Tin kinh tế Thuỵ Điển và châu Âu

0
160
(ảnh minh hoạ)
(ảnh minh hoạ)

1. Kinh tế Thụy Điển

Kinh tế Quý IV/2020 phục hồi yếu: Sau khi nghiên cứu dữ liệu giao dịch thẻ ngân hàng và đánh giá về các dự báo tăng trưởng GDP dựa trên một số dự báo tích cực về tăng trưởng GDP gần đây, các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Swedbank đã đưa ra cảnh báo “tăng trưởng Quý 4 có thể khá yếu”.

Sự phục hồi của kinh tế Thụy Điển mạnh mẽ ngoài mong đợi, với các dự báo GDP được điều chỉnh tăng liên tục. Tuy nhiên, Andreas Wallström, Giám đốc dự báo của Swedbank lưu ý, các dấu hiệu cho thấy sự phục hồi giờ đây đang chậm lại. Ông cho rằng, các dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2021 có vẻ khá cao. Việc hầu hết mọi người đang điều chỉnh dự báo tăng cho năm 2020, ông cho đó là vì sự phục hồi ở Thụy Điển cũng như hầu hết các quốc gia Châu Âu và Hoa Kỳ mạnh hơn dự kiến. Đáng ngạc nhiên hơn cả là lĩnh vực công nghiệp, lĩnh vực mà đối với Thụy Điển cho thấy cả xuất khẩu và sản xuất đều đã trở lại mức trước khủng hoảng ở thời điểm tháng 8.

Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên lạc quan quá mức vì hiện mới là đầu Quý 4, nhưng đã xuất hiện dấu hiệu cho thấy sự phục hồi đang chậm lại, cả Thụy Điển và các quốc gia khác, rõ nhất là ở khu vực dịch vụ, bởi thế giới đang diễn ra đợt lây nhiễm mới ngày càng tăng và nhiều nước tái áp đặt những hạn chế. Ông chỉ ra rằng, dữ liệu giao dịch thẻ của Thụy Điển tạo ấn tượng về sự phục hồi đã bị đình trệ, trong đó mức tiêu thụ đã suy giảm đều đặn vài phần trăm so với mức năm 2019.

Các dự báo mới nhất cho năm 2021 cho thấy sự phục hồi rõ ràng với mức tăng trưởng GDP khoảng 4%, nhưng Andreas Wallström cảnh báo: nhiều người cho rằng năm 2021 tăng tốc trở lại với chính sách kinh tế mở rộng tiếp tục duy trì cùng với sự ra đi của bệnh dịch và mọi người trở lại nhịp sống bình thường. Nhưng thực sự, đó không phải là những tín hiệu mà chúng ta đang nhận được, mà chúng ta sẽ tiếp tục sống với những hạn chế trong năm 2021 như hiện nay. Nếu điều đó xảy ra, sẽ nguy hiểm cho sự phục hồi và sẽ phải dự báo lại cho năm 2021, bao gồm cả Thụy Điển.

2. Kinh tế Châu Âu

– Ba Lan: đòi phạt Gazprom 7,6 tỉ USD liên quan tới Nord Stream 2: Hãng tin Bloomberg News cho biết, Cơ quan cạnh tranh Ba Lan đã trao cho Gazprom PJSC yêu cầu đòi phạt 7,6 tỷ USD liên quan đến đường ống Nord Stream 2. Điều này mở ra một mặt trận mới trong cuộc chiến chính trị về dự án. Theo cơ quan này, dự án Biển Baltic đang cản trở cạnh tranh và đi ngược lại lợi ích của người tiêu dùng. Gazprom và các đối tác có 30 ngày để tạm ngừng các thỏa thuận tài chính nhằm “khôi phục” cạnh tranh. Mức phạt tương ứng với 10% doanh thu hàng năm của công ty, là mức phạt tối đa.

Tomasz Chrostny, người đứng đầu cơ quan quản lý cạnh tranh Ba Lan cho biết, việc xây dựng Nord Stream 2 rõ ràng là vi phạm các quy tắc thị trường. Giá khí đốt cho người tiêu dùng phải là kết quả của cạnh tranh bình đẳng, nhưng khi Nord Stream 2 đi vào hoạt động, giá khí đốt có khả năng tăng cao. Ba Lan từ lâu đã phản đối việc mở rộng đường ống dẫn khí đốt, trực tiếp nối Nga tới Đức, thị trường nhiên liệu lớn nhất Châu Âu, bởi động cơ của dự án là làm tăng sự phụ thuộc của Châu Âu vào năng lượng của Nga.

EU trì hoãn trình bày đề xuất về mức lương tối thiểu: Ngày 28/10, Cao ủy Liên minh Châu Âu về Lao động Nicolas Schmit dự kiến sẽ trình bày đề xuất gây tranh cãi của mình về một “mức lương tối thiểu hợp lý”. Tuy nhiên, theo lịch làm việc được cập nhật của Ủy ban Châu Âu, việc này sẽ bị lùi lại tới ngày 15/12, nhưng hiện vẫn chưa có thông tin về lý do buổi trình bày bị hoãn lại.

Ngày 06/10, trang tin Politico Europe cho biết, một quy định có giá trị ràng buộc nhằm tạo ra một khuôn khổ chung về mức lương tối thiểu sẽ được trình bày vào cuối tháng 10. Đối với các nước như Thụy Điển, nơi tiền lương được ấn định thông qua thương lượng giữa các công đoàn và doanh nghiệp, thì mục đích của quy định này được cho là để thu hút nhiều người hơn vào trong các thỏa thuận tập thể. Thụy Điển, Đan Mạch và Phần Lan rất nghi ngờ các đề xuất này và từ lâu họ đã kêu gọi Ủy ban đưa ra một khuyến nghị, thay vì một đạo luật ràng buộc.

Nghị viện Châu Âu muốn giảm 60% lượng khí thải: Tổng lượng khí thải của EU sẽ giảm 60% vào năm 2030 so với mức năm 1990. Ít nhất đó là những gì các nghị sỹ Nghị viện Châu Âu (MEP) nghĩ trong một cuộc bỏ phiếu ở Brussels. Nghị sỹ MEP người Thụy Điển Jytte Guteland (thuộc Đảng DCXH), người chịu trách nhiệm về việc EP xem xét đề xuất này cho biết, đây là ngày hạnh phúc nhất của ông với tư cách là nghị viên và cho cả khí hậu.

Mức giảm khí thải 60% đã giành được 352 phiếu bầu so với 326 phiếu ủng hộ mức giảm 55% (như mức EC đề xuất) của các nghị sỹ thuộc nhóm Bảo thủ và từ các nước Đông Âu. Tuy nhiên, con số cuối cùng sẽ như thế nào chỉ được quyết định sau khi các cuộc đàm phán với các quốc gia thành viên EU vào cuối tháng 10; khi đó họ sẽ đồng ý mức giảm của mình. Cho đến nay, EU đã đặt mục tiêu giảm 20% lượng khí thải vào năm 2030.

Chi phí cho biến đổi khí hậu có thể lên tới 31 nghìn tỷ USD/năm: Báo cáo của tổ chức CDP và Đại học College London đã tính toán mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và tăng trưởng GDP, chi phí cho rủi ro biến đổi khí hậu lên tới 5.400 tỷ USD/năm trên toàn cầu trong vòng 40 năm nếu lượng khí thải tiếp tục tăng và sẽ là 31.000 tỷ USD vào năm 2200. Ngược lại, nếu lượng khí thải giảm theo mục tiêu của Thỏa thuận Paris là khí hậu nóng lên tối đa 2 độ C, chi phí hàng năm khoảng 1.800 tỷ USD vào năm 2070. Đây là ước tính cho kịch bản cao, được so sánh tương quan với kịch bản khí thải gia tăng khi biến đổi khí hậu tác động mạnh lên tăng trưởng GDP theo thời gian. Báo cáo cũng chỉ ra kịch bản, với rủi ro phát thải gia tăng, dẫn đến giảm 10% tăng trưởng GDP vào năm 2050 và 25% vào năm 2100.

Kịch bản giả định “kinh doanh như bình thường” (business-as-usual) mà các tác giả báo cáo đưa ra đối với việc tiếp tục gia tăng lượng khí thải thể hiện nhiệt độ tăng 4,4 độ C vào năm 2100. Các tác giả báo cáo đã sử dụng ba mô hình khác nhau để tính toán tác động tiềm tàng của biến đổi khí hậu đối với GDP.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Thuỵ Điển)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here