Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 9 tháng đầu năm 2020 thấp nhất thập kỷ vì Covid-19

0
759
9 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận mức tăng GDP thấp nhất trong thập kỷ vừa qua (2011-2020).

Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý III/2020 và 9 tháng đầu năm, theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng năm 2020 ước tính đạt 2,12%.

9 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận mức tăng GDP thấp nhất trong thập kỷ vừa qua (2011-2020).

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) Nguyễn Thị Hương nhận định, 9 tháng đầu năm nay, Việt Nam ghi nhận mức tăng GDP thấp nhất trong thập kỷ vừa qua (2011-2020).

Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cũng cho rằng, trong bối cảnh dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế-xã hội của mọi quốc gia trên thế giới, mức tăng trưởng GDP 2,12% là một thành công lớn của Việt Nam trong việc phòng chống dịch bệnh, khôi phục và phát triển kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hương thông tin, kinh tế – xã hội Việt Nam 9 tháng năm 2020 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên phạm vi toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế – xã hội của các quốc gia trên thế giới. Các nền kinh tế lớn phải đối mặt với tình trạng suy thoái sâu, tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Nhưng, đến thời điểm giữa tháng 9, khi các nền kinh tế tái khởi động sau phong tỏa do dịch Covid-19, dự báo về tăng trưởng kinh tế thế giới có những dấu hiệu khả quan hơn.

Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại. Tình hình đứt gãy thương mại quốc tế gây ra những hệ lụy tới hoạt động sản xuất và xuất, nhập khẩu của Việt Nam. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm ở mức cao. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp vừa phòng chống dịch, bảo đảm sức khỏe người dân, vừa phòng chống suy giảm kinh tế và giữ vững ổn định xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2020. Cùng với đó, thành quả này cũng là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong thực hiện có hiệu quả mục tiêu “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế – xã hội”.

Bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ, số liệu thống kê cho thấy, GDP quý III/2020 ước tính tăng 2,62% so với cùng kỳ năm trước. Tuy là mức tăng thấp nhất của quý III các năm trong giai đoạn 2011-2020, song vẫn là mức khá trong bối cảnh Covid-19.

Sau khi dịch Covid-19 quay trở lại Việt Nam, nhiều dự báo cho rằng, kinh tế quý III/2020 sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, các con số thống kê đã thể hiện, do dịch Covid-19 được kiểm soát chặt chẽ, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới nên GDP quý III/2020 tăng trưởng khởi sắc so với quý II/2020.

Tổng cục Thống kê nhận định, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng năm 2020 tăng thấp so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dịch Covid-19 và dịch tả lợn châu Phi.

Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,93%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,95%; khu vực dịch vụ tăng 2,75%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,70%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35%; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp 9 tháng năm 2020 tăng 2,69% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ các năm 2011-2020, đóng góp 0,91 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,6%, thấp hơn mức tăng của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2020, đóng góp 1,02 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 5,35%, làm giảm 0,32 điểm phần trăm mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế do sản lượng dầu thô khai thác giảm 14,1% và khí đốt tự nhiên giảm 9,1%.

Còn ngành xây dựng tăng 5,02%, cao hơn mức giảm 0,01% và tăng 2,78% của 9 tháng năm 2011 và năm 2012 trong giai đoạn 2011-2020.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2020, theo Tổng cục Thống kê, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 14,05%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,73%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,06% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2019 là: 13,21%; 33,97%; 42,75%; 10,07%).

Chỉ số giá tiêu dùng 9 tháng tăng 3,85% so với cùng kỳ năm 2019, riêng trong tháng 9 CPI tăng 0,12%.

Về xu hướng kinh doanh, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, có 34.600 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, 38.600 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 27.600 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, gần 12.100 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, 36.500 doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Bên cạnh đó, có 32,2% doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo đánh giá tình hình kinh doanh quý III/2020 tốt hơn quý II/2020, có 31,9% số doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn và 35,9% số doanh nghiệp cho biết tình hình kinh doanh ổn định. Đồng thời, có 45,6% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng kinh doanh sẽ tốt lên.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước xuất khẩu đạt 71,83 tỷ USD, tăng 20,2%, chiếm 35,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, trở thành động lực cho tăng trưởng xuất khẩu.

Tính riêng quý III/2020, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 80,07 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu quý 3 đạt 68,54 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, Việt Nam xuất siêu 16,99 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 10,52 tỷ USD, khu vực FDI bao gồm cả dầu thô xuất siêu 27,51 tỷ USD.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here