Bloomberg: Ổn hơn các nền kinh tế châu Á khác, kinh tế Việt Nam vẫn điêu đứng vì Covid-19

0
114
Hậu Covid-19, Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực từ thị trường nội địa. (Nguồn: Journeyonair)
Hậu Covid-19, du lịch Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực từ thị trường nội địa. (Nguồn: Journeyonair)

Trang Bloomberg của Mỹ ngày 26/8 đăng bài nhận định, trong suốt 3 thập kỷ qua, Việt Nam chỉ biết đến với những thông tin kinh tế từ tốt đến tuyệt vời. Tăng trưởng ổn định nhờ xuất khẩu đã giúp ngày càng nhiều người dân gia nhập tầng lớp trung lưu. Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 đã thay đổi mọi thứ.

Không tránh khỏi tác động trên toàn cầu

Theo bài viết, đơn hàng của các công ty may mặc sụt giảm, trong khi xuất khẩu ở các ngành khác cũng đột nhiên chững lại. Người lao động Việt Nam đang phải gánh chịu “hậu quả” từ mặt trái của sự gắn bó giữa nền kinh tế với kinh tế toàn cầu. Có thể cảm nhận sự suy giảm của nền kinh tế Mỹ cũng như các thị trường mà Việt Nam phụ thuộc ngay trên các con đường ở Tp. Hồ Chí Minh và Hà Nội, cũng như ở khu vực nông thôn và các trung tâm du lịch.

Việt Nam thực sự là một trong những “ngôi sao” của hiện tượng toàn cầu hóa, đã chuyển mình từ nền kinh tế nông nghiệp thành trung tâm sản xuất chỉ trong vòng vài thập kỷ. Với xuất khẩu tương đương quy mô GDP, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2019 lên tới 7,02%. Tuy nhiên, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam được cho là sẽ xuống mức thấp nhất trong 2 thập kỷ qua, dự báo chỉ đạt 2,4% trong năm 2020. Trong quý II/2020, GDP của Việt Nam chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng Giám đốc Infocus Mekong Research Ralf Matthaes, người sinh sống tại Việt Nam từ năm 1994, nhận định: “Việt Nam trải qua thời kỳ 3 thập kỷ toàn thông tin kinh tế tích cực. Đây là lần đầu tiên kinh tế Việt Nam chứng kiến sự giảm tốc mạnh kể từ khi gia nhập cộng đồng kinh tế toàn cầu 20 năm trước”.

3 thập kỷ phát triển kinh tế thần kỳ ở Việt Nam đột ngột chấm dứt – thực tế này phơi bày những tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 và cho thấy thậm chí những quốc gia kiểm soát dịch tương đối thành công cũng chẳng thể tránh khỏi thiệt hại về kinh tế. Những nền kinh tế như thế khó phục hồi hoàn toàn cho đến khi cả thế giới yên ổn trở lại.

Sian Fenner, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, cho rằng “con đường sắp tới có lẽ rất gập ghềnh khi mà các quốc gia theo định hướng xuất khẩu vẫn còn chịu nhiều rủi ro”. Oxford Economics dự báo thương mại toàn cầu giảm 8% trong năm 2020.

Trong tháng 4/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái và đến tháng 5/2020 giảm 12,4% khi thương mại toàn cầu chững lại. Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu chỉ tăng trưởng 1,5%, thấp hơn rất nhiều so với mức 8% của cùng kỳ năm ngoái.

Các nhà lãnh đạo Việt Nam hy vọng những tín hiệu tích cực sẽ đến với nền kinh tế, sau khi Hà Nội ký hơn 10 thỏa thuận thương mại trong những năm gần đây và biến Việt Nam thành thỏi nam châm thu hút đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Việt Nam nhận được nhiều lời khen ngợi từ quốc tế nhờ kiểm soát COVID-19 thành công, mặc dù gần đây dịch bệnh tái bùng phát với “tâm chấn” Đà Nẵng. Giới chức vẫn triển khai các biện pháp chống dịch, đồng thời cho phép doanh nghiệp sản xuất tiếp tục mở cửa hoạt động.

Mặc dù tình hình ở Việt Nam ổn hơn so với các nền kinh tế châu Á khác, việc phụ thuộc vào thị trường nước ngoài và ngành du lịch tăng trưởng mạnh khiến nền kinh tế không tránh khỏi tác động từ những biến động trên toàn cầu.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm đến đáng chú ý của chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là nơi đặt nhà máy của nhiều công ty quốc tế như Intel Corp., Samsung Electronics Co. và LG Electronics Inc., cũng như các nhà sản xuất tấm năng lượng mặt trời và nhà sản xuất hàng may mặc. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lên mức 264,3 tỷ USD trong năm 2019 – tăng 4 lần so với năm 2008. Tiền lương trung bình hàng năm tăng từ 1.154 USD lên 2.800 USD trong giai đoạn này.

Trong năm 2019, tốc độ xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ – thị trường lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 23% kim ngạch xuất khẩu, song đà tăng trưởng chậm lại trong nửa đầu năm 2020. Chính phủ ghi nhận mức tăng trưởng 14,6% từ kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, chỉ bằng 1/2 mức tăng trưởng của năm 2019.

Nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, như dệt may và may mặc, vốn tạo việc làm cho hàng triệu người lao động tay nghề thấp. Theo Bộ Công Thương, nhà máy của Samsung tại Việt Nam hạ dự báo xuất khẩu năm 2020 xuống còn 45,5 tỷ USD, giảm 13,5 tỷ USD so với năm 2019. Thiết bị điện tử chiếm 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2019.

“Nỗi đau”của ngành du lịch

Ngành du lịch – đóng góp 9% vào nền kinh tế đất nước – chứng kiến doanh thu giảm 55,4% trong 7 tháng đầu năm 2020. Khoảng 31 triệu người lao động (chiếm gần 1/3 dân số) hứng chịu tác động tài chính trong quý II/2020.

“Vết thương”’ kinh tế toàn cầu càng bị khoét sâu do các lệnh phong tỏa kinh tế trong tháng 4 và các giới hạn được áp đặt trong đợt bùng phát mới.

Trong bối cảnh hàng triệu nhân viên trong chuỗi lắp ráp mất việc, một số quan chức Việt Nam lo ngại về khả năng xảy ra bất ổn xã hội. Theo Fred Burke, đối tác quản lý tại hãng luật Baker McKenzie ở Tp. Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gần đây đã kêu gọi các doanh nghiệp tham gia Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam không sa thải người lao động, mà cố giữ họ lại càng lâu càng tốt.

Theo Infocus Mekong Research, sự gián đoạn kinh tế vì COVID-19 khiến niềm tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 25 năm qua. Khoảng 2/3 dân số Việt Nam đang trì hoãn hoặc quyết định không mua những vật phẩm có giá trị cao và 63% dân số Việt Nam đang cân nhắc vay nợ.

Thọ Anh

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here