được trong nhiệm kỳ là chủ nhà APEC 2017. Thứ nhất, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chiến lược và chính sách trong APEC mà các Lãnh đạo cấp cao và Bộ trưởng của chúng tôi đã thông qua.

Thứ hai, chúng tôi phát triển các sáng kiến ​​để tiếp tục khai thác tiềm năng của nền kinh tế, cũng như cải thiện cuộc sống và sinh kế cho người dân. Chẳng hạn, thúc đẩy sự phát triển xanh, bền vững và sáng tạo của khu vực doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, bằng cách tạo khuôn khổ phù hợp để họ có được một môi trường cạnh tranh hơn, cơ hội phát triển tốt hơn, tạo công ăn việc làm, cũng như môi trường sống sạch hơn và lành mạnh hơn. Đó là một kết quả quan trọng đối với chúng tôi.

Theo đó, chúng tôi muốn hợp tác với APEC để tăng cường hơn các vấn đề hòa nhập và tính bền vững của tăng trưởng, từ đó đưa các lợi ích của công cuộc hội nhập, toàn cầu hoá được phân bổ đồng đều giữa các nền kinh tế và mỗi bộ phận trong xã hội.

Cuối cùng, không còn nhiều thời gian nữa là tới năm mục tiêu 2020 và Việt Nam không chỉ muốn đẩy nhanh những dự án chưa hoàn thành để hướng tới Mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư, mà còn phải nhanh chóng đề ra lộ trình phát triển chi tiết cho khu vực sau năm 2020. Đây cũng là một kết quả mà chúng tôi mong muốn đạt được cho APEC trong năm nay.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

PV.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here