Nhà đầu tư Nhật Bản khó chọn Việt Nam hay Ấn Độ

0
170
(TTXVN)
(TTXVN)

Trang Eurasiareview.com ngày 24/8 đăng bài nhận định rằng kể từ khi Thủ tướng Nhật Bản tuyên bố dành 2,2 tỷ USD hỗ trợ các nhà đầu tư nước này rút khỏi Trung Quốc để chuyển về Nhật Bản hoặc sang các quốc gia đang phát triển khác, giới truyền thông và các nhà nghiên cứu đã “xôn xao” về việc Ấn Độ và Việt Nam sẽ là những điểm đến hứa hẹn thay thế Trung Quốc.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư Nhật Bản lại rơi vào tình thế khó xử khi kết quả khảo sát không cho thấy kết quả đồng nhất và khó có thể kết luận Ấn Độ hay Việt Nam là lựa chọn tốt hơn. Trong khi một số khảo sát cho rằng Việt Nam là điểm đến hứa hẹn hơn, một số khác lại chọn Ấn Độ. Trong khi khảo sát của NNA Japan Co (tiến hành vào tháng 1/2020) đánh giá Việt Nam là điểm đến tiềm năng nhất cho các nhà đầu tư Nhật Bản, khảo sát của Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) lại đưa Ấn Độ lên vị trí hàng đầu về điểm đến đầu tư.

Trong cuộc khảo sát lần thứ 31 được thực hiện vào tháng 11/2019, JBIC kết luận Ấn Độ là điểm đầu tư hấp dẫn nhất năm 2019, trong khi Trung Quốc và Việt Nam lần lượt xếp thứ hai và thứ ba. Cuộc khảo sát cho thấy sự gia tăng thứ hạng của Ấn Độ là do tỷ lệ tham gia khảo sát ở Trung Quốc giảm. Nói cách khác, sự sụt giảm của Trung Quốc đã mở đường để Ấn Độ vươn lên dẫn đầu về điểm đến đầu tư.

Tuy nhiên, khảo sát ý kiến chỉ là một chỉ dẫn và độ tin cậy của công cụ này phụ thuộc vào mức độ bao quát của các luồng ý kiến chủ đạo. Trong khi đó, dữ liệu nhiều khi không nói lên xu hướng.

Theo METI, năm 2019, Ấn Độ nổi lên là nước nhận đầu tư lớn thứ 5 của Nhật Bản ở châu Á, bỏ xa Việt Nam ở vị trí thứ 6. Đáng chú ý, cũng trong năm này, đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ cao gấp 2 lần so với đầu tư vào Việt Nam và tăng gấp 4 lần trong vòng 3 năm (từ 1,6 tỷ USD năm 2017 lên 5,1 tỷ USD năm 2019). Trong khi đó, đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam chỉ nhích nhẹ từ 2 tỷ USD năm 2017 lên 2,5 tỷ USD năm 2019. Xu hướng này cho thấy sự phụ thuộc của Nhật Bản vào tiềm năng của Ấn Độ.

Tại sao Ấn Độ lại bị Việt Nam “lật đổ” trong cuộc khảo sát của NNA 2 tháng sau cuộc khảo sát của JBIC? Về mức độ phổ biến và độ tin cậy, JBIC được đánh giá cao hơn vì ngân hàng này thực hiện cuộc khảo sát trong 3 thập kỷ. Điều đó ám chỉ gì? Nên tin vào khảo sát của JBIC hay NNA khi xác định Nhật Bản sẽ lựa chọn điểm đến đầu tư nào thay thế Trung Quốc.
Không nghi ngờ gì nữa, Việt Nam có nhiều đặc điểm hấp dẫn: chi phí đầu vào rẻ, chính trị ổn định, chính sách thương mại và đầu tư ngày càng tự do hóa và sở hữu hiệp định thương mại tự do với Nhật Bản và các nước khác. Tuy nhiên, Việt Nam cũng có những hạn chế – đó là sự phụ thuộc quá lớn vào nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất và xuất khẩu, có ít lĩnh vực cho đầu tư, thoái lui của toàn cầu hóa sau COVID 19 và dân số ít hơn nhiều.

Sự phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu đầu vào từ nước ngoài hạn chế việc mở rộng công suất, ẩn chứa rủi ro nếu xảy ra đối đầu chính trị, trong khi sự thoái lui của toàn cầu hóa làm suy giảm cường độ nhập khẩu trong sản xuất và xuất khẩu. Dân số nhỏ cũng hạn chế nhu cầu trong nước.

Thứ nhất, Trung Quốc là nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào chính của Việt Nam. Hơn 1/3 hàng nhập khẩu của Việt Nam đến từ Trung Quốc. Do phụ thuộc quá nhiều vào đầu vào nước ngoài, xuất khẩu của Việt Nam bao gồm nhiều hàng hóa trung gian của Trung Quốc hơn là các sản phẩm nội địa. Điều này làm tăng rủi ro cho tăng trưởng bền vững trong xuất khẩu, đặc biệt trong trường hợp có biến động chính trị.

Ấn Độ là một trường hợp điển hình. Sự phụ thuộc quá mức của Ấn Độ vào linh kiện và bộ phận sản xuất điện thoại di động của Trung Quốc đã khiến Chính phủ Ấn Độ phải “đau đầu”. Dù điều này giúp xây dựng một ngành công nghiệp mới, song quan hệ chính trị gay gắt giữa hai nước trong bối cảnh thường xuyên xảy ra xung đột biên giới buộc chính phủ Ấn Độ phải đặt ra các rào cản đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Thứ hai, việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc ảnh hưởng đến khả năng  Việt Nam hội nhập với các quốc gia châu Á khác. Hàng hóa nhập khẩu từ các nước này vào Việt Nam giảm trong khi hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lại tăng. Điều này vẫn có lợi nếu quan hệ chính trị vẫn bình thường. Tuy nhiên, Trung Quốc đã đánh mất hình ảnh một đối tác thương mại tốt với chính sách bành trướng của họ. Sau khi Trung Quốc phớt lờ phán quyết của tòa trọng tài ở La Hay về vấn đề Biển Đông, chủ quyền của Việt Nam rơi vào thế nguy hiểm.

Thứ ba, Việt Nam còn hạn chế về các lĩnh vực thu hút đầu tư. Các ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam là điện tử, da giày và dệt may. Điều này có nghĩa là các công ty đang tìm cách chuyển dịch khỏi Trung Quốc sẽ chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của họ. Các nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội hơn ở Ấn Độ, quốc gia có nhiều lĩnh vực đầu tư. Từ sản xuất thiết bị điện tử, ô tô và thiết bị quốc phòng đến xây dựng, bao gồm đầu tư lớn vào cơ sở hạ tầng, Ấn Độ có thể cung cấp phạm vi lớn hơn cho đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ.

Thứ tư, nhu cầu trong nước là một thông số quan trọng khác giúp Ấn Độ vượt xa Việt Nam. Dân số Ấn Độ lớn gấp 10 lần Việt Nam. Trong khi các nhà đầu tư ở Việt Nam phải tìm kiếm lợi nhuận thông qua xuất khẩu, thì ở Ấn Độ, nhu cầu nội địa trở thành yếu tố quyết định doanh số bán hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam là một giải pháp thay thế Trung Quốc về chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, COVID-19 đã đặt ra rủi ro cho chuỗi cung ứng với sự gián đoạn sản xuất trên khắp thế giới. Khó khăn này buộc các quốc gia phải cân nhắc về sự phụ thuộc vào nhập khẩu trong mô hình chuỗi giá trị toàn cầu và quay về phát triển chuỗi cung ứng trong nước.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here