Những điểm quan trọng trong FTA Trung Quốc-Campuchia

0
829
(Nguồn: 123rf)

Ngày 12/10/2020, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm chính thức Campuchia, cùng chứng kiến hai nước ký kết hiệp định thương mại tự do, từ đó thắt chặt hơn nữa quan hệ song phương.

Hiệp định mới được Trung Quốc và Campuchia ký kết bao gồm các lĩnh vực như thương mại, du lịch, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại điện tử, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật… (Nguồn: 123rf)

6 tháng và 3 vòng đàm phán

Theo The Observer, Hiệp định mới được Trung Quốc và Campuchia ký kết bao gồm các lĩnh vực như thương mại, du lịch, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại điện tử, đầu tư, hợp tác kinh tế và kỹ thuật… Do Campuchia là thành viên của Khu vực thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, nên hầu hết hàng hóa xuất khẩu của nước này sang Trung Quốc đều được miễn thuế. Hiệp định này còn đưa 340 sản phẩm khác vào danh sách miễn thuế, bao gồm ớt tươi, ớt khô, hạt điều, tỏi, mật ong, thủy hải sản…, khiến tỷ lệ các mặt hàng được Trung Quốc miễn thuế cho Campuchia lên đến 97,53%.

Các mặt hàng của Campuchia được hưởng thuế bằng 0 chiếm 90% trong toàn bộ danh mục thuế. Các loại hàng hóa mà Trung Quốc chú trọng như nguyên liệu và sản phẩm dệt may, sản phẩm điện máy, sản phẩm kim loại và phương tiện giao thông, đều được Campuchia đưa vào danh sách giảm thuế. Đây là mức cao nhất trong tất cả các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do giữa hai bên từ trước đến nay.

Hiện nay, Campuchia xuất khẩu hơn 10.000 loại sản phẩm sang Trung Quốc và Trung Quốc xuất khẩu hơn 8.000 loại sản phẩm sang Campuchia. Số liệu của Đại sứ quán Trung Quốc tại Phnom Penh cho thấy kim ngạch thương mại giữa hai nước trong năm 2019 là 9,42 tỷ USD, tăng 27,29% so với 7,4 tỷ USD năm 2018. Dự tính tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ đạt 10 tỷ USD vào năm 2023.

Quá trình đàm phán hiệp định thương mại tự do này diễn ra nhanh chóng. Cuối năm 2019, Trung Quốc và Campuchia hoàn thành việc nghiên cứu tính khả thi của tiến trình đàm phán thương mại tự do và đề xuất khởi động đàm phán. Sau đó, vòng đàm phán đầu tiên được khởi động vào tháng 1/2020, và chỉ sau 6 tháng với ba vòng đàm phán, hiệp định đã hoàn tất trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát. Ngày 20/7, tiến trình đàm phán hiệp định thương mại tự do hoàn tất, đây có thể coi là hình mẫu hợp tác thiết thực và hiệu quả cao giữa các nước.

Thông thường, tiến trình đàm phán một hiệp định thương mại tự do thường kéo dài, có thể lên đến 18 tháng. Việc Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Campuchia có tiến độ nhanh chóng là do kim ngạch thương mại giữa hai nước tương đối nhỏ, điều đó cũng khiến tiến trình đàm phán dễ dàng hơn, nhưng lý do quan trọng nhất là vẫn là nhờ có sự ủng hộ và thúc đẩy mạnh mẽ của lãnh đạo hai nước.

Hành động hỗ trợ của Trung Quốc 

Hiệp định này có ý nghĩa quan trọng đối với cả Trung Quốc và Campuchia. Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, việc hiệp định này được ký kết đánh dấu quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cùng xây dựng một cộng đồng chung vận mệnh Trung Quốc-Campuchia và hợp tác “Vành đai và Con đường” giữa hai nước bước vào thời kỳ mới.

Đây là hiệp định thương mại tự do thứ 18 mà Trung Quốc ký với bên ngoài, cũng là hiệp định thương mại tự do đầu tiên được Trung Quốc ký kết sau khi dịch COVID-19 bùng phát và là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Campuchia ký kết với nước ngoài. Việc hiệp định này được ký kết đã phát đi một tín hiệu mạnh mẽ và là một liều thuốc bổ trợ mạnh cho nền kinh tế Campuchia.

Do tác động của đại dịch COVID-19, nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu của Campuchia đã bị tổn thất nặng nề. Ngân hàng thế giới (WB) dự đoán kinh tế Campuchia trong năm 2020 sẽ trải qua thời kỳ tồi tệ nhất kể từ năm 1994, sẽ giảm từ 1%-2,9%; Ngân hàng phát triển châu Á thậm chí còn đưa ra dự báo tồi tệ hơn: giảm 5,5%. Ngày 12/8/2020, lấy lý do nhân quyền và dân chủ bị suy giảm, Liên minh châu Âu (EU) đã rút một phần ưu đãi thuế quan cấp cho Campuchia theo chương trình ưu đãi Mọi thứ trừ vũ khí (EBA), khoảng 20% hàng hóa xuất khẩu của Campuchia sang EU (trị giá khoảng 1 tỷ euro) sẽ lập tức bị áp thuế bổ sung.

Việc đạt được hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc vào thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng đối với Campuchia. Các phương tiện truyền thông chính thống của phương Tây cho rằng động thái này của EU chẳng khác gì đang đẩy Campuchia vào vòng tay Trung Quốc. Người phát ngôn của Thủ tướng Campuchia Eang Sophalleth cho biết Thủ tướng Hun Sen ban đầu dự định ký Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Campuchia vào ngày 12/8 – ngày EU bắt đầu tiếp tục áp thuế bổ sung, nhưng sau đó đã phải hoãn lại. Eang Sophalleth nói thêm rằng sau khi thỏa thuận được ký kết, Hun Sen cho biết: “Một ngày nào đó vị thế của EBA sẽ biến mất, nhưng hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc sẽ luôn tồn tại”. Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Campuchia không chỉ là liều thuốc bổ trợ mạnh để khôi phục niềm tin, mà còn có lợi ích thực sự. Eang Sophalleth nói rằng hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc có thể bù đắp những tổn thất do thuế quan của EU gây ra và tạo động lực cho sự phục hồi của nền kinh tế Campuchia. Điều quan trọng hơn là, việc ký kết hiệp định thương mại tự do với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ giúp Campuchia đa dạng hóa nền kinh tế và giảm sự phụ thuộc vào các đối tác thương mại khác.

Trái ngược với việc các phương tiện truyền thông phương Tây tuyên truyền rằng lợi ích rõ rệt duy nhất của hiệp định này là mở rộng xuất khẩu nông sản của Campuchia, Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Campuchia sẽ là cơ hội để Campuchia nâng cấp ngành nghề và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu trong nước. Tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất hàng may mặc Campuchia (GMAC) Ken Loo nói với tờ Phnom Penh Post: “Hiệp định thương mại tự do với Trung Quốc sẽ kích thích xuất khẩu của Campuchia – không chỉ trong ngành may mặc. Sẽ có nhiều nguồn đầu tư hơn đến từ Trung Quốc. Xuất khẩu của Campuchia sẽ tăng trưởng hơn 20%. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ nhìn thấy nhiều nguồn vốn được đầu tư vào việc cung cấp nguyên liệu cho ngành may mặc, giày dép và các sản phẩm du lịch, sản phẩm điện tử và các ngành nghề khác… Tôi tin rằng các hiệp định thương mại tự do sẽ hỗ trợ cho các ngành nghề khác lớn hơn nhiều so với ngành may mặc”.

Cố vấn cao cấp của Hội đồng kinh tế quốc gia tối cao Campuchia Mey Kalyan nói: “Về lâu dài, hầu hết các nước nhắm vào thị trường Trung Quốc đều sẽ đầu tư vào Campuchia và sau đó xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc”.

Khác với các quốc gia khác, Trung Quốc không coi các đối tác thương mại là cơ sở sản xuất nguyên liệu và nông sản. Ngày 12/10, khi hội đàm với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc muốn tiếp tục tăng cường đầu tư vào Campuchia, giúp nước này phát triển hệ thống công nghiệp và nâng cao năng lực phát triển tự chủ. Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống, hai bên cũng cần mở rộng điểm tăng trưởng mới trong các lĩnh vực mới nổi như trí tuệ nhân tạo, 5G, dữ liệu lớn và điện toán đám mây.

Trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Campuchia Hor Namhong trước đó, Bộ trưởng Vương Nghị tiết lộ Trung Quốc đã phê chuẩn khoản viện trợ không hoàn lại trị giá 950 triệu nhân dân tệ cho Campuchia, những khoản tiền này sẽ được sử dụng để thực hiện các dự án phát triển ưu tiên, bao gồm cáp quang dưới đáy biển từ Sihanoukville đến Hong Kong, dự án cung cấp điện ở nông thôn, hệ thống thủy lợi, thúc đẩy xuất khẩu lúa và gạo, cũng như một loạt dự án xây dựng và mở rộng đường quốc lộ.

Việc Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Campuchia được ký kết sẽ giúp đẩy nhanh sự phát triển của dự án “Vành đai và Con đường” ở Campuchia. Trước đó, Campuchia đã được hưởng lợi nhiều từ hợp tác với Trung Quốc trong khuôn khổ “Vành đai và Con đường”. Sáng kiến này đã đóng góp nhiều cho sự phát triển của Campuchia trên các phương diện như xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và logistics, thương mại và du lịch. Ở một mức độ nhất định, nền kinh tế Campuchia tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây là nhờ được hưởng lợi từ quan hệ song phương vững chắc giữa hai nước.

Lợi cả đôi bên

Hiệp định thương mại tự do Trung Quốc-Campuchia được ký kết không những giúp Campuchia phát triển hòa bình và ổn định, mà còn phù hợp với chiến lược và lợi ích kinh tế của Trung Quốc. Trung Quốc và Campuchia là những người bạn đáng tin cậy và cộng đồng chung vận mệnh, sự phát triển mạnh mẽ của Campuchia đóng vai trò kiểu mẫu tốt đẹp cho các nước Đông Nam Á khác.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, điều này càng được thể hiện rõ: mặc dù đại dịch đã khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái, nhưng trong 8 tháng đầu năm 2020, thương mại Trung Quốc – ASEAN lại tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước, đạt 416,6 tỷ USD, ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong năm 2020. Cho dù là trên phương diện giành được vaccine phòng COVID-19 hay giúp nền kinh tế thời kỳ hậu dịch bệnh vượt qua khó khăn, Trung Quốc đều đang trở thành đối tác quan trọng nhất của các nước Đông Nam Á.

Tuy nhiên, cũng không nên đánh giá thấp ảnh hưởng của các quốc gia khác. Tháng 8/2020, Ngoại trưởng Nhật Bản Toshimitsu Motegi trở thành quan chức cấp cao nước ngoài đầu tiên chính thức đến thăm Campuchia kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Ngày 11/9, Mỹ và 5 nước thuộc hạ lưu sông Mekong (Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam) đã khởi động một khuôn khổ hợp tác đa phương mới. Mỹ còn cung cấp khoản viện trợ giá khoảng 153 triệu USD cho khu vực hạ lưu này.

Trần Quyên

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here