Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ vừa phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ (IICCI) tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến “Trái cây và thực phẩm: Cơ hội giao thương mới cho Việt Nam và Ấn Độ”.
Hội nghị thu hút sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp xuất nhập khẩu và các hiệp hội ngành hàng, phòng thương mại và công nghiệp cùng đại diện Bộ Nông nghiệp hai nước.
Phát biểu khai mạc, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ – ông Phạm Sanh Châu – đã giới thiệu tiềm năng hợp tác kinh doanh về một số mặt hàng nông sản tiêu biểu của Việt Nam như cà phê, chè, ca cao, hạt điều, bánh kẹo và đặc biệt các sản phẩm gia vị như quế, hồi, thảo quả, đinh hương có nhiều cơ hội xuất khẩu sang Ấn Độ. Tuy nhiên, Đại sứ đề nghị phía Ấn Độ tạo điều kiện thuận lợi, dỡ bỏ các hàng rào thuế và phi thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính để hai nước có thể tiếp cận thị trường của nhau nhiều hơn. Đại sứ Phạm Sanh Châu kêu gọi Ấn Độ mở cửa thị trường đối với một số loại hoa quả Việt Nam như nhãn, bưởi, sầu riêng và chôm chôm.
Về phần mình, bà Shubhra – cố vấn Vụ trưởng phụ trách thương mại thuộc Bộ Nông nghiệp Ấn Độ – cho biết: “Ấn Độ và Việt Nam có tiềm năng lớn thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả trong lĩnh vực xuất khẩu trái cây”. Bà Shubhra khẳng định, Ấn Độ nổi lên là một trong những đối tác thương mại lớn trên thế giới về trái cây và nông sản trong những năm qua. Qua nghiên cứu, bà nhận thấy Ấn Độ hoàn toàn có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều loại trái cây và nông sản mà Việt Nam đang nhập khẩu trên thế giới như lựu, nho, lúa mỳ, bông vốn là những sản phẩm mà Ấn Độ có thế mạnh. Ở chiều ngược lại, bà cũng đánh giá cao các loại trái cây và nông sản của Việt Nam như thanh long, cà phê, ca cao, hạt điều… Việt Nam và Ấn Độ đều là những nước có tiềm năng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp và hai nước có nhiều không gian để thúc đẩy hợp tác mạnh mẽ và hiệu quả hơn trong lĩnh vực này.
Theo bà Shubhra, hiện có khoảng 255 dự án đầu tư của Ấn Độ tại Việt Nam, trong đó có nhiều dự án đầu tư nhà máy chế biến thực phẩm và nông sản như chè, cà phê, dầu gạo, chế biến… con số đó đã nói lên tiềm năng mà các nhà đầu tư Ấn Độ nhìn ra ở quốc gia Đông Nam Á này. Việt Nam đang nỗ lực phấn đấu trở thành một trung tâm chế biến nông sản vào năm 2030. Mục tiêu đó có thể giúp hai nước tăng cường hợp tác mạnh mẽ và có ý nghĩa hơn.
Ông Atul Kumar Saxena, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà nhập khẩu Ấn Độ với hơn 30 năm kinh doanh với thị trường Việt Nam đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm bổ ích.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam – ông Tạ Quang Kiên – Trưởng phòng chính sách thương mại nông sản, đã chia sẻ về kim ngạch xuất nhập khẩu nông sản của Việt Nam trong thời gian qua và hợp tác nông sản giữa Việt Nam – Ấn Độ.
Bà Lê Hằng, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết, đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến nguồn cung và thị trường xuất khẩu các sản phẩm thủy sản. Ấn Độ là nguồn cung nguyên liệu đầu vào cho thị trường Việt Nam trong những thời điểm cần thiết./.