Tin Kinh tế Thuỵ Điển

0
62
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

1. Oxford Economics nâng dự báo GDP năm 2020 của Thụy Điển

Chỉ số PMI công nghiệp Thụy Điển tháng 10 tiếp tục tăng cho thấy dấu hiệu kết thúc năm 2020 tốt hơn, cơ sở để Oxford Economics nâng dự báo GDP của Thụy Điển năm nay lên mức -3,4% so với mức -4,0% trước đó. Tuy nhiên, Oxford Economics đồng thời hạ dự báo cho năm 2021 xuống còn 2,9% so với mức 3,5% trước đó trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang xấu đi ở châu Âu.

Cụ thể: Chỉ số PMI công nghiệp Thụy Điển tăng tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng 10 lên 58,2 điểm, mức cao nhất kể từ đầu năm 2018. Oxford Economics bình luận trong Bản tin Thị trường: sự gia tăng trong tháng 10 khẳng định sự phục hồi của ngành công nghiệp vượt qua sự phục hồi cơ học sang một giai đoạn mạnh hơn, chứng tỏ sự phục hồi sản xuất mạnh mẽ trong Quý 3 sẽ tiếp tục trong Quý 4. Tuy nhiên, Oxford Economics cảnh báo cần thận trọng hơn trong tương lai, bởi làn sóng dịch bệnh đang lây lan nhanh và nhiều hạn chế nghiêm ngặt hơn được áp đặt ở châu Âu. Mặc dù khu vực công nghiệp không mấy liên quan tới điều này, nhưng có nguy cơ rõ ràng là nhu cầu yếu đi cùng với bất ổn gia tăng có thể dẫn đến sự suy giảm tăng trưởng thương mại.

2. Phá sản giảm mạnh, tốt hơn nhiều so với dự báo

Các vụ phá sản ở Thụy Điển tiếp tục giảm với sự trợ giúp của các biện pháp hỗ trợ của chính phủ, trong khi các công ty chống lại việc giảm doanh số với chi phí thấp hơn. Richard Damberg, nhà kinh tế tại UC, cho biết, tình hình phá sản tốt hơn nhiều so với những gì chúng ta có thể dự báo vào đầu năm nay. Số liệu thống kê của UC đối với tháng 10 cho thấy tỷ lệ phá sản giảm 36% so với cùng tháng năm ngoái. Trong 10 tháng đầu năm, tỷ lệ phá sản đã giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái, bất chấp đại dịch.

Các biện pháp hỗ trợ của chính phủ như khả năng sa thải nhân viên trong thời gian ngắn và nhà nước nhận trách nhiệm trả lương khi ốm đau đã có những đóng góp mạnh mẽ. Vào mùa xuân, các vụ phá sản tăng mạnh, đặc biệt là trong ngành thương mại bán lẻ và trong các khách sạn và nhà hàng. Richard Damberg nhận xét, các vụ phá sản tiếp tục giảm mạnh ở hầu hết các ngành, ngay cả lĩnh vực nhà hàng cũng đang trải qua một sự thay đổi tạm thời. Mặc dù nhiều công ty đã có doanh thu giảm mạnh, nhưng họ đã có thể vượt qua điều này với chi phí giảm.

Ngành vận tải vẫn đang phải đối diện với khó khăn. Các vụ phá sản trong lĩnh vực này tăng 11% so với tháng 10 năm ngoái, hoặc tăng 26% so với đầu năm, tương đương 1,1% tổng số công ty trong ngành bị phá sản. UC chỉ ra rằng lĩnh vực vận tải thường có khả năng sinh lời thấp và ít có khả năng chống lại giảm chuyến.

Trong ngành bán lẻ, tỷ lệ phá sản giảm 19% trong tháng 10; tuy nhiên, ngành này sẽ gặp rủi ro vì phải chịu tác động của các hạn chế mới được công bố vào ngày 30/10 áp dụng với Stockholm, Västra Götaland và Östergötland. Theo Richard Damberg, ngay cả trước đại dịch, bán lẻ đã bị ảnh hưởng mạnh bởi số hóa, tỷ suất lợi nhuận thấp, hàng loạt cửa hàng phải đóng cửa. Đại dịch tới, các nhóm khách hành mới đã học cách mua sắm trực tuyến và những thói quen này có thể sẽ tiếp tục trong tương lai. Các trung tâm thương mại sẽ một lần nữa vắng khách khi áp đặt các hạn chế nghiêm ngặt hơn. Do đó, rất có thể sẽ gia tăng các vụ phá sản trong lĩnh vực này. Nhìn tổng thể tất cả các ngành, mức độ phá sản đã trở lại như bình thường như thời điểm đầu năm. Những công ty thực sự yếu kém đã bị phá sản vào mùa xuân. Đây cũng là bức tranh chung ở khu vực Bắc Âu, mặc dù nó có thể khác nhau một chút giữa các ngành khác nhau.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here