Chiến lược tiền tệ mới trong 5 năm tới của Trung Quốc

0
149
Hiện đã là thời điểm để Bắc Kinh cân nhắc nghiêm túc về việc đưa đồng NDT vào lưu thông nhiều hơn trong thương mại quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Trung Quốc.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) sẽ nỗ lực cải thiện “tính hiệu quả” của đồng nhân dân tệ (NDT).

Hiện đã là thời điểm để Bắc Kinh cân nhắc nghiêm túc về việc đưa đồng NDT vào lưu thông nhiều hơn trong thương mại quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Trung Quốc.

Trên tờ Australian Financial Review, nhà báo chuyên về kinh tế Robert Guy viết, trong vài năm qua, liên tục có các đồn đoán về việc PBoC sẽ mở rộng biên độ giao dịch của đồng NDT lên 3%, nhưng điều đó chưa từng trở thành hiện thực, vì Bắc Kinh luôn giữ vững quan điểm của mình đối với đồng tiền nội địa. Nhưng hiện đã là thời điểm để Bắc Kinh cân nhắc nghiêm túc về việc đưa đồng NDT vào lưu thông nhiều hơn trong thương mại quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Trung Quốc.

Kế hoạch 5 năm tới của Trung Quốc

Những nỗ lực ép buộc của Washington để khiến Trung Quốc phải mua thêm nông sản và năng lượng xuất khẩu từ Mỹ đã tạo ra “sự bất bình” của Bắc Kinh. Tuy nhiên, mọi chuyện không dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tiếp tục có các động thái chặn quyền tiếp cận công nghệ của Trung Quốc, như chip bán dẫn, từ đó đe dọa khả năng hiện đại hóa nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất của cường quốc lớn nhất châu Á. Đây là một bước đi “quá xa”, buộc Bắc Kinh phải tập trung hơn nữa vào kế hoạch xây dựng một nền kinh tế “tự cường” thông qua chiến lược “tuần hoàn kép”, lấy kinh tế nội địa làm trung tâm phát triển ra thế giới.

Một thành phần quan trọng trong chiến lược “tuần hoàn kép” của Trung Quốc là phát triển các thị trường tài chính để thu hút các khoản vốn cần thiết cho quá trình định hình lại nền kinh tế. Khả năng linh hoạt của tiền tệ thường được lựa chọn cải thiện khi thiếu vắng các sáng kiến nhằm mở rộng thị trường vốn của Trung Quốc.

Mặc dù trước đó, Bắc Kinh đã có động thái cho phép mua vào cổ phiếu ở Thượng Hải và Thâm Quyết thông qua thị trường Hong Kong và ra mắt chương trình Kết nối Trái phiếu (BondConnect). Việc đưa trái phiếu và cổ phiếu Trung Quốc vào các chỉ số được theo dõi chặt chẽ sẽ làm gia tăng sự quan tâm của khối ngoại trên thị trường vốn Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn cần hơn nữa các chính sách nhằm thu hút nguồn vốn ngoại tệ chảy vào trong nước và việc nới lỏng “độ linh hoạt” cho đồng NDT sẽ là một giải pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay.

Thực chất trong năm qua, đồng NDT của Trung Quốc không hề “đứng yên”. Đồng tiền này đã giảm xuống mức hơn 7 NDT đổi lấy 1 USD vào thời điểm cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra gay gắt nhất và Bắc Kinh thể hiện quyết tâm “đối đầu”. Tương tự, vào tuần trước, đồng NDT đã bất ngờ tăng lên mức cao nhất kể từ giữa năm 2018, do sự phục hồi kinh tế Trung Quốc đã tạo ra một lực kéo cho đồng tiền này.

Nhưng việc hướng tới một loại tiền tệ thực sự linh hoạt, được điều khiển bởi các lực lượng thị trường thay vì sự quản lý chặt chẽ của PBoC, sẽ là một bước đi quan trọng của Trung Quốc trong việc củng cố uy tín của đồng NDT như một loại tiền tệ toàn cầu chính, thay thế cho đồng USD.

Mục tiêu đưa đồng NDT trở thành đồng tiền thanh toán quốc tế

Ông Yi cho biết PBoC rất muốn cho phép tỷ giá hối đoái đóng một “vai trò tốt hơn” như một bộ “ổn áp tự động” của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhà lãnh đạo PBoC cũng nói rằng PBoC mong muốn giảm các hạn chế cho đồng NDT sử dụng trên thị trường quốc tế, đồng thời cải thiện việc sử dụng đồng tiền này xuyên biên giới.

Với sự phát triển và tăng trưởng nhanh chóng trong các hợp đồng hàng hóa thanh toán bằng đồng NDT, sự sẵn sàng thúc đẩy sử dụng đồng NDT nhiều hơn trong thương mại toàn cầu cho thấy nhiều hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tương lai sẽ được thực hiện bằng đồng tiền nội địa thay vì sử dụng đồng bạc xanh.

Trong bối cảnh đó, điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động kinh doanh của Australia. Trong năm nay, các tập đoàn khai khoáng lớn của “Xứ sở chuột túi” như BHP, Rio Tinto và Forrtescue Metals Group đều đã bán một lượng nhỏ quặng sắt cho các nhà máy thép của Trung Quốc thông qua các hợp đồng có điều khoản thanh toán bằng đồng NDT.

Việc các công ty Trung Quốc định giá hàng hóa nhập khẩu bằng đồng NDT thay vì giao dịch bằng đồng USD là hợp lý. Do căng thẳng địa chính trị gia tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đây được xem là một chiến lược thông minh của Bắc Kinh để giảm sự phụ thuộc vào đồng tiền tệ của đối thủ cạnh tranh lớn trong thương mại toàn cầu.

Trong quá khứ, Chính phủ Mỹ từng áp dụng chính sách đồng USD mạnh như một biểu tượng cho uy tín của đồng bạc xanh với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu. Bằng cách đưa đồng NDT vào giỏ tiền tệ quốc tế và từng bước quốc tế hóa đồng tiền này, Bắc Kinh đang cho thấy quyết tâm thúc đẩy đồng NDT được sử dụng rộng rãi hơn trong thương mại toàn cầu, trở thành một loại tiền tệ mà người nước ngoài có thể tin tưởng dùng như một phương tiện trao đổi và lưu trữ.

Có rất ít khả năng đồng NDT sẽ sớm soán ngôi đồng USD trên thị trường quốc tế và cả trong các giao dịch của Trung Quốc với nước ngoài, nhưng tham vọng của Bắc Kinh rất rõ ràng và chính sách tiền tệ của nước này đang đi theo hướng đồng NDT./.

Diệu Linh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here