Tin kinh tế Trung Quốc

0
96
(Ảnh minh họa)

1. Trung Quốc thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng 

Chủ tịch Viện Tài chính Phát triển Quốc gia Trung Quốc Li Yang nhận định Trung Quốc giữ cách tiếp cận “thận trọng” không để xảy ra nới lỏng tiền tệ quá mức trong năm nay để giữ cân đối giữa việc ổn định nền kinh tế và ngăn ngừa rủi ro, hướng tới phát triển bền vững trong bối cảnh bất ổn định kéo dài; bám sát “6 ổn định” và “6 bảo đảm” trong khi nỗ lực kiểm soát tốt các rủi ro.

Thời gian qua, Trung Quốc đã cho phép mở rộng tín dụng nhanh hơn, tập trung hỗ trợ các hoạt động kinh doanh nhỏ bị tác động nặng nề bởi đại dịch với tổng tín dụng nền kinh tế thực nhận được từ hệ thống ngân hàng tài chính là 3.580 tỷ Nhân dân tệ (524,8 tỷ USD) trong tháng 8. Ông Li cho rằng, các biện pháp tiền tệ đối phó khủng hoảng là không thể thiếu trong việc ổn định nền kinh tế, nhưng cũng đem lại những tác dụng phụ như việc gia tăng các khoản nợ và nợ xấu. Tỷ lệ nợ trên GDP của Trung Quốc tăng 266,4% tính đến cuối tháng 6/2020, tăng 21 điểm phần trăm so với cuối năm 2019. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang đi đúng hướng trong việc xử lý sớm của việc tích tụ quá mức các rủi ro tài chính. Không giống như ở các nước phát triển, Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ truyền thống với lãi suất dương và bảng cân đối thu chi cân bằng của PBOC, nên có dư địa để ứng phó đầy đủ với mọi hoàn cảnh. Lãi suất tham chiếu cơ bản 1 năm của Trung Quốc hiện ở mức 3,85%, trong khi Cục dự trữ Liên bang Mỹ công bố chính sách duy trì lãi suất cơ bản ở mức gần 0% cho đến năm 2023. Theo ông Li, cải cách thị trường vốn mạnh mẽ hơn nữa và thúc đẩy phát triển các tổ chức tài chính phi ngân hàng có ý nghĩa quan trọng đối với chiến lược “tuần hoàn kép” mới vốn tập trung nâng cao hiệu quả việc phân bổ nguồn lực để tăng cường đổi mới sáng tạo. Những cải cách cho phép áp dụng thí điểm hệ thống đăng ký chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng tại sàn chứng khoán cổ phiếu công nghệ STAR Market Thượng Hải và ChiNext tại Thâm Quyến là nội dung căn bản trong cải cách thị trường vốn cho phép phát huy đẩy đủ lực lượng thị trường trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

2. WB: Kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 2% năm 2020 

Trong báo cáo kinh tế cập nhật vừa công bố ngày 28/9, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định đại dịch làm kinh tế Đông Á, Thái Bình Dương và Trung Quốc tăng trưởng ở mức thấp nhất trong 50 năm qua, trong khi 38 triệu người trở lại tình trạng nghèo đói. Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dự báo chỉ tăng trưởng 0,9%, mức thấp nhất kể từ năm 1967. Kinh tế Trung Quốc dự kiến tăng trưởng 2%, được thúc đẩy bởi chi tiêu của chính phủ, xuất khẩu và tỷ lệ các ca nhiễm mới ở mức thấp kể từ tháng 3/2020, nhưng bị cản trở bởi tiêu dùng trong nước ở mức thấp. Khu vực khác ở Đông Á và Thái Bình Dương dự báo tăng trưởng – 3,5%. Báo cáo nêu rõ, đại dịch và nỗ lực ngăn chặn đại dịch lan rộng đã làm thu hẹp lớn các hoạt động kinh tế; những khó khăn trong nước theo đó tiếp tục bị làm trầm trọng thêm bởi suy thoái toàn cầu gây ra bởi đại dịch, tác động mạnh nhất đến các nền kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương vốn dựa nhiều vào thương mại và du lịch. Các nước trong khu vực có thể cần phải theo đuổi các chính sách cải cách tài khóa để huy động toàn bộ nguồn ngân sách ứng phó với tác động kinh tế và tài chính của đại dịch trong khi các chương trình bảo trợ xã hội sẽ góp phần giúp người lao động tái hòa nhập vào nền kinh tế. Báo cáo cho rằng các nước vốn có chương trình bảo trợ xã hội hiệu quả và hạ tầng cơ sở tốt trước khi xảy ra đại dịch có thể huy động nguồn lực nhanh hơn trong khi xảy ra đại dịch. Với dự báo kinh tế mới nhất và trên cơ sở những kinh nghiệm trước đây, cú sốc kinh tế từ đại dịch làm trầm trọng hơn tình trạng đói nghèo, dự báo làm tăng số người nghèo từ 33 triệu lên 38 triệu người, mức tăng đầu tiên trong vòng 20 năm qua. Phó Chủ tịch WB phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Victoria Kwakwa nhận định khu vực đối mặt với những thách thức chưa từng có tiền lệ; nhưng vẫn còn các lựa chọn chính sách khôn ngoan để làm giảm bớt sự đánh đổi này, như tăng đầu từ vào năng lực xét nhiệm và truy vết nguồn lây nhiễm, mở rộng các chương trình bảo trợ xã hội để hỗ trợ tầng lớp nghèo và lao động không chính thức.

3. Trung Quốc chưa thực hiện được nhiều các cam kết trong thỏa thuận thương mại Trung – Mỹ giai đoạn I

Số liệu thống kê của hải quan Mỹ trong tháng 8/2020 cho thấy, mặc dù nhập khẩu của một số mặt hàng Mỹ có ý nghĩa quan trọng về chính trị vào thị trường Trung Quốc tăng mạnh như đậu tương, ngô và ô tô, Trung Quốc mới chỉ thực hiện được tỷ phần khiêm tốn các cam kết nêu trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ. So với tháng 6, nhập khẩu ngô từ Mỹ vào Trung Quốc tăng 513%, đậu tương 432%, ô tô 97%, trong khi tổng lượng nhập khẩu các hàng hóa thuộc phạm vi của thỏa thuận thương mại giai đoạn I từ Mỹ vào Trung Quốc tăng 25%. Điều này cho thấy, trong khi sự thù địch giữa hai nước không ngừng xấu đi, Trung Quốc và Mỹ tiếp tục muốn duy trì thỏa thuận, cấu phần hợp tác có tính xây dựng được cho là duy nhất hiện nay giữa hai nước. Chuyên gia thương mại toàn cầu Nick Marro thuộc Economist Intelligence Unit cho rằng Trung Quốc giữ cam kết trong nội dung mua hàng hóa nông sản mặc dù xuất phát từ những tính toán chiến lược của vấn đề an ninh lương thực, nông nghiệp là lĩnh vực hợp tác cùng thắng giữa hai nước cho đến thời điểm này.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế thương mại Chad Bown thuộc Viện Kinh tế quốc tế Peterson, 2/3 thời gian của năm 2020 đã trôi qua, nhưng Trung Quốc mới chỉ nhập khẩu gần 1/3 hàng hóa cam kết trong thỏa thuận ký giữa hai nước trong tháng 1/2020. Trong 8 tháng đầu năm, tổng giá trị nhập khẩu các mặt hàng trong phạm vi thỏa thuận của Trung Quốc từ Mỹ đạt 47,6 tỷ USD, thực hiện 43% cam kết mua hàng nông sản, 60% hàng chế tạo và 27% hàng hóa năng lượng. Việc thúc đẩy thực hiện các cam kết và duy trì thỏa thuận, dù chậm so với tiến độ, là nhằm bảo đảm sự xáo trộn ở mức thấp nhất trong khoảng thời gian cho đến cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Tuy nhiên, với tỷ phần cam kết đã được thực hiện còn khoảng cách xa so với những gì Tổng thống Trump đã hứa, thỏa thuận thương mại giai đoạn I không thể trở thành một trong những điểm có thể thuyết phục được cử tri trong các chiến dịch vận động tranh cử. Theo chuyên gia cao cấp Stephen Olson thuộc Hinrich Foundation, Trung Quốc và Mỹ có thể giữ cho vấn đề thương mại không vượt quá “điểm sôi”, nhưng không loại trừ xảy ra “điều ngạc nhiên tháng 10”. Nếu tiếp tục tụt xa trong các cuộc thăm dò cho đến trước bầu cử, Tổng thống Trump có thể xem thỏa thuận thương mại giai đoạn một là “dê tế thần”, quyết định chấm dứt thỏa thuận để xây dựng uy tín về lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc trong khi tập trung công kích ứng cử viên Joe Biden có lập trường mềm yếu với Trung Quốc.

4. Trung Quốc vận hành thử nghiệm lưới điện trị giá 1,65 tỷ USD tại Pakistan

Sau 22 tháng thi công, Dự án truyền tải điện ± 660 kV do Trung Quốc thiết kế và thi công đã bước vào giai đoạn vận hành thử nghiệm tại Pakistan. Theo kế hoạch Dự án sẽ được đưa vào vận hành thương mại vào tháng 3/2021. Đây là dự án truyền tải điện một chiều ± 660 kV lần đầu tiên Trung Quốc triển khai ở nước ngoài.

Mới đây, dự án đã được vận hành thử nghiệm tại trạm điện Lahore, đây là bước đầu tiên để vận hành thử toàn bộ hệ thống của dự án, đánh dấu việc chính thức chuyển từ giai đoạn xây dựng sang giai đoạn vận hành thử nghiệm toàn bộ hệ thống.

Dự án truyền tải điện một chiều này bắt đầu từ Matiari ở phía Nam và kéo dài đến Lahore ở phía Bắc của quốc gia Nam Á này. Dự án có chiều dài khoảng 890 km, do Công ty Thiết bị Điện Trung Quốc, một công ty con thuộc Tập đoàn Điện lực Nhà nước Trung Quốc, thi công với tổng vốn đầu tư 1,65 tỷ USD.

Dự án khởi công vào ngày 1/12/2018, với tổng thời gian xây dựng là 27 tháng. Đây là dự án truyền tải điện duy nhất trong Hành lang kinh tế Trung Quốc-Pakistan. Đây cũng là huyết mạch chính của truyền tải điện Nam-Bắc của Pakistan./.

Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here