1. Ấn Độ sẽ ngừng giao dịch trao đổi dầu thô lấy dầu diesel với Venezuela vào tháng 11/2020. Công ty Reliance Industries của Ấn Độ mới đây công bố kế hoạch ngừng giao dịch trao đổi dầu thô với Công ty Dầu khí Nhà nước Venezuela PDVSA vào tháng 11/2020, thời điểm giao dịch cuối cùng của hai bên theo thỏa thuận đã ký kết. Giữa các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ đối với PDVSA, một số công ty đa quốc gia trong đó có Reliance Industries đã nhận được gia hạn cho phép họ duy trì giao dịch với Venezuela để thu hồi nợ. Reliance Industries được Mỹ cấp phép vào tháng 7/2020, cho đến nay công ty này đã nhập được từ Venezuela khoảng 4 triệu thùng dầu thô sẽ nhập khẩu thêm 5 triệu thùng trong tháng 10/2020.
Cuộc khủng hoảng nhiên liệu đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn ở Venezuela, quốc gia Nam Mỹ này đang chờ đợi 03 tàu chở xăng của Iran cập cảng. Tuy nhiên bên cạnh thiếu hụt xăng, sự thiếu hụt dầu diesel sẽ gây thêm khủng hoảng. Dầu diesel là nguồn nhiêu liệu chính cho các nhà máy điện, các cơ sở sản xuất, các phương tiện vận tải đường bộ và đường thủy ở Venezuela.
Trong một tin khác, công ty dữ liệu hàng hải Tankertrackers cho biết 03 tầu chở xăng của Iran là Forest, Fortune và Faxon với tổng tải trọng 832.000 tấn dự kiến sẽ đi đến vùng lãnh hải của Venezuela trong tuần tới, tàu đầu tiên là Forest sẽ cập cảng El Palito phía Tây Bắc Venezuela vào ngày 28 hoặc 29/9, hai tàu còn lại sẽ đến trước ngày vào ngày 4/10. Người dân Venezuela đang trông chờ những con tàu này sẽ giảm bớt được cuộc khủng hoảng nhiên liệu hiện nay, ít nhất là cho đến trước Giáng sinh 2020.
2. Air France ngừng hoạt động tại Venezuela. Chủ tịch Cục Hàng không Dân dụng quốc gia Venezuela (INAC) Juan Teixeira trong một thông cáo báo chí mới đây đã cho biết hãng hàng không Air France đã công bố quyết định ngừng mọi hoạt động của hãng tại Venezuela. Quyết định được Air France đưa ra sau khi đánh giá lại hiệu quả, tình hình hoạt động tại khu vực Mỹ La tinh và do ảnh hưởng của dịch bênh Covid-19. Một số nguồn tin cho biết Air France có thể sẽ ngừng hoạt động tại Venezuela trong ít nhất 02 năm do hiệu quả kinh doanh thấp và thua lỗ. Air France đã duy trì hoạt động liên tục tại Venezuela trong 68 năm qua.
Việc Air France ngừng cung cấp các chuyến bay đi và đến đã làm cho Venezuela ngày càng bị hạn chế về kết nối hàng không quốc tế. Vào năm 2013 có 28 hãng hàng không quốc tế hoạt động tại Venezuela, nhưng cho đến đầu năm 2020 con số này đã giảm mạnh xuống chỉ còn dưới 10. Các hãng đã rút khỏi thị trường Venezuela bao gồm Aerolineas Argentinas, United Airlines, Air Canada, Lufthansa, Alitalia, Latam, Tiara Air, GOL, Delta, Avianca, Aeroméxico, Air France. Chính phủ Venezuela đang nợ các hãng hàng không quốc tế khoảng 4 tỷ USD và hiện chưa có khả năng thanh toán. Khoản nợ này bắt nguồn từ việc Chính phủ kiểm soát hối đoái được từ năm 2003 và trong bối cảnh các hãng hàng không không thể chuyển đổi doanh thu bán vé bằng đồng nội tệ bolivar của Chính phủ sang đồng ngoại tệ USD hay Euro.
Cơ quan IATA dự báo Chính phủ Venezuela sẽ tiếp tục duy trì lệnh cấm hoạt động hàng không thương mại quốc tế trong thời gian sắp tới, không có bất kỳ động thái nào cho thấy Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro sẽ sớm mở cửa biên giới hàng không. Tại Mỹ La tinh, các nước Colombia, Brazil, Bolivia, Uruguay, Cộng hòa Dominica, Peru, Paraguay, Panama, Mexico, Honduras; Guatemala, Ecuador, Costa Rica, Chile và Argentina là các quốc gia đã bắt đầu thực hiện các chuyến bay quốc tế có kiểm soát về an toàn sinh học.
3. Kinh tế Venezuela sau 6 tháng cách ly xã hội vì đại dịch Covid-19. Sau 06 tháng cách ly xã hội, kinh tế Venezuela tiếp tục suy thoái và bất ổn. Thu nhập của người lao động Venezuela thấp nhất Mỹ Latinh, xếp sau Haiti. Nền kinh tế trong giai đoạn này sụt giảm 20%, dự báo lên tới 35% vào cuối năm 2020 và lạm phát ở mức 5.000%. Nền kinh tế đã mất gần 70% quy mô kể từ năm 2012. Thu nhập chủ yếu từ dầu mỏ sụt giảm mạnh, dự kiến doanh thu từ dầu mỏ chỉ đạt tối đa 4 tỷ USD trong năm 2020, mức thấp hơn rất nhiều khi so sánh với con số 60 tỷ USD của năm 2012. Dự trữ ngoại hối hiện ở mức 6,5 tỷ USD, trong đó 5 tỷ USD là vàng, và Venezuela không thể giao dịch trên thị trường vàng quốc tế do lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá quy mô nền kinh tế Venezuela hiện nay chỉ tương đương Guatemala. Ngành công nghiệp sản xuất gần như bị tê liệt hoàn toàn, các ngành sản xuất mũi nhọn trước đây như thép, ô tô, cao su và máy móc đã ngừng hoạt động. Có đến hơn 1.500 doanh nghiệp sản xuất đã phải đóng cửa, ảnh hưởng tới gần 3 triệu việc làm. Điều này rất nguy hiểm vì nền kinh tế Venezuela hiện nay hầu như đang được duy trì bởi khu vực phi chính thức, tuy nhiên nền kinh tế phi chính thức rất dễ bị tổn thương vì sự thiếu hụt của các dịch vụ cơ bản.
Mức lương tối thiểu của người lao động Venezuela tính theo tỷ giá hối đoái nhà nước ngày 25/9 là 1 USD /tháng. Đây là mức lương thấp nhất ở Mỹ Latinh cũng như trên thế giới, thấp hơn Cuba, Haiti hoặc các quốc gia ở châu Phi.Các nghiệp đoàn và công đoàn bảo vệ quyền lợi của người lao động đã yêu cầu Chính phủ đưa ra mức lương tương xứng nhưng cho đến nay các đề nghị của họ vẫn chưa được giải quyết.
Về trợ cấp cho các hộ gia đình bị ảnh hưởng và vì đại dịch Covid-19, Chính phủ Venezuela chỉ cung cấp mức trợ cấp 2USD/gia đình/tháng. Trong khi đó ở các quốc gia khác trong khu vực như Peru có mức trợ cấp là 500 USD và ở Chile là 650USD mỗi tháng.
(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)