Tin Kinh tế Trung Quốc

0
61
(Internet)
(Internet)

1. Kinh tế Trung Quốc dự đoán tăng trưởng 5-6% trong 5 năm tới

Các báo cáo nghiên cứu vừa mới được công bố trước Hội nghị trung ương 5 Đảng Cộng sản Trung Quốc cho thấy, trong vài năm tới, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nằm trong khoảng 5-6%. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm sẽ là trọng tâm của kế hoạch kinh tế xã hội lần thứ 14 giai đoạn 2021-2021 và lộ trình phát triển kinh tế xã hội đến năm 2035 sẽ được thảo luận tại hội nghị.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Yi Gang nhấn mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Trung Quốc là nhân tố chủ chốt được cân nhắc và xem xét trong các hoạt động ngân hàng của Trung ương. Với tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng được thống nhất rộng rãi trong khoảng 5-6%, kinh tế Trung Quốc được cho là “quá nóng” nếu có tốc độ tăng trưởng cao hơn khung tăng trưởng tiềm năng này và nếu thấp hơn, sẽ cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ tài chính và tiền tệ.

Trong báo cáo gần đây, Viện hàn lâm Khoa học tài chính Trung Quốc thuộc Bộ Tài chính Trung Quốc ước tính kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2,3-3% trong năm 2020 và đạt mức tăng trung bình hàng năm là 5-6% trong giai đoạn 2021-2025.

Cuốn sách mới được xuất bản của nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Giáo sư Đại học Thanh Hoa Hu Angang nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Trung Quốc giai đoạn 2021-2025 là 6%, theo đó Trung Quốc sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm trong giai đoạn này là 5,5%; khẳng định dù phải đối mặt với những thách thức do căng thẳng với Mỹ, kinh tế Trung Quốc vẫn có thể được hưởng lợi từ sự phát triển của công nghệ giai đoạn tiếp theo trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, năng lượng và chế tạo.

Vụ trưởng Vụ dự báo Trung tâm Thông tin Nhà nước Trung Quốc Zhu Baoliang cũng cho rằng mục tiêu tăng trường hàng năm 5,5% trong 5 năm tới là phù hợp, nhận định Trung Quốc có thể duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5% cho đến năm 2035, nhưng để đạt được mục tiêu này cần phải tiến hành nhiều nhiều chuyển đổi sâu sắc trong hệ thống kinh tế Trung Quốc bao gồm việc chuẩn hóa thị trường yếu tố sản xuất vốn đang bị méo mó hiện nay thông qua các cải cách về đô thị hóa, đất đai, thị trường vốn, lãi suất và tỷ giá hối đoái.

Một báo cáo gần đây của Trường Phát triển quốc gia thuộc Đai học Bắc Kinh nhận định tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Trung Quốc sẽ giảm dần từ mức 6,5% hiện nay xuống 2,6% cho đến năm năm 2050 với những thách thức bao gồm sự thù địch của môi trường bên ngoài, dân số già đi nhanh chóng và sự thu hẹp của lực lượng lao động. Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Morgan Stanley đứng đầu bởi nhà kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc Robin Xing dự đoán, kế hoạch kinh tế xã hội 5 năm tới sẽ đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm là 5% so với con số 6,5% hiện nay. Điều này đồng nghĩa trọng tâm chính sách sẽ được chuyển sang thúc đẩy mang tính cấu trúc về nội nhu và tăng cường hơn nữa các biện pháp mở cửa thị trường.

2. Dự thảo Luật Ngân hàng Trung Quốc tạo cơ sở pháp lý cho đồng Nhân dân tệ điện tử

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã đưa đồng Nhân dân tệ (NDT) điện tử vào trong nội dung của dự thảo Luật Ngân hàng mới nhất, tạo thêm căn cứ pháp lý để quản lý đồng NDT điện tử hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm.

Dự thảo luật thừa nhận đồng tiền quốc gia NDT cả ở dạng thức vật lý và dạng thức điện tử; nêu rõ đồng NDT điện tử là đồng tiền pháp định, là loại tiền điện tử (token) chính thức duy nhất gắn với đồng NDT. Đồng NDT điện tử được phát hành bởi PBOC, do đó khác biệt hoàn toàn với các đồng tiền ảo khác như Bitcoin hay đồng Libra của Facebook.

Theo Giám đốc Viện Nghiên cứu tiền điện tử của PBOC Mu Changchun, đồng tiền NDT dạng thức điện tử và dạng thức vật lý sẽ cùng tồn tại trong một thời gian đài; PBOC sẽ không chấm dứt việc cung ứng đồng NDT bằng giấy trừng nào người dân vẫn còn nhu cầu sử dụng đồng tiền giấy. Việc phát hành đồng NDT điện tử phải tuân theo nguyên tắc của thị trường; quy mô của việc phát hành đồng NDT điện tử phải dựa trên nhu cầu của người dân. Ông Mu cũng lý giải không có sự cạnh tranh giữa đồng NDT điện tử và các công cụ thanh toán điện tử như WeChat Pay (của Tencent) và Alipay (của Alibaba), cho rằng đây là hai thực thể ở hai chiều cạnh khác nhau; WeChat và Alipay là các hạ tầng tài chính, là các ví tiền trong khi đồng NDT điện tử là công cụ thanh toán, là thứ nằm trong ví tiền.

3. Trung Quốc tăng cường hoàn thành các mục tiêu nhập khẩu từ Mỹ cam kết trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

Trong thông cáo báo chí chung vừa mới được công bố của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ và Bộ Nông nghiệp Mỹ, Trung Quốc đang đạt được những tiến bộ trong việc hoàn thành những nội dung chủ chốt của thỏa thuận kinh tế thương mại Trung – Mỹ, cụ thể Trung Quốc đã hoàn thành 71% chỉ tiêu cam kết mua hàng hóa nông sản từ Mỹ nêu trong thỏa thuận, tương đương trên 23 tỷ USD.

Thông cáo chung cho biết, trong vòng 8 tháng kể từ khi thỏa thuận có hiệu lực, hai bên chứng kiến sự cải thiện ấn tượng trong quan hệ thương mại nông nghiệp giữa hai nước, làm lợi cho những người nông dân Mỹ trong những năm tới. Nông nghiệp là một trong 4 lĩnh vực Trung Quốc cam kết tăng cường mua hàng hóa hóa và dịch vụ từ Mỹ, bao gồm nông nghiệp, hàng hóa chế tạo, sản phẩm năng lượng và các mặt hàng khác.

Về con số cụ thể, xuất khẩu ngô của Mỹ vào Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục là 8,7 triệu USD, trong khi xuất khẩu đậu tương cho năm thị trường 2021 đã gấp đôi mức của năm 2017. Xuất khẩu cao lương từ Mỹ sang Trung quốc từ tháng 1-8/2020 đạt 617 triệu USD, tăng so với mức 561 triệu USD cùng kỳ năm 2017. Xuất khẩu thịt lợn tăng cao ở mức kỷ lục trong 5 tháng đầu năm 2020 trong khi xuất khẩu thị bò và các chế phẩm từ bò của Mỹ vào Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm đã hơn gấp 3 con số của năm 2017. Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, tổng lượng sản phẩm nông nghiệp khác bán sang Trung Quốc trong năm 2020 sẽ đạt mức cao kỷ lục hoặc gần mức cao kỷ lục, bao gồm thực phẩm cho thú nuôi, lạc, quả hồ đào pêcan…

4. Trung Quốc tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân 

Mới đây, Ủy ban Phát triển và Cải cách Trung Quốc cùng các Bộ ngành hữu quan ban hành “Ý kiến thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đẩy nhanh cải cách, phát triển và chuyển đổi, nâng cấp” (Ý kiến). Ý kiến đưa ra 38 biện pháp trong các phương diện như giảm chi phí sản xuất và kinh doanh, tăng cường hỗ trợ đổi mới khoa học công nghệ, giải quyết vấn đề huy động vốn khó cho doanh nghiệp, nhằm tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ liên quan, ứng phó hiệu quả với tác động của đại dịch Covid-19, khơi dậy sức sống, sức sáng tạo và tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy mở rộng việc làm.

Ý kiến chỉ ra, tiếp tục đẩy mạnh chính sách giảm thuế, hạ phí; tiếp tục giảm thấp chi phí năng lượng, internet, logisitcs cho doanh nghiệp; tiếp tục hoãn thời gian nộp thuế cho doanh nghiệp vừa và nhỏ chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19; hoàn trả toàn bộ kinh phí công hội cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong năm 2021; tiếp tục thực hiện chính sách giảm 5% giá điện đối với doanh nghiệp (trừ các ngành tiêu thụ nhiều điện), giảm giá dịch vụ khai thác bến cảng, tàu thuyền, đường sắt, sân bay theo quy định.

Ý kiến nhấn mạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án nghiên cứu khoa học lớn của quốc gia, tăng cường đầu tư đổi mới khoa học-công nghệ, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân chuyển đổi số. Khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân tham gia xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo như Trung tâm đổi mới công nghiệp Quốc gia, Trung tâm đổi mới sản xuất Quốc gia, Trung tâm nghiên cứu kỹ thuật Quốc gia.

Ý kiến cũng xác định rõ, tiếp tục nới lỏng tiếp cận thị trường đối với doanh nghiệp tư nhân, thúc đẩy mở cửa công bằng cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng dầu khí, công nghiệp hóa chất, điện và khí đốt tự nhiên.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here