Giáo sư Vương Văn[1], Viện trưởng điều hành Viện nghiên cứu tài chính Trùng Dương (Trường Đại học Nhân dân Trung Quốc) mới đây có bài viết “Trung Quốc đang hình thành thế giới quan mới” với một số nội dung chính như sau:
Trong những tháng gần đây, tôi nhiều lần đi thuyết trình cho các doanh nhân Trung Quốc và phát hiện ra những thay đổi mới. Những năm trước, mọi người đều rất quan tâm đến xu hướng phát triển của Trung Quốc và Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nhân Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến thế giới bên ngoài nước Mỹ, như những quốc gia nào ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh có tiềm năng đầu tư lớn? Cục diện đầu tư toàn cầu trong tương lai thế nào? Những quốc gia nào theo Sáng kiến “Vành đai và Con đường” mà tình hình chính trị trong nước tương đối ổn định? v.v…
Doanh nhân là nhóm nhạy cảm nhất với các xu hướng xã hội. Sự quan tâm rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp Trung Quốc đối với thế giới bên ngoài nước Mỹ, cho thấy sự thay đổi lớn về cách nhìn nhận thế giới của người Trung Quốc. Nhìn lại 200 năm qua, thế giới quan của người Trung Quốc đại thể có 4 đợt mở mang tầm nhìn có tính thực chất và mỗi đợt mở mang tầm nhìn này đều có tính kế thừa và phát huy.
(i) Đợt đầu tiên có thể được gọi là đợt Trung Quốc “Mở mắt nhìn thế giới”: sau thất bại của Chiến tranh Nha phiến vào những năm 1840, đại diện bởi các nhà tư tưởng như Lâm Tắc Từ[2] ở cuối thời nhà Thanh, đã xóa đi một phần quan niệm về “Thiên triều thượng quốc” và “Sự thấp kém của Trung Quốc”, phát hiện ra tính ưu việt của các nước Âu – Mỹ. Đáng tiếc là thế giới quan của Trung Quốc khi đó vẫn dựa vào quan niệm “Thiên triều” là chính và chỉ nhận thấy tính ưu việt của các nước Âu – Mỹ về lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ.
(ii) Đợt thứ hai có thể gọi là “Giai đoạn vướng mắc thể chế chính trị”: đó là vào nửa sau thế kỷ 19, Trung Quốc liên tục bị các cường quốc phương Tây ức hiếp, khát vọng của Trung Quốc muốn là “Thiên triều thượng quốc”, trung tâm của thế giới, đã hoàn toàn sụp đổ, từ đó lại quay sang học hỏi phương Tây. Sau khi Trung Hoa Dân Quốc thành lập vào năm 1912, một số người thậm chí còn ủng hộ bản sao đầy đủ của hệ thống chính trị phương Tây. Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập năm 1921, chủ trương lấy tư tưởng của Chủ nghĩa Mác để cứu đất nước Trung Hoa. Khi đó, Trung Quốc phải đối mặt với sự lựa chọn: Phương Tây hoặc Liên Xô.
(iii) Đợt thứ ba là “Cuộc cách mạng nhất bên đảo”: trước sự phong tỏa kinh tế của phương Tây đối với Trung Quốc, sự cô lập về ngoại giao và sự đối đầu giữa Mỹ và Liên Xô, nước CHND Trung Hoa mới ra đời đã đứng vào phe XHCN do Liên Xô đứng đầu, học hỏi đầy đủ từ “Anh cả Liên Xô”, không những thế Trung Quốc còn chủ động ủng hộ vô tư đối với phong trào độc lập dân tộc của các quốc gia thuộc “Thế giới thứ ba”.
(iv) Đợt thứ tư là giai đoạn “học hỏi từ phương tây”: sau khi tiến hành cải cách mở cửa, Đặng Tiểu Bình đã liên tiếp đi thăm Nhật Bản và Mỹ, gửi thông điệp đến người dân cả nước “Khiêm tốn học hỏi, nhanh chóng nắm bắt khoa học kỹ thuật mới nhất của thế giới”. Kể từ đó, Trung Quốc liên tục thu hút đầu tư nước ngoài, công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ các nước như Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu. Thế giới phương Tây trở thành đối tượng tôn thờ, trong khi trước đó là điển hình của những mặt tiêu cực.
Trong cuộc khủng hoảng tài chính quốc tế năm 2008, “thần tượng phương Tây” đối với người Trung Quốc đã không còn như trước. Việc Tổng thống Mỹ Trump lên nắm quyền, “huyền thoại” của Mỹ còn trở thành “trò cười”. Dưới sự dẫn dắt của Sáng kiến ”Vành đai và Con đường”, người Trung Quốc đã bắt đầu nhìn sang các nước khác ngoài phương Tây.
Trong thời gian dài sau năm 1978, khi người Trung Quốc đề cập đến “nước ngoài” hay “thế giới”, thì phản ứng đầu tiên trong tâm trí người dân Trung Quốc là Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản; khi nói đến “hội nhập thế giới”, tức là muốn nói đến hội nhập với phương Tây. Hầu hết người dân đi du lịch nước ngoài đều “chen chân” đến Mỹ, Tây Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc; nghiên cứu về các vấn đề quốc tế cũng tập trung vào phương Tây. “Thế giới quan” cũng lấy các nước phát triển làm trung tâm, đã dẫn đến điểm mù tâm lý về cách nhìn nhận “thế giới quan” trong thời gian dài tại Trung Quốc.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” vào năm 2013 đã thay đổi rất nhiều nhận thức và tư duy của xã hội, doanh nghiệp và giới học thuật Trung Quốc. Mọi người chú ý nhiều hơn đến các khu vực bên ngoài phương Tây, chẳng hạn như Trung Đông, Trung Á, Bắc Phi, Trung Đông Âu, Mỹ Latinh…. Theo thống kê chưa đầy đủ, Trung Quốc đã xuất bản hơn 2.000 cuốn sách liên quan đến “Vành đai và Con đường”, bao gồm nhiều lĩnh vực như lịch sử, chính trị, luật, kinh tế, văn hóa, văn học và nghệ thuật. Có hơn 10 triệu bản tin về “Vành đai và Con đường” với các quốc gia liên quan.
Du lịch ra nước ngoài và đầu tư nước ngoài của Trung Quốc cũng đã thay đổi. Các quốc gia liên quan đến Sáng kiến “Vành đai và Con đường” ngày càng trở thành điểm đến cho du lịch và đầu tư của người Trung Quốc. Lượng khách Trung Quốc ra nước ngoài du lịch trung bình hàng năm đã vượt 130 triệu. Một số nước như Thái Lan, Malaysia, Maldives – trên tuyến đường Tơ lụa trên biển cổ đại – là những nơi thu hút du khách Trung Quốc hàng đầu. Đầu tư nước ngoài, hợp tác sản xuất và xây dựng khu công nghiệp của Trung Quốc ở thế giới không thuộc phương Tây cũng đang tăng tốc.
Việc tái cân bằng bố cục chiến lược này của Trung Quốc phản ánh quá trình “toàn cầu hóa” của Trung Quốc. Ngày càng nhiều người Trung Quốc trở thành công dân toàn cầu và nhiều công ty Trung Quốc trở thành doanh nghiệp toàn cầu. Điều này cho thấy người Trung Quốc dần hoàn thiện tầm nhìn toàn cầu của mình. Điều quan trọng hơn, về mặt tâm lý, Trung Quốc đang hội nhập hoàn toàn với thế giới (không chỉ bó hẹp ảnh hưởng bởi phương Tây).
[1] Nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu tài chính, Phòng Tham vấn Quốc Vụ viện; tác giả của trên 40 đầu sách, trong đó có những cuốn “best seller” tại Trung Quốc; là giáo sư duy nhất thế hệ 8x trong số “10 nhà nghiên cứu hàng đầu Trugn Quốc” được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc tiếp và nói chuyện năm 2014.
[2] Lâm Tắc Từ là một vị quan nhà Thanh ở thế kỷ XIX trong lịch sử Trung Quốc, là người có chủ trương chống thực dân Anh trong cuộc chiến tranh Nha phiến lần thứ nhất và cũng là người thi hành kiên quyết và triệt để lệnh cấm hút thuốc phiện tại Trung Quốc.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)