Kinh tế Venezuela

0
59
(Internet)
(Internet)

1. Repsol nhắm đến việc mua dầu thô của Canada trong bối cảnh Mỹ tăng cường trừng phạt đối với Venezuela

Repsol của Tây Ban Nha là một trong những khách hàng mua dầu thô lớn từ Công ty Dầu khí Nhà nước Venezuela (PDVSA) cũng như của khu vực Mỹ La tinh, Repsol là đối tác lớn nhất của Mexico và lớn thứ ba của Venezuela trong năm 2020 ( sản lượng giao dịch trung bình 30.000 thùng/ngày).

Trong bối cảnh chính phủ của Tổng thống Donald Trump tăng cường lệnh trừng phạt bằng cách cấm các đối tác giao dịch dầu thô với PDVSA kể cả các giao dịch đổi dầu thô lấy dầu diesel và không trực tiếp mang lại ngoại tệ cho Venezuela. Công ty này được cho là đang xem xét việc chuyển sang mua dầu nặng của Canada với số lượng 2 triệu thùng dầu mỗi tháng.

Bên cạnh đó, Repsol cũng đang đàm phán với Petróleos Mexicanos của Mexico để đạt được các điều khoản cung cấp 6 triệu thùng dầu nặng Maya mỗi tháng cho các nhà máy lọc dầu của Repsol tại Tây Ban Nha trong năm 2021. Các nhà máy lọc dầu ở Châu Âu mua tới 25% sản lượng dầu thô nặng của các nước Mỹ La tinh, cho phép họ chế biến dầu thô nặng (thường có giá thành rẻ hơn dầu nhẹ) thành nhiên liệu có giá trị cao như xăng và dầu diesel.

Như vậy, 02 khách hàng lớn của PDVSA là Repsol và mới đây Reliance Industries Ltd của Ấn Độ (đã ký một thỏa thuận giao dịch có thời hạn 6 tháng với Canada) đều đã chuyển sang mua dầu thô nặng của Canada trong thời gian gần đây thay vì Venezuela, điều này càng đẩy ngành công nghiệp dầu mỏ của Venezuela lún sâu thêm vào khủng hoảng.

2. Kết quả khảo sát về tương lai của các công ty Mỹ ở Venezuela

Phòng Thương mại Hoa Kỳ mới đây đã thực hiện cuộc khảo sát tại bang Florida, nơi có đa số cộng đồng Venezuela sinh sống tại Mỹ với mục tiêu “hiểu rõ hơn về quan điểm đối với cuộc khủng hoảng ở Venezuela”. Kết quả cho thấy 42% đồng ý rằng các công ty Mỹ tiếp tục hoạt động ở Venezuela (kể cả trong lĩnh vực dầu mỏ), 30% cho biết các doanh nghiệp Mỹ nên hoạt động nhưng không phải trong lĩnh vực dầu mỏ và 28% cho biết các doanh nghiệp Mỹ nên rời khỏi Venezuela.

Đối với cộng đồng Venezuela, 89% ủng hộ các công ty Mỹ hoạt động ở Venezuela và tin rằng các công ty này sẽ là chìa khóa để vực dậy nền kinh tế của quốc gia Nam Mỹ. Các công ty Mỹ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế Venezuela vì cung cấp các công việc được trả lương cao, đầu tư vào sự phát triển của cộng đồng địa phương và đáp ứng nhu cầu về sức khỏe và dinh dưỡng của người Venezuela thông qua quan hệ đối tác với các bệnh viện và các tổ chức viện trợ Mỹ và quốc tế. Việc các công ty Mỹ rời khỏi Venezuela sẽ làm chậm sự phục hồi kinh tế, đồng thời cho phép các đối thủ cạnh tranh của Mỹ lấp đầy khoảng trống.

Đối với cộng đồng Mỹ gốc Cuba, 80% ủng hộ các công ty Mỹ hoạt động ở Venezuela.

Vào tháng 4/2020, Tổng thống Donald Trump đã ra lệnh cho Chevron, công ty dầu khí cuối cùng của Mỹ hoạt động tại Venezuela, đóng cửa các hoạt động của mình tại quốc gia Nam Mỹ. Hạn chót là ngày 01/12/2020, là thời điểm giấy phép hoạt động của Chevron tại Venezuela hết hạn.

Bộ Tư Pháp Mỹ mới đây cho biết Chính phủ Mỹ sẽ sử dụng số tiền bán số nhiên liệu Mỹ đã tịch thu từ các tàu chở dầu từ Iran vận chuyển tới Venezuela trong tháng 8/2020 để hỗ trợ các nạn nhân của khủng bố. Số tiền trị giá 40 triệu USD, thu được từ việc bán 1,1 triệu thùng xăng, dầu diesel và các sản phẩm tinh chế khác từ các tàu vận tải Bella, Bering, Luna và Pandi mang cờ Liberia và thuộc sở hữu của Hy Lạp.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here