Christine Lagarde: “các biện pháp kiểm soát dịch sẽ ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế”

0
96
(Reuters)
(Reuters)

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trả lời phỏng vấn trên báo Le Monde bày tỏ lo ngại việc các biện pháp tăng cường kiểm soát dịch mới tại châu Âu (giới nghiêm từ 21 giờ tại các đô thị lớn của Pháp, cấm tụ tập tiệc tùng tại Ý, cách ly một phần tại Hà Lan) sẽ ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế khu vực. Chủ tịch ECB nhấn mạnh tầm quan trọng của Kế hoạch phục hồi kinh tế của EU để hỗ trợ các nền kinh tế, đồng thời dự báo nếu kế hoạch này không được triển khai nhanh và có trọng tâm, các nước thành viên EU sẽ “để lỡ một cơ hội lịch sử”.

Triển vọng kinh tế khu vực Eurozone

Đánh giá về làn sóng dịch thứ 2 tại châu Âu, đặc biệt tại Pháp, đi kèm với các biện pháp hạn chế mới, Chủ tịch ECB cho rằng điều này đang làm tăng thêm sự bất ổn và ảnh hưởng đến phục hồi kinh tế. Sau khi khởi sắc mùa hè qua, phục hồi kinh tế hiện không đồng đều, không chắc chắn, và đang đứng trước nguy cơ mất động lực. Theo kịch bản mà ECB dự báo hiện nay, với giả định là các biện pháp hạn chế sẽ chỉ là “một phần” và “cục bộ”, sự sụt giảm GDP của eurozone sẽ ở mức trung bình 8%. Tuy nhiên, nếu tình trạng tiếp tục xấu đi, ECB sẽ phải điều chỉnh lại dự báo (dự kiến trong tháng 12/2020).

Chủ tịch ECB cũng cho rằng đại dịch có thể để lại các hệ lụy lâu dài do tình trạng mất việc làm, kéo theo các rủi ro về xã hội, thu nhập của các hộ gia đình, cầu và tăng trưởng; các chính phủ cần đặc biệt lưu tâm đến vấn đề này và đảm bảo các “lưới an toàn” ngân sách đã được triển khai không bị rút lại quá sớm.

Hành động của ECB

Về các biện pháp đã ECB công bố, đặc biệt là chương trình mua lại nợ ở quy mô chưa từng có (1.500 tỷ euros), bà C. Lagarde đánh giá ECB đã hành động một cách hiệu quả, tìm ra các công cụ để ổn định thị trường và hỗ trợ các nền kinh tế. Các hành động của ECB từ tháng 3-6/2020 theo ước tính đã giúp tạo ra tương đương 1,3% tăng trưởng với 0,8% lạm phát và cứu được 1 triệu việc làm trong khối. Chương trình mua lại trái phiếu khẩn cấp trong bối cảnh đại dịch (PEPP) về cơ bản đạt được hai mục tiêu, đầu tiên là giúp ổn định thị trường, sau đó là đưa lạm phát trở lại quỹ đạo trước đại dịch, giúp duy trì lãi suất thấp và có tác động tích cực đối với nền kinh tế. Các hành động của ECB trên thị trường, song hành cùng các chương trình cho vay dài hạn cho “nền kinh tế thực” (Chương trình tái cấp vốn dài hạn có mục tiêu – TLTRO) đã cho phép duy trì luồng tín dụng ở lãi suất rất thấp, đảm bảo cho doanh nghiệp và hộ gia đình có thể vay ở mức lãi suất từ 1,4-1,5%. Khối lượng vay của các doanh nghiệp và hộ gia đình do đó đã tăng lần lượt 7% và 3% trong khu vực eurozone.

ECB hiện vẫn chưa sử dụng hết giới hạn của các công cụ mà tổ chức này có và sẵn sàng triển khai các biện pháp bổ sung nếu thấy cần thiết. Khác với khủng hoảng 2008, khi chính sách tài khóa không đáp ứng được kỳ vọng khiến các ngân hàng trung ương, đặc biệt trong khu vực đồng euro, phải tự xoay xở, hiện sự hỗ trợ về tài khóa đã tốt hơn, “đồng hành” cùng với sự hỗ trợ về tiền tệ và trở nên hiệu quả hơn.

Triển vọng Kế hoạch phục hồi

Về Kế hoạch phục hồi chung châu Âu với quy mô chưa từng có (750 tỷ euros), bà C. Lagarge cho biết từ tháng Tư, tại phiên họp Eurogroup, bà đã nhấn mạnh tầm quan trọng của một kế hoạch quy mô, nhanh nhạy, linh hoạt đồng thời cần đặt trọng tâm vào các quốc gia và lĩnh vực cần được hỗ trợ nhất. Gói hỗ trợ như trên, theo ước tính vào thời điểm đó, sẽ tương đương từ 1.000 đến 1.5000 tỷ euros. Và thực tế con số này đã đạt được nếu tính tổng các biện pháp đã được đưa ra cho đến nay gồm gói hỗ trợ khẩn cấp 540 tỷ euros hỗ trợ doanh nghiệp và các chương trình về thất nghiệp một phần (Kế hoạch SURE[1]), việc cấp vốn bổ sung cho Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) và kế hoạc phục hồi 750 tỷ euros được Hội đồng châu Âu thông qua ngày 21/7.

Về thời hạn triển khai Kế hoạch, Chủ tịch ECB cho rằng mục tiêu giải ngân kế hoạch vào đầu năm 2021 chắc chắn phải được thực hiện. Quả bóng đang nằm trong sân của các quốc gia, trong việc đệ trình kế hoạch phục hồi của mình, và của Ủy ban châu Âu, với nhiệm vụ phân tích kỹ lưỡng các kế hoạch trên một cách nhanh chóng. Giới chính trị, đặc biệt là các nghị viện quốc gia cần nhanh chóng hành động và thông qua các điều khoản của Kế hoạch. Kế hoạch chưa có tiền lệ này đã vượt qua được nhiều cấm kỵ tại một số nước và cần phải được triển khai thành công. Nếu không có trọng tâm, bị cuốn vào các rắc rối về thủ tục hay không thể hỗ trợ “nền kinh tế thực” để hướng các nước chuyển đổi số và sinh thái, châu Âu có thể bỏ lỡ một cơ hội lịch sử để thay đổi cục diện.

Đoàn kết châu Âu

Việc Đức, nước nổi tiếng với chính sách “khắc khổ”, bất ngờ thay đổi thái độ và ủng hộ Kế hoạch đến vào đúng thời điểm. Trước tính nghiêm trọng của khủng hoảng, nhiều điều chỉnh sâu sắc đã diễn ra tại châu Âu về cân bằng ngân sách, nợ và sự can thiệp của Nhà nước. Đồng thời đã có nhận thức chung rằng các nước châu Âu đang cùng ở trên một con thuyền, các nền kinh tế đã yếu nay lại càng yếu hơn, và điều này có thể ảnh hưởng tới các nền kinh tế mạnh, dù vững chắc nhất.

Về lo ngại trước khả năng đổ vỡ của khu vực đồng euro, đặc biệt trong bối cảnh khó khăn còn có thể tiếp tục kéo dài, Chủ tịch ECB đánh giá “đồng tiền chung châu Âu là không thể đảo ngược”. Hơn nữa, kế hoạch phục hồi 750 tỷ euros cũng đánh dấu một bước chuyển lớn với châu Âu, khi lần đầu tiên có một khoản vay tập thể tương đương với 5% GDP của EU. Mặc dù chỉ được sử dụng trong tình huống khẩn cấp, các nước thành viên đã cho thấy, khi cần thiết, họ luôn sẵn sàng có hành động tập thể với tinh thần đoàn kết cao. Việc hơn 50% gói phục hồi 750 tỷ euro được phân bổ dưới dạng viện trợ cho các nước và cách lĩnh vực bị tổn thương nhiều nhất là một điều hoàn toàn mới.

Bà C. Lagarde cũng cho rằng việc vay nợ chỉ là biện pháp được sử dụng trong tình huống đặc biệt. Cần thảo luận về khả năng biến nó trở thành công cụ lâu dài của châu Âu, để có thể sử dụng trong các tình huống tương tự. Với những kinh nghiệm rút ra hiện nay, bà C. Lagarge hy vọng sẽ có những thảo luận về một công cụ tài khóa chung của khu vực eurozone. Tuy nhiên, sẽ không bất ngờ khi có nghi ngại từ phía các nước châu Âu, như Hà Lan đã thể hiện đối với Kế hoạch phục hồi, đây là cách vận hành vốn có của châu Âu. Trong khủng hoảng trước, cũng cần phải có thời gian để triển khai Cơ chế ESM. Đối với nhiều chính phủ, cần có thời gian để họ chấp nhận rằng biện pháp tốt trước một cú sốc chung là hành động tập thể.

Một năm tại vị

Sau gần một năm tại vị (từ 1/11/2019), bà C. Lagarde cho rằng điều khiến bà bất ngờ nhất là sự khốc liệt của cú sốc do khủng hoảng hiện nay gây ra. Nó khác hẳn những gì bà đã chứng kiến trong khủng hoảng 2008.  Lần đầu tiên, bà nhận thức được quy mô của khủng hoảng hiện nay là tại cuộc họp Hội đồng Thống đốc ECB ngày 12/3/2020 khi ECB liên tục có những ngày làm việc căng thẳng, để đưa đến quyết định tập thể “hành động mạnh hoặc không làm gì cả” của Hội đồng, trước khi chương trình PEPP trị giá 750 tỷ euro được công bố ngày 18/3/2020.

Về các ưu tiên chính sách của ECB trong thời gian tới

Về việc khả năng xóa khoản nợ lớn của các nước thành viên mà ECB đã mua lại, bà C. Lagarde cho biết điều này liên quan đến các quy định của Hiệp ước về hoạt động của EU, theo đó việc ECB cấp vốn cho ngân sách các nước là hoàn toàn không được phép. Xóa nợ có nghĩa là cấp ngân sách và điều này không nằm trong kế hoạch của bà C. Lagarde.

Về khả năng tạo ra đồng “euro số”, bà Lagarde cho rằng đây đơn giản là để thích ứng đồng euro với kỷ nguyên số, đáp ứng nhu cầu và tốc độ phổ biến nhanh của các loại hình thanh toán số, đặc biệt trong giới trẻ. Nó sẽ là một công cụ thanh toán hiệu quả, ít tốn kém, thân thiện với môi trường, đơn giản để sử dụng, đảm bảo yếu tố bảo mật và có thể truy dấu nguồn gốc, giảm chi phí chuyển tiền giữa các quốc gia, đồng thời củng cố vai trò quốc tế của đồng euro. Điều này rất đáng để nghiên cứu và thực tế việc thí điểm và tham vấn về đồng “euro số” đã được khởi xướng trong khuôn khổ ECB.

Về đóng góp của ECB với chuyển đổi sinh thái, Chủ tịch ECB cho rằng đây là một vấn đề căn bản, và bà sẽ tìm cách dẫn dắt Hội đồng Thống đốc đồng ý trao đổi về các thức hành động phù hợp của ECB để tham gia vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, do biến đổi khí hậu có nhiều hệ lụy đến ổn định tiền tệ, nhiệm vụ hàng đầu của ECB. Trước thách thức lớn của thế kỷ 21, toàn thế giới cần hành động, và nếu không hành động ngay từ bây giờ, sẽ là quá muộn để chống lại biến đổi khí hậu.

[1] Kế hoạch hỗ trợ đối phó với thất nghiệp tăng trong tình huống khẩn cấp

(Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here