Nhận định về Hiệp định đầu tư Trung Quốc – EU

0
71
(Xinhua)
(Xinhua)

Ông Ngụy Kiến Quốc, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc, Phó Chủ tịch Trung tâm giao lưu kinh tế quốc tế Trung Quốc có bài viết nhận định về Hiệp định đầu tư Trung Quốc – EU với một số nội dung chính như sau:

Tối ngày 14/9/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc họp trực tuyến với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von de Leyen. Lãnh đạo Trung Quốc và Châu Âu khẳng định sẽ đẩy nhanh đàm phán hiệp định đầu tư Trung Quốc-EU, đạt mục tiêu hoàn tất đàm phán trong năm 2020.

Năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Châu Âu. Đàm phán Hiệp định Đầu tư Toàn diện Trung Quốc-EU (CAI) là một trong những ưu tiên quan trọng trong quan hệ Trung Quốc-EU hiện nay. Tiến trình đàm phán đã kéo dài 7 năm, nếu hiệp định được hoàn tất vào cuối năm 2020, sẽ thay thế các hiệp định bảo hộ đầu tư song phương đã ký kết giữa Trung Quốc và 26 nước trong EU, trở thành hiệp định đầu tư song phương đầu tiên mà Trung Quốc ký kết có đề cập đến vấn đề tiếp cận thị trường. Hiệp định này sẽ thiết lập thời gian biểu và lộ trình phát triển quan hệ kinh tế, thương mại Trung Quốc – EU trong 5 đến 10 năm tới. Việc ký kết hiệp định này không chỉ có ý nghĩa kinh tế mà còn có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc và Châu Âu.

Nội dung cốt lõi của đàm phán CAI chủ yếu bao gồm bốn khía cạnh: bảo hộ đầu tư, tiếp cận thị trường, giám sát đầu tư, vận hành và phát triển bền vững. So với các hiệp định đầu tư truyền thống, điểm khác biệt chính trong đàm phán CAI là việc áp dụng hệ thống quản lý “danh sách hạn chế” và “đối xử quốc gia trước tiếp cận”, tập trung đến “cạnh tranh trung lập” của doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy mở cửa hơn nữa ngành dịch vụ cao cấp.

Cả Trung Quốc và EU đều tích cực và nghiêm túc thúc đẩy đàm phán hiệp định, đặc biệt Châu Âu bày tỏ mong muốn ký kết hiệp định trong năm 2020. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục một số trở ngại trong đàm phán. Hai bên hiện đang trao đổi quan điểm và tìm kiếm giải pháp về vấn đề danh sách hạn chế; Sự khác biệt đang dần thu hẹp và tiến gần hơn đến mục tiêu đề ra.

Đồng thời, hai bên cũng nhận thấy còn một số khó khăn trong quá trình đàm phán.

Một là, các yêu cầu về tiếp cận thị trường. EU hy vọng sẽ mở rộng mở cửa các lĩnh vực đầu tư của nhau, yêu cầu các doanh nghiệp hai bên có quyền bình đẳng tại thị trường của nhau. Do đó, danh sách hạn chế phải càng ngắn càng tốt. Phải thấy rằng, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã cắt giảm độ dài danh sách hạn chế. Hiện tại danh sách hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài trong khu thương mại tự do chỉ còn 30 mục, danh sách hạn chế tiếp cận đầu tư nước ngoài toàn quốc chỉ còn 33 mục, và sẽ còn tiếp tục giảm trong tương lai.  Trung Quốc kiên định niềm tin và quyết tâm mở rộng mở cửa, tin rằng sự khác biệt giữa Trung Quốc và EU trong vấn đề này sẽ ngày càng thu hẹp.

Hai là, vấn đề mở cửa đối đẳng. EU cho rằng các doanh nghiệp Châu Âu tại Trung Quốc không được đối xử như các công ty bản địa. Do vậy, hy vọng Trung Quốc có thể cung cấp một thị trường mở, môi trường cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp Châu Âu; cho rằng doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc được hưởng các chính sách ưu đãi. Do vậy, EU hy vọng đưa nội dung “cạnh tranh trung lập” vào hiệp định đầu tư. Cảm nhận này của EU khác với thực tế. Theo Báo cáo môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới, môi trường kinh doanh của Trung Quốc đã tăng lên vị trí thứ 31 trên thế giới, là 1 trong 10 nền kinh tế có sự cải thiện lớn nhất về môi trường kinh doanh. Năm 2020 là năm đầu tiên Trung Quốc thực hiện “Luật đầu tư nước ngoài”, Trung Quốc sẽ nỗ lực hơn nữa, tiếp tục thúc đẩy xây dựng hệ thống kinh tế thị trường quốc tế hóa và pháp trị hóa để cải thiện môi trường kinh doanh. Đặc biệt, trên phương diện mở cửa ngành dịch vụ, tài chính, Trung Quốc đã ban hành nhiều chính sách, thu hút nhiều sự quan tâm cửa các tổ chức tài chính Châu Âu.

Ba là, chính trị hóa các hoạt động kinh tế và thương mại. Một số thành viên trong EU có cái nhìn thành kiến đối với đầu tư từ Trung Quốc, cho rằng hợp tác “16+1” Trung Quốc và Đông Âu là nhằm chia rẽ Châu Âu; cho rằng xác định Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh có tính hệ thống, có nghĩa là cần phải nhìn nhận quan hệ kinh tế, thương mại Trung Quốc-EU trên cơ sở giá trị của Châu Âu, cần gắn kết với các vấn đề Hồng Kông, Tân Cương và nhân quyền. Có thể thấy, Trung Quốc nhiều lần nhấn mạnh sẽ không xuất khẩu các giá trị, không áp đặt chế độ của mình lên người khác. Trung Quốc tôn trọng quyền lựa chọn con đường phát triển của nhân dân các nước trên thế giới. Một số thành viên trong EU coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh có tính hệ thống, là đánh giá sai lầm về quan hệ Trung Quốc-EU. Trung Quốc không có ý định xuất khẩu các giá trị của mình sang Châu Âu, cũng như không có ý định chia rẽ Châu Âu. Sự cạnh tranh và khác biệt giữa Trung Quốc và EU trong một số lĩnh vực cần được giải quyết thông qua đối thoại và hợp tác. Trung Quốc và Châu Âu không có xung đột địa chính trị, ngược lại còn có sự đồng thuận trong các vấn đề như ủng hộ chủ nghĩa đa phương, phản đối chủ nghĩa bảo hộ thương mại, biến đổi khí hậu. Trong lịch sử phát triển quan hệ Trung-EU, đều có những “tạp âm” tại các thời điểm quan trọng, nhưng những người Châu Âu hiểu biết sâu sắc, đặc biệt là các chính trị gia có cái nhìn về toàn cầu hóa trong tương lai, không nên bận tâm đến những “tạp âm” này, hùa theo việc chèn ép Trung Quốc và chính sách “phân tách” toàn diện của Mỹ.

Hiện tại, Đức đang dần vứt bỏ quan niệm bất công này, một số nước EU khác cũng đang đi theo. Cốt lõi của việc xóa bỏ khác biệt giữa Trung Quốc và Châu Âu là mở rộng giao lưu, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau.

Vì EU liên quan đến 27 nền kinh tế, có sự khác biệt về nhu cầu giữa các quốc gia, quan hệ nội bộ phức tạp, khiến việc đạt được hiệp định CAI trở nên khó khăn. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, cọ sát Trung-Mỹ ngày càng gia tăng, chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu trỗi dậy tạo ra những thách thức cho đàm phán. Sự đồng thuận cuối cùng đòi hỏi nỗ lực không ngừng của cả hai bên. Giữa Trung Quốc và Châu Âu có những mâu thuẫn và khác biệt, nhưng sự chân thành và tin cậy lẫn nhau trong hợp tác giữa hai bên lớn hơn những yếu tố phá hoại và chia rẽ. Hợp tác Trung Quốc-EU sẽ gửi đi tín hiệu tích cực: tăng cường tin cậy lẫn nhau, thúc đẩy hợp tác, giải quyết những khác biệt thông qua đối thoại và đàm phán vẫn là xu hướng chủ đạo giao lưu quốc tế./.

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here