Khả năng sớm đạt được thỏa thuận RCEP?

0
78
Thương mại tự do là một vấn đề nhạy cảm trong RCEP. (Nguồn: Asean.org)
Tình hình kinh tế và tài chính yếu kém đang khiến việc đạt được thỏa thuận thương mại càng sớm càng tốt trở nên quan trọng hơn bởi các khó khăn về ngân sách sẽ trở nên xấu đi nếu các nền kinh tế này không nhanh chóng hồi phục. (Nguồn: AFP)

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia và New Zealand kỳ vọng dỡ bỏ các rào cản cuối cùng để đạt được Thỏa thuận về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) vào cuối năm nay.

Các quốc gia này đang tìm cách xây dựng khu vực thương mại tự do giữa 10 quốc gia ASEAN và 5 đối tác thương mại quan trọng của khối để thúc đẩy hoạt động thương mại như một cách nhằm vực dậy các nền kinh tế đang gặp khó khăn.

Tuy nhiên, theo nhận định của Nikkei Asia Review, triển vọng sớm đạt được một thỏa thuận như vậy vẫn khá u ám, với việc các quốc gia tham gia vẫn chia rẽ về việc làm thế nào để phản ứng trước việc Ấn Độ chưa sẵn sàng quay lại bàn đàm phán.

Ấn Độ đã rút khỏi bàn đàm phán RCEP do lo ngại rằng hiệp định này sẽ gây hại cho các nhà sản xuất trong nước. Khả năng 15 quốc gia còn lại sẽ miễn cưỡng chấp nhận một thỏa thuận không có Ấn Độ – một nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh với 1,3 tỷ dân – đang gia tăng. Việt Nam, nước đang giữ chiếc ghế chủ tịch luân phiên cho các cuộc đàm phán RCEP, đã quyết định tổ chức Hội nghị Bộ trưởng RCEP trực tuyến thay vì các cuộc gặp trực tiếp do lo ngại về dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cho đến nay, Ấn Độ vẫn duy trì quan điểm rằng nước này sẽ không tham gia vào RCEP ở thể thức hiện tại, và có thể sẽ không tham gia vào cuộc họp ngày 27/8. Trả lời câu hỏi về RCEP trong hội thảo trực tuyến hôm 8/8, Bộ trưởng Ngoại thương Ấn Độ S. Jaishankar nói: “Điều quan trọng là không đưa ra các lựa chọn sai lầm”.

Trước đó, New Delhi đã không tham dự cuộc họp của các bộ trưởng RCEP hôm 23/6. Hồi tháng Sáu, Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng nói rằng các cuộc đàm phán giữa 15 nước (không có Ấn Độ) gần như đã hoàn tất nhưng cũng khẳng định “cánh cửa thương lượng vẫn mở cho Ấn Độ”.

Trong tuyên bố ra hôm 26/6, của các nhà lãnh đạo ASEAN đã kêu gọi Ấn Độ quay lại bàn đàm phán. Tuyên bố đó khẳng định Ấn Độ là một đối tác thương mại quan trọng cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand. Thỏa thuận thương mại này sẽ đóng góp vào sự “phục hồi sau đại dịch và tạo ra các chuỗi cung ứng mau phục hồi hơn”.

16 quốc gia tham gia đàm phán chiếm khoảng 50% dân số thế giới và 30% thương mại toàn cầu. Ban đầu, các quốc gia này hy vọng sẽ kết thúc đàm phán về RCEP vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN ở Bangkok tháng 11 năm ngoái, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã khẳng định nước này quyết định rút khỏi RCEP, bởi vì New Delhi không thấy “một kết quả công bằng và cân bằng” sau 7 năm đàm phán.

New Delhi lo ngại rằng việc dỡ bỏ thuế quan sẽ tạo lợi thế lớn cho Trung Quốc – nước có giá hàng hóa xuất khẩu rẻ và có khả năng cạnh tranh cao ở thị trường Ấn Độ. Thâm hụt thương mại của Ấn Độ đã tăng lên 160 tỷ USD trong năm 2019, trong đó thâm hụt với Trung Quốc chiếm khoảng 30%.

Ấn Độ không muốn RCEP làm gia tăng thêm thâm hụt thương mại của nước này với Trung Quốc. New Delhi đã đưa ra các đề xuất để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước trước làn sóng hàng hóa Trung Quốc, trong đó có các điều khoản ngăn không cho hàng hóa chảy mạnh vào từ các quốc gia thành viên khác; thay đổi năm cơ sở cho việc cắt giảm thuế từ năm 2014 sang năm 2019; và thiết lập cơ chế tự động cho phép tăng thuế trong trường hợp có sự gia tăng mạnh “không phân biệt” của hàng hóa nhập khẩu.

Hồi tháng 3/2020, Bộ trưởng Công Thương Ấn Độ Piyush Goyal phát biểu trước Quốc hội rằng cơ cấu RCEP hiện nay “không giải quyết đầy đủ tham vọng và quan ngại” của các bên tham gia của Ấn Độ.

Ấn Độ đang bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19, với hơn 3 triệu người dương tính với virus SARS-CoV-2 và tỷ lệ thất nghiệp đang tăng. Bên cạnh đó, quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc đang căng thẳng do cuộc đụng độ giữa các lực lượng hai nước ở khu vực tranh chấp trên dãy Himalaya. Đây là cuộc đụng độ gây chết người đầu tiên giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này trong vòng 45 năm.

Việc Ấn Độ bất đắc dĩ rời bàn đàm phán đã khiến các nước còn lại bị chia rẽ. Nhật Bản và Australia đang tìm cách thuyết phục Ấn Độ quay lại bàn đàm phán, song các nước thành viên ASEAN lại sẵn sàng ký kết một thỏa thuận không có Ấn Độ.

RCEP không có Ấn Độ không thúc đẩy tăng trưởng thương mại khu vực nhiều như phiên bản ban đầu. Trong nỗ lực tránh để xảy ra điều đó, một biện pháp đặc biệt để thuyết phục Ấn Độ quay lại bàn đàm phán đã được đề xuất. Nhưng điều này sẽ phải đạt được sự đồng thuận của tất cả các bên.

Trong một vài tháng tới, các quốc gia tham gia đàm phán RCEP vẫn bận rộn với việc khống chế dịch COVID-19, từ đó làm giảm ý chí chính trị cho cuộc đàm phán thương mại này. Tuy nhiên, các khoản chi khổng lồ nhằm vực dậy nền kinh tế đang làm gia tăng thâm hụt ngân sách.

Tình hình kinh tế và tài chính yếu kém đang khiến việc đạt được thỏa thuận thương mại càng sớm càng tốt trở nên quan trọng hơn bởi các khó khăn về ngân sách sẽ trở nên xấu đi nếu các nền kinh tế này không nhanh chóng hồi phục. Các cuộc đàm phán RCEP có sự tham gia của một số quốc gia vẫn phụ thuộc rất lớn vào các nguồn thu từ du khách quốc tế. Trong bối cảnh triển vọng phục hồi nhanh chóng của ngành du lịch quốc tế vẫn còn yếu, các quốc gia này cần một cú hích thương mại từ việc sớm đạt được thỏa thuận về RCEP.

Đào Tùng

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here