Giải pháp nào giúp ngành du lịch Việt Nam khởi sắc những tháng cuối năm 2020?

0
146
Đợt kích cầu du lịch nội địa thứ 2 dự báo sẽ kéo theo sự khởi sắc của ngành du lịch vào cuối năm 2020. (Nguồn: Twitter)
Đợt kích cầu du lịch nội địa thứ 2 dự báo sẽ kéo theo sự khởi sắc của ngành du lịch vào cuối năm 2020. (Nguồn: Twitter)

Ngành du lịch Việt Nam đã tiếp tục phát động chương trình kích cầu nội địa lần 2, trong đó, đề cao yếu tố an toàn, hấp dẫn, nhằm “hồi sinh” ngành “công nghiệp không khói” trong những tháng cuối năm 2020.

Theo đánh giá của Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch nội địa sẽ phục hồi nhanh hơn du lịch quốc tế, tạo cơ hội tốt cho các nước phục hồi kinh tế – xã hội hậu Covid-19. UNWTO cũng khuyến khích các quốc gia tập trung chiến lược tiếp thị, quảng bá, tăng cường các gói hỗ trợ tài chính để sớm phục hồi thị trường du lịch nội địa.

Ở Việt Nam, ngay sau khi làn sóng Covid-19 thứ 2 tạm lắng, ngành du lịch đã tiến hành xây dựng kế hoạch phục hồi phù hợp với xu hướng thị trường, nhất là tâm lý, hành vi của du khách.

Nắm bắt được tâm lý khách hàng, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) lần thứ 2 phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa với chủ đề “Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn.”

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhận định, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có thể chuyển tải đến du khách thông điệp “An toàn rồi – du lịch thôi!”

Chương trình kích cầu du lịch lần này được dự báo sẽ kéo theo sự khởi sắc của ngành du lịch vào cuối năm 2020. Ông Hà Văn Siêu nhấn mạnh, chương trình kích cầu lần thứ 2 không chỉ hướng đến khách du lịch nội địa mà còn hướng đến người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà đầu tư đến làm việc tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo Tổng cục Du lịch, doanh nghiệp du lịch cả nước còn chưa kịp phục hồi sau đợt dịch lần 1 thì lại nhanh chóng phải hứng chịu cú “đấm đồi”, khiến doanh nghiệp vốn đã lao đao nay lại thêm khó khăn hơn.

Cụ thể, đại dịch Covid-19 đã khiến gần 200 doanh nghiệp lữ hành quốc tế xin thu hồi giấy phép, tăng gần 3  lần so với cùng kỳ 2019. Hàng ngàn lao động bị mất việc làm; nhiều công ty phá sản, đóng cửa. Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra để tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch nhưng mấu chốt vẫn phải là sự nỗ lực, chủ động tìm ra hướng đi mới của mỗi doanh nghiệp.

Báo cáo của ngành du lịch thế giới cũng cho thấy, đến hết quý I/2020, doanh thu từ du lịch giảm 22%, sang quý II/2020 ngành du lịch toàn thế giới giảm 87%. Tốc độ giảm rất nhanh và gây thiệt hại 440 tỷ USD.

Tổ chức Du lịch thế giới thì dự báo, nếu đại dịch tiếp tục diễn biến khó lường trong năm nay, doanh thu toàn ngành sẽ giảm 1.000 tỷ USD và giảm 1 tỷ khách du lịch.

Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho biết, kho dịch Covid-19 xuất hiện, không ai lường trước được diễn biến phức tạp, kéo dài và ảnh hưởng lớn như hiện tại. Du lịch nội địa luôn luôn là “cứu cánh” cho du lịch Việt Nam sau các đợt khủng hoảng thông qua hàng loạt biện pháp kích cầu phù hợp.

Lần kích cầu thứ nhất, ngành du lịch đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp thu hút du khách và đã thành công. Nhưng sang lần này, cần có giải pháp tốt hơn để giải quyết ảnh hưởng, sống chung với dịch…

“Với đợt kích cầu lần thứ 2, giá không thể thấp hơn nữa, do đó, doanh nghiệp nên tập trung vào nâng cao chất lượng dịch vụ. Du khách phải được phục vụ tốt, sản phẩm mới nhất hoặc được làm lại… Dù có thể lượng khách không đông ào ạt trở lại ngay nhưng vẫn phải nỗ lực làm. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nên nghĩ cách khác để đối phó với dịch bệnh”, ông Vũ Thế Bình nhấn mạnh.

Ông Vũ Thế Bình cũng nhấn mạnh, ở giai đoạn 2 này, doanh nghiệp đã cực kỳ khó khăn, thế nên nếu chỉ dùng giải pháp thông thường như giảm giá, yêu cầu hỗ trợ thì không còn phù hợp. UNWTO đã khuyến khích chuyển đổi du lịch, tư duy, tiếp cận khách hàng theo cách mới. Do đó, doanh nghiệp cần tích cực, chủ động tìm hiểu hệ thống tự động, trí tuệ nhân tạo, tiếp cận công nghệ mới, chuyển đổi số để khắc phục nhanh hậu quả dịch bệnh. Các doanh nghiệp cần xác định, dù dịch bệnh có tái phát cũng không bất ngờ và có kinh nghiệm để đối phó ngay.

Song song với đó, chính quyền các địa phương cũng cần cố gắng hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bằng việc giảm phí tham quan, vé, lệ phí hoạt động để doanh nghiệp, dù mức hỗ trợ rất thấp để đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp bồi dưỡng, đào tạo nhân lực.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here