Kinh tế Venezuela

0
85
(https://www.globalr2p.org)
(https://www.globalr2p.org)

1. Venezuela đứng ở vị trí cuối cùng trong bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Kinh tế Thế giới 2020.

Theo bảng xếp hạng Chỉ số Tự do Kinh tế Thế giới (EFW) năm 2020 do Viện Fraser của Canada công bố, Venezuela tiếp tục là quốc gia bị đánh giá kém nhất và xếp hạng cuối cùng trong 5 lần liên tiếp gần đây nhất, xếp hạng 162/162 quốc gia, với 3,34/10 điểm. Xếp trên Venezuela là Sudan với 4,21 điểm và Libya với 4,72 điểm. Đánh giá được thực hiện 02 năm/lần, các chỉ số trên phản ánh tình hình tự do kinh tế của mỗi quốc gia từ năm 2018 đến nay. EFW đánh giá 05 yếu tố gắn liền với tự do kinh tế: (i) quy mô chính phủ, (ii) hệ thống pháp lý và quyền sở hữu tài sản, (iii) đồng nội tệ mạnh và ổn định, (iv) tự do thương mại quốc tế, (v) các quy định về tín dụng, lao động và kinh doanh. Venezuela đều có chỉ số rất thấp ở các yếu tố, thấp nhất là hạng  mục đồng nội tệ mạnh và ổn định chỉ đạt 0,98 /10 điểm, đây là kết quả của siêu lạm phát trong 33 tháng liên tiếp.

Một số yếu tố khác đã ảnh hưởng đến sự thiếu tự do kinh tế ở Venezuela là việc gia tăng các biện pháp kiểm soát của Chính phủ, hạn chế quyền sở hữu tài sản và sự sụt giảm của tự do thương mại quốc tế do các lệnh trừng phạt của Mỹ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ước tính nền kinh tế của Venezuela sẽ giảm khoảng 35% trong năm 2020.

Tại khu vực Mỹ Latinh, Chile một lần nữa giành được vị trí đầu tiên với xếp hạng 14/162 đạt 7,96/10 điểm, tiếp theo là Panama, Peru, Guatemala và Costa Rica. Ở cấp độ thế giới, các quốc gia có tự do kinh tế cao nhất là Hồng Kông với 8,94/10 điểm, tiếp theo là Singapore và New Zealand với 8,65 và 8,53 điểm.

2. Thiếu nhiên liệu khiến việc vận chuyển và phân phối lương thực tại Venezuela gặp khó khăn.

Cơ quan Vận tải Quốc gia Venezuela cho biết họ đang gặp khó khăn trong việc vận chuyển và phân phối lương thực trên toàn quốc do khan hiếm nhiên liệu trầm trọng, đặc biệt là ở các bang quan trọng và là đầu mối sản xuất, thu hoạch nông sản như Apure, Barinas, Lara, Táchira và Zulia. Hiện tại Chính phủ đã không còn ưu tiên cung cấp dầu diesel cho các xe tải hạng nặng. Các tài xế đã phải xếp hàng ít nhất 03 ngày cho đến 1 tuần mới có thể mua được nhiên liệu. Ngoài ra, có đến 80% phương tiện vận tải do cơ quan này quản lý không thể hoạt động do thiếu phụ tùng thay thế và không thể mua được nhiên liệu. Hiện tại một số khu vực sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi của Venezuela đã phải ngừng hoạt động, tình trạng thiếu hụt thực phẩm ở mức độ đáng kể sẽ sớm xuất hiện trở lại do thiếu nguồn cung. Venezuela là một quốc gia không có chính sách dự trữ thực phẩm, phần lớn thực phẩm cung cấp cho các cửa hàng và siêu thị tại các thành phố lớn đến trực tiếp từ khu vực nông thôn và các bang cao nguyên của dãy Andes, lượng lương thực thực phẩm tồn kho của Venezuela gần như bằng không.

Tại một tin khác, cơ quan theo dõi dữ liệu hàng hải Tanker Trackers cho biết các tàu chở nhiên liệu của Iran sẽ đến Venezuela với lộ trình khác với thông thường.  Forest và Fortune, 02 trong 03 tàu của Iran đã kích hoạt lại bộ phát tín hiệu định vị, thay vì băng qua kênh đào Suez để ra Đại Tây dương, con tàu này đã đi men bờ biển Châu Phi theo hướng Bắc Nam và hiện đang ở Mũi Hảo vọng để tới Đại Tây Dương, mỗi tàu mang theo khoảng 300.000 thùng nhiên liệu. Tàu còn lại là Faxon hiện vẫn đang tắt thiết bị định vị và các cơ quan theo dõi hàng hải chưa thể phát hiện được vị trí. Dự kiến các con tàu này ​​sẽ đến Venezuela trong 03 tuần tới nhằm cung cấp nhiên liệu trong bối cảnh quốc gia Nam Mỹ đang thiếu hụt trầm trọng. Venezuela đã không sản xuất được nhiên liệu kể từ đầu tháng 9 do các nhà máy lọc dầu Amuay và Cardón không hoạt động vì thiếu chất phụ gia và hỏng máy bơm. Tại thủ đô Caracas có gần 40 trạm xăng đã phải đóng cửa, tình trạng còn tồi tệ hơn ở các bang còn lại trên cả nước.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Venezuela)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here