Ngành hàng tôm sẽ “gặt hái” được gì từ EVFTA?

0
170
Trong các dòng thuế thủy sản được giảm từ EVFTA, tôm sẽ là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất. (Nguồn: Dân trí)
Trong các dòng thuế thủy sản được giảm từ EVFTA, tôm sẽ là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất. (Nguồn: Dân trí)

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu thủy sản tháng 8 vẫn tiếp tục đà suy giảm. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm vào Liên minh châu Âu (EU) đã có dấu hiệu phục hồi trở lại.

Từ tháng 3-6/2020 khi dịch Covid-19 lây lan mạnh ở EU nhiều quốc gia phải phong tỏa hoạt động thương mại và vận tải xuyên biên giới đã khiến xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU giảm liên tục. Tuy nhiên, trong hai tháng 7 và 8, xuất khẩu tôm vào EU có dấu hiệu tăng nhẹ so với những tháng trước đó và so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể, trong tháng 7 xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 54,2 triệu USD, (tăng 2% so với cùng kỳ năm 2019). Tháng 8, xuất khẩu tôm sang EU ước tính tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2019.

Theo VASEP, Hiệp định Thương mại (FTA) tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8 và EU đang dần kiểm soát được Covid-19 sẽ tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU, đặc biệt là các mặt hàng thủy sản. EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn 4 của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, hiện chiếm 13,3% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, thuế xuất khẩu nhiều mặt hàng tôm Việt Nam có mức thuế từ 12,5% đã được giảm về 0%. Và sau 5 năm Hiệp định EVFTA có hiệu lực, hầu hết các mặt hàng tôm khác đang có mức thuế 18-20% cũng được xóa bỏ thuế.

Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam trên thị trường EU như Ấn Độ không có FTA với EU nên chịu thuế GSP 4,2%; Thái Lan không được hưởng thuế GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản là 12%; Indonesia chịu thuế GSP 4,2% hay Ecuador vẫn chịu mức thuế cơ bản 12%. Nhờ những lợi thế về thuế của tôm Việt Nam tốt hơn so với các đối thủ cạnh tranh nên nhà nhập khẩu của EU cũng có xu hướng tìm tới nguồn cung từ Việt Nam nhiều hơn.

Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng thư ký VASEP, khi EVFTA có hiệu lực, khoảng 212 dòng thuế của ngành thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%. Trong các dòng thuế được giảm, tôm sẽ là mặt hàng được hưởng lợi nhiều nhất. Với kim ngạch xuất khẩu vào EU hiện khoảng 700 triệu USD/năm. Mặt hàng này đang xuất khẩu ở mức thuế suất cao như tôm tươi (hiện có thuế 4,2%) sẽ về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm luộc (đang chịu mức thuế 15%) sẽ giảm thuế sau 3-7 năm.

Những tín hiệu lạc quan trong hai tháng vừa qua, VASEP cũng dự báo, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU từ nay đến hết năm sẽ tiếp tục tăng, tuy nhiên, tốc độ tăng chưa cao do vẫn chịu tác động từ dịch Covid-19.

Để xuất khẩu tôm nói riêng và xuất khẩu thủy sản nói chung tận dụng được hết tiềm năng từ EVFTA, ông Trương Đình Hòe kiến nghị, Chính phủ và các bộ tạo điều kiện và hỗ trợ doanh nghiệp thủy sản khôi phục hoặc tái lập Quỹ Phát triển thị trường thủy sản; ban hành chính sách khuyến khích các nhà khoa học trong và ngoài ngành chuyển giao kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất. Bên cạnh đó, cần tăng tín dụng cho xây dựng trại nuôi mới và mở rộng các trại nuôi; khuyến khích các công nghệ nuôi tiên tiến, giảm ô nhiễm môi trường, tăng cao năng suất và giảm dịch bệnh. Thúc đẩy và hỗ trợ mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của ngành thủy sản.

VASEP cũng đề xuất 2 sáng kiến, đó là ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào hoạt động nuôi tôm ở Việt Nam và triển khai sàn giao dịch điện tử cho con giống, tiến tới có thể phát triển hình thức mua bán tương lai mặt hàng con giống theo mục tiêu quản lý chất lượng và giảm giá thành.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn  cũng nhận định, xuất khẩu tôm dự báo có nhiều cơ hội xuất khẩu hậu Covid-19. Hiệp định EVFTA sắp có hiệu lực sẽ giúp ngành tôm Việt cạnh tranh tốt hơn ở Châu Âu, cùng với đó là thuế xuất khẩu tôm vào thị trường Mỹ thấp. Tuy nhiên, tôm Việt Nam đang phải chịu tác động của dịch bệnh, hạn hán, xâm nhập mặn. Thêm vào đó, rào cản lớn nhất của Việt Nam là diện tích nuôi trồng tôm đạt chứng nhận của EU còn rất ít và hoạt động khai thác hải sản vẫn đang vướng cảnh báo thẻ vàng IUU.

Do đó, để tận dụng được các ưu đãi mà Hiệp định EVFTA mang lại, gia tăng thị phần hàng thủy hải sản Việt Nam tại EU, doanh nghiệp và Nhà nước cần có những biện pháp khuyến khích, ưu tiên đẩy mạnh diện tích nuôi tôm đạt tiêu chuẩn và nhanh chóng gỡ bỏ thẻ vàng IUU trong khai thác hải sản.

Gia Thành

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here