Đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi. Phía sau ngoại giao bẫy nợ?

0
1230
(Nguồn: Corbis)
Nghiên cứu của McKinsey đã cho thấy khoảng 30% trong số khoảng 10.000 công ty Trung Quốc ở châu Phi đang thực sự hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, 86% nhân viên của họ là người địa phương, cũng như 40% cán bộ quản lý của họ, và 85% số doanh nghiệp này thuộc sở hữu tư nhân. (Nguồn: Corbis)

The New York Times cùng nhiều tờ báo khác đã viết về các hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở châu Phi nhấn mạnh việc các dự án này do nhà nước Trung Quốc thúc đẩy, sử dụng công nhân Trung Quốc, tập trung vào việc khai thác tài nguyên và tràn ngập châu Phi với hàng nhập khẩu giá rẻ. Trong chuyến thăm châu Phi với tư cách là Ngoại trưởng Mỹ vào tháng 3/2018, ông Rex Tillerson đã tuyên bố một lần nữa rằng đầu tư của Trung Quốc đang tạo ra “rất ít việc làm, có thể ở hầu hết các quốc gia”.

Tuy nhiên, nghiên cứu của công ty tư vấn McKinsey đã cho thấy khoảng 30% trong số khoảng 10.000 công ty Trung Quốc ở châu Phi đang thực sự hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, 86% nhân viên của họ là người địa phương, cũng như 40% cán bộ quản lý của họ, và 85% số doanh nghiệp này thuộc sở hữu tư nhân.

Đổi tài nguyên lấy cơ sở hạ tầng?

Trang mạng Clingendael Spectator của Hà Lan mới đây đăng bài phân tích về mối quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi của nhà nghiên cứu về Trung Quốc Sanne van der Lugt. Theo chuyên gia này, một thực tế thường bị bỏ qua hoặc phủ nhận là các hoạt động kinh tế của Trung Quốc tại châu Phi không tệ hơn (và thường thậm chí không tệ bằng) các hoạt động của Mỹ hoặc châu Âu ở châu lục này.

Theo bà Sanne van der Lugt, trên thực tế, Trung Quốc không phải là một tác nhân đơn nhất. Bắc Kinh không nhìn thấy, lập kế hoạch và kiểm soát mọi thứ mà các “nhân tố” Trung Quốc làm ở lục địa châu Phi. Điều này là do có nhiều nhóm người Trung Quốc khác nhau hoạt động trên lục địa châu Phi.

Những người Trung Quốc đầu tiên đến Nam Phi là những công nhân nô lệ được người Hà Lan đưa đến đây từ thuộc địa Batavia của họ vào thế kỷ 17 và 18. Và những người Trung Quốc đầu tiên ở Nigeria là chủ các nhà máy dệt đã rời khỏi Trung Quốc để đến Khu hành chính đặc biệt Hong Kong trong cuộc nội chiến Trung Quốc. Họ đã bán một số vải của mình cho các thương nhân Liban, những người bán lại số hàng này ở Nigeria. Đây là cách các chủ nhà máy dệt Trung Quốc này biết được rằng có thị trường tiêu thụ vải của họ ở Nigeria. Một chủ nhà máy, người đã tham gia dòng người di cư từ Hong Kong đến Nigeria, đã thành lập 10 nhà máy dệt ở Nigeria, sử dụng hơn 1.000 nhân công mà hầu hết là người địa phương.

Khoảng 5 năm trước, một học giả người Mỹ đã nhận xét tại một hội nghị quốc tế về quan hệ Trung Quốc-châu Phi rằng các nhà đầu tư Trung Quốc sắp tiếp quản tất cả các doanh nghiệp ở châu Phi và nếu các nước phương Tây không hành động “thì ngay cả những ngành truyền thống như dệt may địa phương cũng sẽ về tay của người Trung Quốc”. Sự thật là kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn bằng phương pháp thủ công ở Tây Phi xuất phát từ việc người Hà Lan giới thiệu kỹ thuật “Batik” của Indonesia ở đây. Thứ hai, thương hiệu nổi tiếng nhất về hàng dệt in sáp ở Tây Phi hiện nay là Vlisco, một công ty Hà Lan không có nhà thiết kế nào người châu Phi.

Bên cạnh đó, người châu Âu có quan niệm rằng “những người châu Phi nghèo khổ đó” không phù hợp với các nhà đầu tư Trung Quốc và họ cần được bảo vệ.

Bà Sanne van der Lugt đã đến thăm Kinshasa để nghiên cứu về các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc ở Zambia và Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC). Bà cùng đồng nghiệp người Đan Mạch đầu tiên đến phái đoàn của Liên minh châu  Âu (EU) tại Kinshasa để được một trong những nhà ngoại giao châu Âu ở đó thông báo về tình hình ở DRC. Nhà ngoại giao này cho biết, Congo sẽ là kẻ thua cuộc lớn trong thỏa thuận đánh đổi tài nguyên lấy cơ sở hạ tầng mà họ có với Trung Quốc. Họ không biết mỏ của họ trị giá bao nhiêu và họ không biết những con đường mà người Trung Quốc đang xây dựng có giá trị bao nhiêu và họ nghĩ rằng họ có thể kiếm được nhiều tiền hay không?

Sau cuộc gặp đó tại phái đoàn EU, hai chuyên gia nghiên cứu tiếp tục đến Cơ quan quản lý các công trình lớn Congo và Đơn vị điều phối các dự án (cả hai cơ quan này đều thuộc Chính phủ Congo), nơi họ gặp các quan chức chính phủ có bằng kỹ sư từ Mỹ và châu Âu. Họ biết chính xác giá trị của những con đường mà các công ty Trung Quốc đang xây dựng. Các quan chức chính phủ này thừa nhận rằng Chính phủ Congo thiếu chuyên môn về khai thác mỏ, nhưng người Trung Quốc cũng vậy. Do đó, giải pháp mà Chính phủ Congo và các công ty Trung Quốc tham gia vào dự án này đồng ý thực hiện là thuê các chuyên gia Australia đánh giá các mỏ. Họ đã xây dựng hợp đồng đổi tài nguyên lấy cơ sở hạ tầng dựa trên những ước tính của Australia.

Do được mô tả là một con rồng đói khát tài nguyên của châu Phi, người ta thường cho rằng Chính phủ Trung Quốc là bên chủ động trong các giao dịch “trao đổi” giữa tài nguyên và cơ sở hạ tầng ở châu Phi. Tuy nhiên, điều này không luôn luôn là như vậy. Ví dụ, một phái đoàn Congo đến Bắc Kinh đã đề nghị Chính phủ Trung Quốc về một thỏa thuận tương tự cho Congo như Trung Quốc đã có với quốc gia láng giềng Angola, đổi bằng đồng thay vì dầu.

Nhiều người tin rằng các công ty Trung Quốc đã nhắm đến Sudan (một quốc gia bất ổn với các thể chế tương đối yếu) để khai thác dầu, trong trường hợp vắng bóng các cường quốc phương Tây. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn khác. Khi lần đầu tiên được chính phủ của ông Omar al-Bashir tiếp cận để đầu tư vào nhượng quyền khai thác dầu, các quan chức Trung Quốc đã khuyến nghị Sudan nên tìm đến công ty dầu mỏ Chevron của Mỹ. Tuy nhiên, Chevron đã rời Sudan sau 18 năm hoạt động vào năm 1992 và không có ý định quay trở lại.

Khi Mỹ xếp Sudan vào danh sách “nhà nước bảo trợ khủng bố” vào năm 1993 và các lệnh trừng phạt kinh tế được thực hiện vào năm 1997, rõ ràng là các công ty dầu mỏ khác của Mỹ (và châu Âu) sẽ không đầu tư vào Sudan trong tương lai gần. Người Sudan bị bỏ lại phía sau khi biết rằng họ đang có trữ lượng dầu khổng lồ nhưng không có chuyên môn và tài chính cần thiết để tự mình khai thác nguồn tài nguyên này. Đại sứ Sudan tại Bắc Kinh khi đó đã làm mọi cách để thuyết phục Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực dầu mỏ của Sudan.

Ngoại giao bẫy nợ?

Người châu Âu cũng có xu hướng đổ lỗi cho Chính phủ Trung Quốc về việc ủng hộ các nhà độc tài châu Phi. Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc đổ lỗi cho các chính phủ phương Tây can thiệp vào các vấn đề quốc gia và phớt lờ chủ quyền, khi họ đầu tư vào cái gọi là các tổ chức nền tảng ở các nước khác.

Ví dụ, các công ty cơ sở hạ tầng Trung Quốc thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường khi họ được yêu cầu xây dựng một con đường xuyên rừng mưa nhiệt đới hoặc một ngôi làng. Họ đưa ra các phương án khác nhau (kế hoạch A đến hoặc kế hoạch B xung quanh rừng hoặc làng và các chi phí khác nhau liên quan) và tuân theo quyết định của lãnh đạo địa phương.

Có một khía cạnh đặc biệt, đó là vấn đề ngoại giao bẫy nợ, khi các quốc gia mắc nợ Chính phủ Trung Quốc rất nhiều. Nhiều người tin rằng Chính phủ Trung Quốc cố tình cho các quốc gia vay tiền không đáng tin cậy để có được quyền kiểm soát trong các tài sản chiến lược như cảng và mỏ. Nhà khoa học chính trị Deborah Brautigam đã giải thích rằng ngoại giao bẫy nợ không chỉ là một ý tưởng rất thành công và khái niệm này có thể nhận được rất nhiều lực kéo vì có thành kiến tiêu cực phổ biến đối với các hoạt động kinh tế của Trung Quốc ở nước ngoài.

Trên thực tế, Trung Quốc chỉ là nước cho vay chính đối với ba quốc gia châu Phi có thu nhập thấp bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) coi là lâm vào cảnh túng quẫn hoặc sắp lâm vào cảnh khốn cùng. Hơn nữa, bà Brautigam cho thấy rằng trong khi các thực thể của Trung Quốc tham gia vào việc xây dựng hoặc vận hành 116 cảng ở nước ngoài ở 62 quốc gia, chỉ một (Hambantota, Sri Lanka) được coi là một ví dụ thực tế (chứ không phải là khả năng dự kiến) của ngoại giao bẫy nợ. Bà giải thích rằng trên thực tế tình hình ở Sri Lanka cũng giống như tình hình ở Hy Lạp; bán cảng là một phương tiện để huy động tiền nhằm giải quyết các vấn đề nợ lớn hơn.

Không thể phủ nhận có những trường hợp các doanh nhân Trung Quốc có hành vi sai trái ở châu Phi, nhưng điều quan trọng là phải nhận ra rằng điều này không phải là duy nhất đối với các doanh nghiệp Trung Quốc.

Nếu phương Tây tự nhủ rằng hệ thống giá trị của họ đối lập với hệ thống giá trị của Trung Quốc, họ chỉ đang tạo ra khoảng cách không cần thiết. Nếu hỏi nông dân châu Phi, nhà sản xuất hoặc người tìm việc, họ có thể không cho rằng thị trường châu Âu – với chính sách trợ cấp nông nghiệp và di cư của “lục địa già” – là cởi mở. Minh bạch và cầu tiến rất có thể cũng không phải là những từ đầu tiên xuất hiện trong đầu họ.

Các doanh nghiệp Trung Quốc không thờ ơ về các tác động xã hội và môi trường của các hoạt động của họ ở châu Phi, song họ có những lựa chọn khác. Ở Trung Quốc, lựa chọn tập trung vào tăng trưởng kinh tế trước các vấn đề xã hội và môi trường – theo lập luận rằng châu Âu cũng làm như vậy và đây là cách duy nhất để bắt kịp phương Tây.

Cách duy nhất để tạo ra thay đổi là đi đầu bằng cách gương mẫu và hỗ trợ các nước đang phát triển thực sự bắt kịp các nước phát triển của phương Tây. Mục đích là để họ bắt kịp bằng một tiến trình bền vững. Các nước phương Tây có thể ngạc nhiên khi tìm thấy đối tác hợp tác thay vì đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc.

Anh Tuấn

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here