Tại cuộc hội thảo vừa được Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc tổ chức tại Bắc Kinh, các chuyên gia nhận định đổi mới kinh tế ở Trung Quốc đã được triển khai trong hơn 40 năm qua với nhiều kết quả thành công, và Trung Quốc vẫn còn không gian để tiếp tục phát triển hơn nữa trong tương lai, trong đó thúc đẩy tiêu dùng và thu hẹp khoảng cách phân phối thu nhập là hai vấn đề quan trọng. Theo Deutsche Bank, tỷ phần chi tiêu cho tiêu dùng thế giới của Trung Quốc tăng từ 2% năm 1980 lên 12% năm 2018 tính bằng đồng đô la Mỹ, nhưng mức độ chi tiêu cho tiêu dùng của Trung Quốc vẫn tương đối thấp so với các nước phát triển như Mỹ và Đức.
Phó Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp Trung Quốc Zhu Hongren nhận định điểm mấu chốt để thúc đẩy mức chi tiêu cho tiêu dùng nằm ở khoa học và công nghệ. Ngoài các yếu tố truyền thống như đất đai, vốn và nguồn nhân lực, Trung Quốc cần quan tâm hơn đến đổi mới khoa học và công nghệ; dữ liệu và công nghệ đã được chính phủ Trung Quốc xác định là những yếu tố sản xuất mới. Trong khi đó, nguyên Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu cải cách hệ thống kinh tế Trung Quốc Song Xiaowu cho rằng khoảng cách phân phối thu nhập ở Trung Quốc không có dấu hiệu thu hẹp, mà thay vào đó lại tăng nhẹ trong những năm gần đây; kiến nghị cần ban hành thêm các chính sách nới lỏng các hạn chế trong công tác đăng ký hộ khẩu. So với các nền kinh tế OECD có phúc lợi cao, Trung Quốc vẫn còn kém xa về thu nhập khả dụng; điều quan trọng là chính phủ cần tìm ra phương cách để tăng thu nhập của hàng trăm triệu lao động di cư Trung Quốc để từ đó giúp tăng cường năng lực chi tiêu của những người lao động này.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)