Chủ tịch Trung Quốc đề ra nhiệm vụ cho “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”

0
79
(https://www.chinausfocus.com)
(https://www.chinausfocus.com)

Ngày 24/8/2020 tại Trung Nam Hải, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì hội nghị chuyên đề để nghe các ý kiến, đề xuất xây dựng “Kế hoạch 5 năm lần thứ 14”. Hội nghị có sự tham gia của 9 chuyên gia hàng đầu Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế – xã hội[1]. Chủ tịch Tập Cận Bình đã có bài phát biểu quan trọng, nêu trọng tâm công tác phát triển kinh tế-xã hội trung và dài hạn, nội dung chính như sau:

Triển khai các kế hoạch trung và dài hạn để định hướng phát triển kinh tế-xã hội là phương thức quan trọng để Đảng Cộng sản Trung Quốc điều hành đất nước. Từ năm 1953 đến nay, Trung Quốc đã biên soạn và thực hiện 13 lần kế hoạch 5 năm, trong đó có 8 kế hoạch 5 năm được biên soạn và thực hiện trong giai đoạn cải cách mở cửa. Việc triển khai thực hiện các “Kế hoạch 5 năm” đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia, cải thiện đời sống nhân dân, tạo kỳ tích hiếm có trên thế giới về sự phát triển nhanh chóng về kinh tế và ổn định xã hội lâu dài. Trung Quốc từ nước nghèo trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Thực tiễn đã chứng minh các kế hoạch phát triển trung và dài hạn không chỉ phát huy đầy đủ vai trò quyết định của thị trường trong phân phối tài nguyên mà còn thể hiện tốt hơn vai trò của chính phủ.

“Kế hoạch 5 năm lần thứ 14” được triển khai sau khi Trung Quốc hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện, đạt được “mục tiêu 100 năm” đầu tiên, tiếp đà cho chặng đường mới xây dựng toàn diện đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại và hướng tới “mục tiêu 100 năm” lần thứ 2. Trung Quốc sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới, bởi vậy cần có tầm nhìn dài hạn, nắm bắt xu thế chung, tăng cường trưng cầu ý kiến, đưa ra các ý tưởng, nghiên cứu các tình huống mới, lập kế hoạch mới. Thời kỳ trung và dài tới đây, sáu vấn đề trọng đại trong công tác phát triển kinh tế-xã hội như sau:

(i) Cần nhìn nhận những cơ hội và thách thức mới trong giai đoạn phát triển mới bằng tư duy biện chứng: Thế giới ngày nay đã trải qua những thay đổi lớn chưa từng thấy trong một thế kỷ. Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang thúc đẩy sự thay đổi này. Chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương gia tăng, kinh tế thế giới suy thoái, chuỗi cung ứng, chuỗi ngành nghề toàn cầu bị tác động do các nhân tố phi kinh tế, cục diện kinh tế, khoa học công nghệ, văn hóa, an ninh, chính trị quốc tế có sự điều chỉnh sâu sắc, thế giới bước vào thời kỳ bất ổn. Thời gian tới, Trung Quốc đứng trước môi trường bên ngoài không thuận, cần chuẩn bị sẵn sàng để đối phó với hàng loạt rủi ro, thách thức mới. Ở trong nước, môi trường phát triển cũng đang có những thay đổi sâu sắc. Trung Quốc đã bước vào giai đoạn phát triển chất lượng cao.

(ii) Cần xây dựng mô hình phát triển mới với tuần hoàn kinh tế lớn trong nước là chủ đạo và tuần hoàn trong nước và quốc tế cùng thúc đẩy lẫn nhau là phù hợp với giai đoạn phát triển, môi trường và điều kiện của Trung Quốc, là lựa chọn chiến lược để Trung Quốc định hình lại những lợi thế mới trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế;

(iii) Cần thúc đẩy động lực phát triển mới thông qua đổi mới công nghệ. Để đạt được phát triển chất lượng cao, Trung Quốc phải đạt được sự tăng trưởng bằng sự đổi mới; cần cải thiện mạnh mẽ khả năng đổi mới sáng tạo và đột phá công nghệ cốt lõi quan trọng càng sớm càng tốt. Đây là vấn đề lớn liên quan đến tình hình phát triển chung của Trung Quốc, là mấu chốt để hình thành tuần hoàn trong nước là chính.

(iv) Cần đi sâu cải cách để khơi dậy động lực phát triển mới. Khi Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển mới, cải cách cũng đứng trước nhiệm vụ mới, cần can đảm hơn, triển khai nhiều biện pháp hơn để phá bỏ những rào cản cơ chế; kiên trì và hoàn thiện hệ thống XHCN đặc sắc Trung Quốc, nâng cao hệ thống quản trị và điều hành đất nước.

(v) Mở cửa với thế giới bên ngoài ở mức độ cao để tạo ưu thế mới trong hợp tác và cạnh tranh quốc tế, càng mở cửa càng chú trọng đến vấn đề an toàn, cần nâng cao năng lực cạnh tranh, khả năng giám sát, khả năng phòng ngừa và kiểm soát rủi ro.

(vi) Phát triển cục diện xã hội mới thông qua việc dùng xây dựng, cùng quản trị và cùng chia sẻ. Cấu trúc xã hội của Trung Quốc đang có những thay đổi sâu sắc, internet đã làm thay đổi sâu sắc cách thức tương tác giữa người với người. Trong Kế hoạch “5 năm lần thứ 14” cần hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, kiểm soát dịch bệnh, thúc đẩy phát triển cân bằng dân số dài hạn, tăng cường quản trị xã hội, giải quyết mâu thuẫn xã hội, duy trì ổn định xã hội, tất cả đòi hỏi phải nghiên cứu và triển khai công việc nghiêm túc.

[1] Trong đó có Giáo sư Lâm Nghị Phu, Hiệu trưởng danh dự Viện Nghiên cứu phát triển quốc gia thuộc Đại học Bắc Kinh; ông Chu Dân, Viện trưởng Viện Tài chính quốc gia (Đại học Thanh Hoa), ông Vương Xương Lâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Ủy ban cải cách phát triển quốc gia; ông Trịnh Vĩnh Niên Viện trưởng Viện Nghiên cứu toàn cầu và Trung Quốc đương đại thuộc Đại học Trung Văn Hồng Công (cơ sở Thâm Quyến).

(Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc)

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here